Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghịch lý cung ứng nguyên phụ liệu dệt may

Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu. Ảnh: Hoài Nam
Nhu cầu nguyên phụ liệu của doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày là rất lớn. Song hiện xảy ra một nghịch lý là, trong khi các DN phải nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu, thì hai trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu vừa ra đời đã... chết yểu.
 
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty cổ phần May Bình Hòa cho biết, ngành may Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30% nguyên phụ liệu. “Công ty chúng tôi đã thử đi tìm mua nguyên phụ liệu trong nước, nhưng chỉ là hàng cấp thấp. Trong khi đó, hàng nhập về chất lượng tốt hơn, mà giá lại rẻ hơn”, ông Ngọ nói.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nhu cầu về nguyên phụ liệu của DN  dệt may, da giày là rất lớn. Ước tính, bình quân mỗi năm, nguyên phụ liệu nhập vào Việt Nam có trị giá khoảng gần 9 tỷ USD, trong đó từ 6 đến 7 tỷ USD của riêng ngành dệt may.

Thế nhưng, ở Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có một trung tâm nguyên phụ liệu chính thức nào, mà mới chỉ có một số điểm bán lẻ tẻ ở khu vực Tân Bình và khu Đại Quang Minh (quận 5, TP.HCM)...

Thực ra, đã có hai trung tâm nguyên phụ liệu ra đời, nhưng không đi vào hoạt động được. Cụ thể, Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may - da giày Liên Anh (Dĩ An, Bình Dương) do Công ty TNHH Liên Anh đầu tư trên 100 tỷ đồng, trên diện tích 8,5 ha. Trung tâm có đầy đủ các hạng mục như khu chợ nguyên phụ liệu, kho ngoại quan, kho nội địa, nhà xưởng, ký túc xá, phòng hội nghị..., nhưng hoạt động đúng một tuần đã phải đóng cửa.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Liên Anh cho hay, hiện Trung tâm này đã ngừng hoạt động hoàn toàn và được chuyển sang làm... nhà kho. Theo bà Liên, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của trung tâm nguyên phụ liệu này là do cơ cấu hàng của Việt Nam chủ yếu là may gia công, trong khi các DN nước ngoài đặt hàng tại Việt Nam lại chỉ định cho DN Việt Nam gia công phải mua nguyên phụ liệu từ những địa chỉ đã biết. “DN 100% vốn nước ngoài cũng có mối cung ứng cả rồi. Công ty mình bán cho nhu cầu nội địa không được bao nhiêu. Chúng tôi không có vốn để theo tiếp, nên phải chuyển qua làm xưởng sản xuất, kho hàng”, bà Liên nói.

Còn Trung tâm Nguyên phụ liệu Sanding Tam ở quận Tân Bình (TP.HCM) của Công ty May Sài Gòn 2 hiện vẫn không thu hút được khách giao dịch, mua bán. Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2 cho biết, Trung tâm chủ yếu cho thuê mặt bằng để kinh doanh nguyên phụ liệu, nhưng hiện chỉ có 10% trong tổng số 300 gian hàng có người thuê mà thôi.

“Chúng tôi đang đàm phán với một số đơn vị khác để cho thuê làm việc khác, có thể sẽ không làm trung tâm nguyên phụ liệu nữa”, ông Toàn cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quốc Ân nhận xét, sở dĩ hai trung tâm nguyên phụ liệu trên chưa thành công là do việc kinh doanh trung tâm nguyên phụ liệu rất khó, vì cần có thời gian để các DN nhập khẩu biết đến và tìm mua nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, cũng theo ông Ân, để làm được điều này, cần có thời gian, phải có nhiều vốn cũng như phải làm tốt công tác quảng bá, tiếp thị, nên rất cần sự “vào cuộc” của Nhà nước. “Tư nhân làm thì vốn có hạn, có lời họ mới làm! Trong khi trung tâm nguyên phụ liệu phải “chịu đựng” lỗ vài năm để mọi người biết đến. Ngay những trung tâm nguyên phụ liệu của Trung Quốc, thời gian đầu cũng do Chính phủ  đứng ra làm hoàn toàn, sau khi phát triển được thì tư nhân mới nhảy vào”, ông Ân nói

Còn theo bà Liên, hiện có khoảng 500 DN, đối tác sẵn sàng đưa hàng cho Công ty Liên Anh làm đại lý phân phối. “Muốn làm đại lý của họ, phải có nguồn vốn lớn để đặt cọc (khoảng vài triệu USD), nhưng Công ty không dồi dào tiền... nên chịu. Việc phục hồi lại Trung tâm Nguyên phụ liệu Liên Anh là rất khó khăn”, bà Liên nói.

(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)

  • Vải ngoại vẫn lấn sân
  • Áp lực cho sợi dệt
  • Ngành dệt may triển khai nhiều dự án cho mục tiêu phát triển bền vững
  • Vinatex đón nhận Huân chương Sao Vàng
  • Các doanh nghiệp dệt may: Tiết kiệm điện để giảm giá thành
  • DN dệt may : Thiếu lao động và điện
  • Nghịch lý dệt may
  • Ngành dệt may: Cách nào tạo thương hiệu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container