Những phố giày ở Sài Gòn đã nhộn nhịp vào mùa mua sắm. Tiểu thương các chợ đầu mối cũng bắt đầu đóng hàng về các tỉnh. Từ phố đến chợ, người tiêu dùng vẫn cảm thấy giày dép nhập khẩu nhiều hơn.
Đi hết ba tiệm trên đường Lý Chính Thắng chuyên bán giày nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ngọc Lan – sinh viên trường đại học Văn Lang – vẫn chưa chọn được một đôi phù hợp. Lan nói nghe giày Trung Quốc nhiều mẫu mã, giá rẻ, hợp giới trẻ, nhưng thật ra phần lớn phù hợp với những bạn có cá tính đặc biệt, còn muốn tìm những kiểu giày trẻ trung nhưng nghiêm túc thật khó. Lan nhận xét: “Giày dép ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc được tung ra sớm hơn hàng của các cơ sở sản xuất trong nước, tạo “hiệu ứng số nhiều” nên thu hút khách, chứ giá không rẻ so với hàng cùng chất liệu của các cơ sở nhỏ trong nước.”
Giày ngoại nhập: nhanh từ mẫu mã đến phân phối
Giày da hàng hiệu Việt Nam vẫn được tín nhiệm nhưng nơi bán chỉ tập trung ở TP.HCM. Ảnh: Các Ngọc |
Đúng như nhận xét của Ngọc Lan, trong khi nhiều cửa hàng giày hiệu trong nước dường như chưa hết những tháng thấp điểm, thì trên đường Lý Chính Thắng, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Lê Quang Định, Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Trần Quang Diệu, Trần Huy Liệu (Phú Nhuận)..., những tiệm bán giày nhập từ các nước châu Á đã tràn ngập hàng.
Quan sát sẽ nhận ra nhiều tiệm san sát nhau đều có hàng giống nhau, khoảng 40 - 50 mẫu cho nữ, 30 mẫu giày cho nam, do cách bày mỗi mẫu hàng có đến hàng chục đôi nên trông thật nhiều. Sự đa dạng mẫu mã của giày dép Trung Quốc, Thái Lan thể hiện ở điểm trong từng đợt xuất hiện trên thị trường đều có nhóm chất liệu mới. Chẳng hạn, cho giới trẻ mùa cuối năm này có những đôi giày làm bằng vải mùng cũ, vải jeans, dây kéo, simili ép hình… nhiều kiểu lạ đến hơi kỳ quặc, khó mang cho phù hợp trong mọi tình huống. Cùng kiểu giày, mỗi người mua được một giá khác nhau tùy theo khả năng biết mặc cả.
Những người buôn sỉ giày dép đi tỉnh đã về các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông đóng hàng. Tại trung tâm thương mại An Đông (Q.5), giày dép nữ thời trang nạm hạt pha lê đang đổ về nhiều, giá bán lẻ từ 300.000 – 400.000 đồng đến trên một triệu đồng một đôi. Người mua không rõ xuất xứ vì chúng của Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông hay Singapore là tùy vào lời người bán.
Hàng giày vải, simili, kiểu bata, giả da nhập ngoại thì thường được gắn cho hai xuất xứ Trung Quốc và Thái Lan. Chị Hương đóng hàng lên Đà Lạt cho biết dẫu không tin hàng Trung Quốc chất lượng tốt hơn, nhưng người khác đưa hàng mới lên mà mình không có thì sẽ mất khách hàng. Thông qua tiểu thương các chợ đầu mối vốn là những người khá nhanh nhạy đưa thông tin và linh hoạt giao hàng sao cho đến nhiều nơi bán lẻ nhanh nhất, xem như giày dép Trung Quốc có sẵn mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam.
Giày hiệu Việt Nam: thủng thỉnh ở cả phân khúc thế mạnh
Giải thích vì sao hiện giờ tỷ giá đô la Mỹ và nhân dân tệ đều tăng nhưng giày dép Trung Quốc vẫn nhiều, bà Thủy – tiểu thương trung tâm thương mại An Đông cho rằng, các cơ sở sản xuất trong nước không chỉ thiếu suy nghĩ những chất liệu mới để tạo ra thời trang định hướng tiêu dùng mà còn chưa phủ nổi thị trường giày dép Việt Nam. Chính vì thế giày dép ngoại nhập mới, nhất là hàng Trung Quốc xuất hiện sớm vào những mùa mua sắm chính trong năm thì người tiêu dùng chạy theo thời trang tiêu tiền ngay vào giày ngoại.
Theo báo cáo tháng 10 của bộ Công thương, giày dép xuất khẩu đang sản xuất không kịp giao hàng. Nhiều doanh nghiệp đã phải từ chối các đơn hàng mới. |
Bà Thủy dẫn chứng từ kinh nghiệm mua bán của mình: công nhân, sinh viên, người nông thôn và những người thành thị khác có thu nhập trung bình trở xuống chiếm đến khoảng 80% nhu cầu tiêu dùng giày dép, nhưng các hộ sản xuất nhỏ chỉ đáp ứng chưa tới 40% cho tiểu thương đưa đi các tỉnh, thành. Còn giày hiệu nổi tiếng trong nước làm hàng tốt hầu như chỉ tập trung vào thế mạnh giày bằng da, giày kiểu thể thao, giày đúc, được người tiêu dùng tín nhiệm nhưng các doanh nghiệp dường như cứ thủng thỉnh, chưa quan tâm mở rộng mạng lưới bán hàng, kể cả các thương hiệu lớn.
Chẳng hạn, Giày An Lạc chỉ có bốn cửa hàng ở TP.HCM và một ở Hà Nội; Vina Giày chỉ trên 10 cửa hàng ở TP.HCM; giày Hồng Thạnh chưa tới 10 cửa hàng; T&T mới có 3 cửa hàng ở TP.HCM và một ở Hà Nội;... nên không phải ai muốn ủng hộ đều mua được như với hàng Trung Quốc. Đã ít nơi bán, những khuyết điểm mà các cửa hàng giày hiệu Việt Nam vẫn chưa khắc phục tốt là tình trạng thiếu thường xuyên, sản phẩm được trưng bày thưa thớt, không chú ý xu hướng mang giày đã thay đổi, nhất là giới nữ văn phòng và trung niên…
Thế mạnh giày da và giày thể thao cũng đang bị đe dọa bởi hàng giả da và giày thể thao nhái của Trung Quốc. Ông Trần Hữu Thành, giám đốc cơ sở Giày dép da Long Thành nhìn nhận năm nay giày Trung Quốc giả da nhiều hơn và kỹ thuật làm giả da của họ tinh xảo hơn đến mức chính người trong nghề như ông phải nể vì thật khó nhận biết đối với giày mới. Giá thành giữa giày giả da và giày da chênh lệch khá lớn, điều đó làm ảnh hưởng mức tiêu thụ giày da trong nước năm nay.
Hiệp hội Da giày Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp nâng thị phần trong nước lên khoảng 60 – 70% trong năm nay để đẩy dần giày dép nhập khẩu. Thế nhưng, với tình trạng còn phải nhập nguyên liệu đến 70 – 80%, chiến lược thị trường nội địa hầu như không có, thì doanh nghiệp da giày không những không tăng được thị phần nội địa lên trên 40% hiện nay, mà còn có khả năng sụt giảm bởi hàng ngoại tiếp tục tạo ảnh hưởng từ số lượng đến giá cả.
(Theo Các Ngọc/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com