Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường dệt may: Nội hay ngoại?

Đơn đặt hàng đang ào ạt quay trở lại khiến các dây chuyền sản xuất phải căng mình gồng gánh - tinkinhte.com
Đơn đặt hàng đang ào ạt quay trở lại khiến các dây chuyền sản xuất phải căng mình gồng gánh

Với số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại gần đây và nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, một số doanh nghiệp dệt may đứng trước một bài toán mới: ưu tiên năng lực sản xuất hiện có cho xuất khẩu hay cho thị trường nội địa?

Rất cần nói thêm rằng, bài toán này phải được cân nhắc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chưa đi qua thực sự và nhân lực cho ngành dệt may không còn dễ tìm như thời gian trước đây.

Đơn hàng xuất khẩu đã quay lại

Thông tin từ nhiều doanh nghiệp dệt may lớn cho thấy, đơn hàng cho năm 2010 khá hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm 2008. Nếu như đầu năm 2009, vừa qua Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải khăn gói lên đường đi tìm thị trường thì ở thời điểm này, sự trở lại của các đơn hàng đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc nhận đơn hàng nào để đạt hiệu quả cao. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 760 triệu USD và tháng 11 vừa qua đạt 720 triệu USD. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 8,2 tỷ USD và mục tiêu 9,1 tỷ USD mà ngành dệt may đặt ra hồi đầu năm đang dần thành hiện thực.

Tài trợ cho một bộ phim phát vào giờ vàng hay trang phục cho các MC của truyền hình đã giúp nhiều thương hiệu tạo dựng được vị trí

Đáng nói, việc gia tăng đơn hàng thời gian gần đây chủ yếu đến từ các thị trường truyền thống, phần lớn là từ thị trường Hoa Kỳ. Tính hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ đã đạt 4,11 tỷ USD, tuy không bằng năm ngoái, nhưng mức giảm không tới 5%. Còn với thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 10 tháng cũng đã đạt 778 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Với con số này, thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng lên 3,4% so với mức 3,1% năm 2008. Sự tăng trưởng của thị trường Nhật Bản, một thị trường được xem là giá tốt nhưng khó tính, có đóng góp từ việc thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản mới có hiệu lực. Điều này cũng đang khiến ngành dệt may hy vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD vào Nhật Bản trong năm 2009 này, tức là tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Không ngồi chờ tăng trưởng của các thị trường truyền thống, các nhà sản xuất cũng đã chịu khó tìm thêm các thị trường mới. Ông Lê Tiến Trường - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May cho hay, nhiều nhà sản xuất rất năng động, không chịu ngồi yên chờ thị trường thế giới hồi phục mà đã vươn ra những thị trường ngách như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi, Đông Âu. Xuất khẩu sợi tăng 165% so với cùng kỳ, có đơn vị xuất khẩu tới 80% năng lực sản xuất của mình. Việt Nam đã xuất khẩu vải sang thị trường Trung Đông, khăn bông và phụ liệu sang một số nước.

Không chỉ từng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, Vinatex cũng kêu gọi các doanh nghiệp chung tay để khai thác thị trường mới. Theo ông Trường, với các đơn vị trong tập đoàn, nếu thị trường nào đã có doanh nghiệp Việt Nam mở hệ thống rồi thì những người đi sau sẽ dựa trên hệ thống đó để phân phối khai thác, mở rộng mặt hàng. Đơn cử, Việt Tiến có thế mạnh về sơ mi, quần Tây nhưng doanh nghiệp khác mạnh về đồ trẻ em… Vì thế, nên tận dụng hệ thống của người đi trước.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo việc giảm giá xuất khẩu khoảng 4% của thị trường Hoa Kỳ trong năm 2009, khiến sản lượng phải tăng lên trên 10% để bù lại giá trị. Bởi vậy, việc tăng trưởng của đơn hàng xuất khẩu thời gian gần đây cũng có thể do lợi thế cạnh tranh chứ không đơn thuần do thị trường nhập khẩu tốt lên.

Sàn nhà vẫn nhiều đất

Nhắm tới phân khúc trung bình vì có nhiều đất là mục tiêu đang được Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đặt ra cho việc gia tăng doanh thu trên thị trường nội địa. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, May Việt Tiến đã xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới mang tên Việt Long. Ông Phan Văn Kiệt - Phó tổng giám đốc May Việt Tiến cho hay, dù là sản phẩm dành cho người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình, ở các khu vực nông thôn, nhưng các sản phẩm mang thương hiệu Việt Long đang được chuẩn bị rất chuyên nghiệp để ra mắt người tiêu dùng trong năm 2010. Các sản phẩm thương hiệu Việt Long cũng được dự kiến có mức giá bán ở mức quanh 100.000 đồng/sản phẩm. So với các sản phẩm may mặc mà May Việt Tiến đang bán trên thị trường với các thương hiệu như VTEC, Viettien có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/áo sơ mi hay cao cấp hơn như San Siaro hay Manhattan với giá bán lên tới cả triệu đồng/áo sơ mi thì Việt Long là một bước đột phá đáng kể từ doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực may mặc này.

