Hiện trong nước mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp dệt may |
Đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để chủ động trong quá trình sản xuất và tăng hàm lượng nội địa hóa của sản phẩm từ lâu đã là mong mỏi của các doanh nghiệp dệt may. Nhưng không dễ để thực hiện được điều này.
Tháng 9/2006, khi Bộ Tài chính có quyết định tăng thuế nhập khẩu mặt hàng xơ, sợi nhân tạo nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, tiến tới chủ động được nguyên liệu sản xuất, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khi đó đã phản ứng rất mạnh mẽ vấn đề này. Vitas cho rằng, việc tăng thuế sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất bởi mặt hàng này được nhập khẩu gần như 100%.
Thế nhưng, trong đề nghị của mình, Bộ Tài chính giải trình rằng, hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất mặt hàng này trong nước. Đơn cử, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) đã đầu tư 280 triệu USD xây dựng nhà máy công suất 260.000 tấn xơ, sợi polyeste/năm. Các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp dệt may. Như vậy, việc Nhà nước có chính sách hợp lý để bảo hộ sản xuất xơ, sợi trong nước sẽ khuyến khích được việc sử dụng nguồn nguyên liệu mà trong nước sản xuất được.
Sự “vênh” nhau giữa Bộ Tài chính và Vitas nói trên có nguyên nhân từ sự thiếu cập nhật về thông tin. Các quan chức của Vitas
Gánh nặng phát triển sản xuất nguyên phụ liệu xem ra chỉ có thể trông chờ vào sự gánh vác của các doanh nghiệp lớn hoặc các nhà đầu tư nước ngoài |
sau đó thừa nhận rằng, vào thời điểm đó trong nước đã sản xuất được vào khoảng 50% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp. Cũng không chỉ riêng Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa sản xuất mặt hàng này, mà còn có các doanh nghiệp khác như Hoa Long, Thế Kỷ, Đông Tiến Hưng. Năng lực sản xuất xơ, sợi polyeste tổng cộng có thể đáp ứng 40% - 120% nhu cầu, tùy theo từng chủng loại. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Formosa cho hay họ mới chỉ phát huy được khoảng 40 - 50% năng lực sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước không mặn mà với hàng sản xuất trong nước.
Trên thực tế, đầu tư cho nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, hoàn tất cần số vốn rất lớn nên rất khó trông chờ vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bởi vậy, gánh nặng phát triển sản xuất nguyên phụ liệu xem ra chỉ có thể trông chờ vào sự gánh vác của các doanh nghiệp lớn hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Với sự hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Vinatex, nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Đình Vu (Hải Phòng) đã được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 324,85 triệu USD, công suất 500 tấn xơ sợi/ngày, tương đương 175.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ chỗ ban đầu góp 50% vốn thì nay tỷ lệ vốn mà Vinatex nắm giữ trong liên doanh này chỉ còn chưa đến 20%, do Vinatex vẫn giữ nguyên số vốn ban đầu sau nhiều lần liên doanh tăng vốn. Dù có nhiều giả thuyết được đưa ra trong việc giảm tỷ lệ vốn này nhưng một số chuyên gia am hiểu thì nhận định rằng, rất có thể câu chuyện doanh nghiệp dệt trong nước “vẫn thích” hàng ngoại bởi giá rẻ hơn vẫn hiển hiện. Đã vậy, thị trường xơ, sợi thế giới hiện lại đang biến động rất nhanh và đang ở tình trạng dư cung. Vì vậy, một dự án có vốn đầu tư lớn như vậy có thể sẽ không thể thu hồi vốn nhanh được. Đó là chưa kể cùng với trọng trách gia tăng hàm lượng nội địa trong sản phẩm dệt may là áp lực về hiệu quả kinh doanh đè nặng lên vai người đứng đầu những doanh nghiệp mà vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng không nhỏ, thậm chí chi phối.
