Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp dệt may: Chia sẻ để tồn tại!

Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn khi nhiều nhà nhập khẩu (NNK) giảm đơn hàng, ngưng đặt hàng. Bài toán lương thưởng, cắt giảm lao động đang đặt ra cho nhiều DN dệt may (DM). Người lao động phải hiểu, chia sẻ khó khăn để cùng DN tồn tại là một trong những giải pháp cần thiết mà các DN đưa ra tại cuộc họp “khẩn” của Hội Dệt may- Thêu đan TPHCM diễn ra ngày 25-11.

  • Nhiều lo ngại

Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), doanh số bán hàng DM tại Hoa Kỳ trong tháng 10-2008 đã giảm sút mạnh, ở mức thấp nhất trong 35 năm qua. Và theo số liệu nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong 9 tháng, chỉ có hàng DM VN tăng 22%, hàng nhập khẩu từ các nước khác giảm 3% so với cùng kỳ 2007.


Hiện Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản là 3 thị trường XK chính của VN, chiếm khoảng 85% thị phần XK. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất, chiếm 57% thị phần. Do vậy, sản xuất và XK của hàng DM VN cũng gặp nhiều hệ lụy trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thực tế, đã có nhiều DN 100% vốn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) ngưng sản xuất tại VN do không có đơn hàng và bị ảnh hưởng khó khăn liên lụy từ công ty mẹ ở chính quốc. Với các DN trong nước, tình trạng cắt giảm lao động đã diễn ra, tuy nhiên, mức độ chưa quá nghiêm trọng. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM, nhận xét, các DN có tiềm lực kinh tế sẽ ít khó khăn hơn.

Thực tế hiện nay, 80% DN DM làm hàng gia công XK. Trong thời điểm hiện nay, hàng gia công sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những DN làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Tuy nhiên, DN XK hàng FOB cũng gặp không ít khó khăn. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM May Sài Gòn, cho biết: “Trước đây, khi bán hàng nhà cung cấp nguyên phụ liệu có thể cho DN trả chậm 3 tháng. Nhưng nay, do nguồn vốn từ công ty mẹ rót chậm nên các công ty nước ngoài đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu tại VN buộc DN phải ứng trước tiền mới cung ứng hàng. Đây chỉ là thủ thuật tính toán trong kinh doanh, nhưng DN phải có vốn mới có thể xoay xở được”.

Ngoài những khó khăn về đơn hàng, chi phí sản xuất, Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM cũng khuyến cáo, các DN DM có thể sẽ đối mặt với việc “bỏ của chạy lấy người” từ các NNK, đã đặt hàng nhưng không nhận hàng. Đây là một lo ngại mà các DN DM cần chú ý. Để tránh trường hợp này, DN cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, để NNK không có cớ để “lui binh”! Nếu việc này xảy ra với DN sản xuất FOB thì thiệt hại càng lớn.

  • Người lao động chung tay cùng DN
Ngành DM VN dự báo, năm 2009 sẽ có nhiều khó khăn hơn cho DN và người lao động. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, sẽ có 20% lao động trong số trên 2 triệu lao động DM thất nghiệp, tương đương khoảng 400.000 lao động mất việc. Trước mắt, nhiều DN sẽ gặp khó khăn lớn trong kế hoạch lương thưởng cuối năm cho người lao động. Chắc chắn, mức lương thưởng sẽ không như năm trước. Đây cũng chính là điều các DN DM mong muốn người lao động hiểu được cái khó khăn chung, cùng DN thắt lưng buộc bụng để cùng tồn tại.

Chia sẻ để cùng tồn tại, hơn là phải thất nghiệp. Vì nếu không vượt qua được, DN đóng cửa, cũng đồng nghĩa với việc công nhân sẽ mất việc. Người lao động phải hiểu được, giữ được việc làm trong thời điểm khó khăn này sẽ là hạnh phúc so với nhiều lao động đã phải nghỉ việc! Nhiều khả năng, lao động DM VN sẽ chuyển từ thiếu sang “thừa” trong năm tới. Tuy nhiên, nhiều DN cũng lo ngại, do ảnh hưởng khó khăn, lao động ở tỉnh sẽ không trở lại TP làm việc sau tết.

Những giải pháp đặt ra để tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay là việc tìm kiếm, chuyển hướng sang các thị trường khác. Trong đó, thị trường Nga được các DN đánh giá là một thị trường tiềm năng của XK hàng DM VN. Theo kinh nghiệm của Công ty CP May Hòa Bình, DN XK 45% lượng hàng sang Nga, thì Nga là một thị trường tốt để DN DM VN hướng đến. Hiện nay, các NNK Nga chỉ mua hàng (FOB), không gia công. Và một thuận lợi lớn nữa là hệ thống thanh toán quốc tế qua các ngân hàng đã được cải thiện.

Ngoài những nỗ lực của chính DN để tự cứu lấy mình, các DN DM cũng mong muốn có nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước để có thể cầm cự, vượt qua khó khăn. Nhiều DN đã đề xuất, trong thời điểm hiện nay, nên chăng phí công đoàn 2% tạm thời giao cho công đoàn cơ sở phục vụ cho việc cải thiện, chăm lo đời sống của người lao động. Thời hạn áp dụng tăng lương tối thiểu cho người lao động (1-1-2009) có thể lùi lại vào tháng 5-2009 (cùng với thời điểm áp dụng cho đối tượng công chức). Đồng thời bỏ thuế VAT đối với đơn hàng ủy thác gia công; không tăng giá điện trong năm 2009; hỗ trợ kinh phí xúc tiến, mở rộng thị trường XK…

Công ty cổ phần May Việt Tiến: Tiếp nhận 500 công nhân bị mất việc

(SGGP).- Trước tình hình nhiều công ty đột ngột đóng cửa khiến công nhân (CN) thất nghiệp, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến vừa có công văn gởi LĐLĐ các quận, huyện, đề nghị được tiếp nhận những CN bị mất việc do doanh nghiệp giải thể trong thời gian vừa qua về làm việc tại trụ sở công ty (số 7, đường Lê Minh Xuân, quận Tân Bình, TPHCM).

Hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 lao động để đào tạo thành CN may công nghiệp và phụ trợ. CN làm việc tại công ty sẽ được trợ cấp 150.000 đồng/tháng trong 6 tháng đầu và hưởng lương theo sản phẩm. Nếu lương sản phẩm và trợ cấp không đạt mức 1.603.000 đồng/tháng thì được công ty bù đủ mức này.

Riêng CN chưa có tay nghề trong thời gian đào tạo được trả lương 1.603.000 đồng/tháng. Sau thời gian đào tạo và thử việc, CN được xếp bậc thợ, được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.

 

(Theo báo Sài gòn giải phóng )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container