Ông Kiệt cũng cho hay, việc xây dựng hàng hiệu Việt Nam cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình là một khái niệm mới và có thể xem là dũng cảm với doanh nghiệp dệt may trong nước. Lý do là thời gian qua các doanh nghiệp dệt may vẫn nhắm tới phân khúc khách hàng có thu nhập khá và cao để cạnh tranh với hàng ngoại mà bỏ qua phân khúc trung bình. Năm 2009, May Việt Tiến cũng dự kiến có thể đạt doanh thu từ thị trường nội địa là 600 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2008.

Phát triển mạnh thị trường nội địa cũng là mục tiêu được các doanh nghiệp dệt may trong nước đặt ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có những giảm sút về doanh thu. TCT cổ phần May Nhà Bè đã liên kết về thiết kế và kỹ thuật với các nhà kinh doanh thời trang chuyên nghiệp ở nước ngoài và trong nước để xây dựng một số thương hiệu mạnh. Sau khi đã thành công ở nhãn hàng Novelty dành cho giới trẻ, năm 2009, May Nhà Bè đã tung ra thị trường thêm hai nhãn hàng mới là Mattana và De Celso. Với các nhãn hàng mới và việc chú trọng vào thị trường trong nước, May Nhà Bè dự tính sẽ đạt doanh thu gần 250 tỷ đồng trong năm 2009 này, tăng lớn so với mức 108 tỷ đồng đã đạt được trong năm 2008.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may có thương hiệu, có uy tín, mà đa phần thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã gặt hái được nhiều thành công khi phục vụ thị trường nội địa. Sự có mặt dày đặc của các cửa hàng may mặc bán hàng sản xuất trong nước ở các đô thị là một minh chứng cụ thể. Thậm chí, theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10, với thị trường khoảng 86 triệu dân, dù tất cả các doanh nghiệp trong nước dồn sức phục vụ thì vẫn chưa xuể (Xem thêm bài trang 48).

Nhưng dù rộng chỗ thì không phải tất cả các thương hiệu dệt may nội địa đều thành công trên sân nhà. Nhãn hiệu TT-Up của May Việt Tiến xuất hiện quãng năm 2005 là một ví dụ. Với mục tiêu là nhãn hàng cao cấp dành cho phái nữ, May Việt Tiến đã đầu tư không nhỏ cho việc phát triển nhãn hiệu này. Không chỉ là chuyên gia thiết kế nước ngoài, chất liệu được tuyển chọn, sự đồng bộ trong trang phục và phụ kiện đi kèm như khăn quàng hay không có sản phẩm thứ 2 cùng size, rồi không gian mua hàng sang trọng, và dĩ nhiên giá bán chẳng thua kém nhiều thương hiệu ngoại nhập ở Diamond Plaza cùng thời điểm. Ấy vậy mà sau 5 năm có mặt trên thị trường, TT-Up vẫn không gây được tiếng vang như mong đợi. Những khách hàng cao cấp được nhắm tới ngày nào cho hay, họ không chọn TT - Up vì dù bỏ không ít tiền ra mua nhưng khi mặc vào vẫn ít người biết tới thương hiệu này.

Khác với TT - Up, tài trợ cho một bộ phim phát vào giờ vàng hay trang phục cho các MC của truyền hình, rồi những bộ sưu tập mới nhất liên tục được cập nhật trên các trang thông tin điện tử đã giúp nhiều thương hiệu tạo dựng được vị trí rõ ràng với khách hàng, dù thực tế chất liệu vải hay phong cách thiết kế thua xa TT- Up ngày mới xuất hiện. Đây có lẽ là kinh nghiệm đắt giá cho những công ty có ý định phát triển trang phục phụ nữ nhắm tới giới văn phòng, công chức.

(Theo Hoàng Minh // Báo Doanh nhân)

  • Khó giải bài toán nguyên phụ liệu
  • Tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ 9 tháng đầu năm 2009
  • Chủng loại và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2009
  • Phát triển thương hiệu thời trang nội địa (2): Chờ nguồn nguyên liệu tại chỗ!
  • Phát triển thương hiệu thời trang nội địa (1): Đường về trắc trở
  • Da giày Việt Nam: Khó khăn giành thị trường
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Giày dép Trung Quốc chờ phán quyết cuối cùng của EU
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container