Tuy vậy, phải ghi nhận là các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may. Cuối tháng 11 vừa qua Vinatex cũng đã khởi công xây dựng trang trại trồng bông ở tỉnh Ninh Thuận nhằm phát triển bông nguyên liệu ở quy mô tập trung. Ông Vũ Đức Giang - Tổng giám đốc Vinatex cho hay, với 3 trang trại mẫu tại Ninh Thuận có diện tích khoảng 50 ha/trang trại, người dân đã bắt đầu quan tâm và tham gia cùng Vinatex trồng loại cây này sau khi nhận thấy hiệu quả mang lại lớn hơn trồng ngô, sắn. Mô hình trang trại bông có tưới với thời gian trồng là 5 tháng cũng đang được Vinatex nhân rộng ở khu vực Tây Nguyên theo 2 cách: cung cấp giống hoặc thành lập công ty cổ phần có vốn của Vinatex. Theo ông Giang, với mô hình này, vụ bông 2009 Vinatex sẽ có khoảng 8.000 ha bông, tăng 4.000 ha so với năm 2008. Nhưng bông và xơ, sợi tổng hợp mới chỉ là vài công đoạn của việc nội địa hóa nguyên liệu cho ngành dệt may nhằm gia tăng giá trị sản xuất trong sản phẩm may mặc nói chung. Các công đoạn như dệt vải, nhuộm và hoàn tất vải cũng đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ. Nhà máy dệt ITG Phong Phú có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD tại Đà Nẵng, liên doanh giữa Tập đoàn ITG và TCT Phong Phú, có công suất 60 triệu yards/năm nhưng được khép kín từ khâu nguyên liệu vải, nhuộm, wash và hoàn tất sản phẩm với 90% sản phẩm được xuất khẩu. Điều này có nghĩa là, mặc dù có sự ra đời của ITG Phong Phú thì các doanh nghiệp may trong nước vẫn không có nhiều cơ hội để sử dụng nguyên liệu đầu vào được sản xuất tại nhà máy này, và do vậy không gia tăng được giá trị nội địa trong sản phẩm cuối cùng của mình. Ông Lê Tiến Trường - Phó tổng giám đốc Vinatex cũng cho hay, không dễ tìm đối tác liên doanh trong khâu nhuộm hoàn tất vải bởi các nước không muốn mang công nghệ này đi đầu tư ở nước khác, nếu có thì họ cũng chỉ đầu tư theo phương thức 100% vốn của họ. Do khủng hoảng kinh tế, các nhà đầu tư đang hạn chế mở rộng đầu tư ở nước ngoài. Vì vậy, sẽ khó có nhà máy nhuộm hoàn tất nào được khởi công ở Việt Nam trong năm 2010. Trong khi đó, để đầu tư nhà máy nhuộm, một vấn đề nan giải hiện nay là xử lý nước thải. Các nhà máy xử lý nước thải hiện có ở các KCN dệt may hiện nay không kiếm đâu ra đủ đất để mở rộng công suất, còn việc tìm kiếm vị trí mới lại gặp khó khăn. Nguyên do là nhiều địa phương sợ ô nhiễm môi trường khi có nhà máy nhuộm. Đơn cử như tại Đồng Nai, cho dù nhà máy xử lý nước thải trị giá khoảng 45 tỷ đồng tại KCN Nhơn Trạch của Vinatex sắp đi vào hoạt động nhưng khi Công ty Dệt Đông Á - công ty thành viên của Vinatex - xin đầu tư nhà máy nhuộm tại KCN này thì chính quyền tỉnh Đồng Nai đã không chấp thuận. Do sản xuất nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu cả về chất lượng và số lượng, tới 70 - 80% nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu, nên tiến độ sản xuất bị ảnh hưởng và giá cả của hàng dệt may trong nước bị giảm tính cạnh tranh. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 8,2 tỷ USD, nhưng phần nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ trong nước và làm hàng xuất khẩu cũng có kim ngạch không nhỏ, trong đó bông là 417 triệu USD, sợi là 723 triệu USD, vải là 4,1 tỷ USD. Đó là chưa kể tới 2,19 tỷ USD phụ liệu nhập khẩu được tính chung cho cả hai ngành dệt may và da giày cũng như 2,2 tỷ USD chất dẻo nguyên liệu để làm nguyên liệu sản xuất xơ, sợi tổng hợp.
(Theo Tuấn Anh // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com