Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn

Sản xuất vải lụa.
 Do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu và tín dụng đã làm cho sức mua tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của ngành dệt may như Mỹ, EU, Nhật Bản... bị sụt giảm nghiêm trọng.
 
Nỗ lực cạnh tranh để giành lấy phần thị trường đang bị thu hẹp, đồng thời đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị trường trong nước là chiến lược hành động mà hầu hết các doanh nghiệp (DN) của ngành dệt may nước ta đã thực hiện và cơ bản đã thành công trong giai đoạn vừa qua.

Trước tình hình sụt giảm của thị trường xuất khẩu hàng dệt may thế giới, các DN dệt may Việt Nam tìm nhiều biện pháp giữ thị trường. Tại thị trường Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam (chiếm hơn 55% kim ngạch xuất khẩu), các DN đã cố gắng chia sẻ và đồng hành cùng các nhà nhập khẩu trong việc xác định lại cơ cấu giá cả hợp lý trên cơ sở vẫn giữ vững chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Nhờ đó trong năm 2008, hàng dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch vào Hoa Kỳ hơn 5,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước. Chín tháng đầu năm 2009, thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ giảm đến 12,71% và hàng nhập khẩu từ hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều giảm (Thái-lan giảm 25,61%, Hồng Công giảm 21%, In-đô-nê-xi-a giảm 2,9%, Ấn Ðộ giảm 7,65%). Trong khi đó, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng 18% về lượng và chỉ giảm 4,5% về kim ngạch.

Với thị trường châu Âu, thị trường thu hút khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của ngành, các DN đã cố gắng nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ hỗ trợ cho nhà nhập khẩu cũng như tuân thủ quy chế mới về an toàn cho người tiêu dùng, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu chín tháng qua đạt khoảng 1,25 tỷ USD, chỉ giảm 3,5%  trong điều kiện nhập khẩu chung vào thị trường này giảm sút đến hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ngành dệt may Việt Nam. Thông qua Hiệp định hợp tác kinh tế Việt-Nhật (EPA), các DN đã tăng cường hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại với đối tác Nhật Bản. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này không ngừng tăng trưởng  (năm 2008 tăng 12% và chín tháng đầu năm 2009 tăng 15,3%).

Bên cạnh ba thị trường lớn, các DN đã có nhiều nỗ lực để xúc tiến các thị trường mới với tinh thần "năng nhặt chặt bị". Nhờ đó, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường Hàn Quốc tăng 50%, Ả Rập Xê-út tăng 23%, Thụy Sĩ tăng 12,7%, các nước ASEAN tăng 7,8%...

Trước khó khăn của thị trường xuất khẩu, các DN trong ngành đã xác định thực hiện chiến lược lấy thị trường trong nước làm thị trường cơ bản để tồn tại và vượt qua suy thoái kinh tế. Tại thị trường trong nước, nhiều DN đã tập trung đổi mới toàn diện chiến lược phục vụ cho người tiêu dùng. Ðầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu thị trường, thị hiếu, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới, tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp chương trình đưa hàng về nông thôn và tăng uy tín thương hiệu. Những  nỗ lực có tính chiến lược đó đã giúp ngành dệt may đứng vững trong cơn bão suy thoái toàn cầu: trong chín tháng qua, về cơ bản  sản xuất tương đối ổn  định, công nhân đủ việc làm, tiêu thụ nội địa tăng trưởng hơn 18%. Kim ngạch xuất khẩu tuy có giảm nhẹ 1% so với năm trước nhưng với kim ngạch 6,7 tỷ USD trong chín tháng và dự kiến 9,2 tỷ USD năm nay, dệt may sẽ trở thành ngành kinh tế xuất khẩu lớn nhất nước.

Ðể đạt được kết quả nêu trên, phải kể đến những nỗ lực vượt bậc của một số DN trong ngành. Có thể thấy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN vẫn đạt khá tốt trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến bất lợi. Với mức lợi nhuận đạt 110 tỷ đồng, Liên doanh Coast Phong Phú là đơn vị có lợi nhuận lớn nhất toàn ngành trong năm 2008. Các công ty May Ðồng Tiến, May Hưng Yên, May Ðại Việt có tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt hơn 100%...

Tuy tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt thấp hơn năm trước, nhưng chất lượng tăng trưởng có bước phát triển tốt, thể hiện qua tỷ trọng xuất khẩu FOB tăng bình quân từ 47% năm 2007 lên 56% trong năm 2008. DN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là Hansoll Vina với kim ngạch 240 triệu USD và có kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên là các Tổng công ty May Việt Tiến, May Nhà Bè, Công ty cổ phần Sài Gòn 3.

Số lượng DN đầu tư và thành công tại thị trường trong nước gia tăng. Tổng công ty  Phong Phú có kim ngạch tiêu thụ trong nước hơn 1.500 tỷ đồng. Hệ thống bán lẻ Vinatex Mart đã đạt kim ngạch gần 1.000 tỷ đồng, Dệt Việt Thắng 650 tỷ đồng, May Việt Tiến 460 tỷ đồng... Rất nhiều đơn vị mà thương hiệu sản phẩm và hệ thống cửa hàng đã lan tỏa khắp cả nước như Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Thái Tuấn, An Phước, Sanding, Foci, Vera, Wow, F House, Nino Maxx...

Nhiều DN đã xem việc nghiên cứu sản xuất và tung ra thị trường những sản phẩm có tính khác biệt cao như là một yếu tố để tăng hiệu quả kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh trong điều kiện hiện nay. Ðiều rất đáng mừng là bên cạnh sự khác biệt về kiểu dáng và thiết kế thời trang, nhiều DN đã đầu tư tạo sự khác biệt sâu hơn về công năng sản phẩm. Ðiển hình như vải chống cháy, quần áo và khẩu trang chống vi-rút của DN dệt Co Mo, sản phẩm chống nhăn của Việt Thắng, sợi và vải chống tĩnh điện, chống UV của Dệt Thành Công, vải mành sản xuất vỏ xe du lịch của Dệt Công nghiệp Hà Nội, áo quần chống nhiễm từ của May Ðồng Nai... Một số DN khác lại đầu tư sản xuất nguyên liệu và sản phẩm thân thiện môi trường như khăn sợi tre của Gia dụng Phong phú, sản phẩm tơ tằm nhuộm bằng cây lá thiên nhiên của Toàn Thịnh...

Kinh  tế thế giới và đặc biệt là kinh tế nước ta đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng. DN ngành dệt may đã và đang chuẩn bị tích cực cho thời kỳ đầu tư phát triển. Hướng về mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 10,5 tỷ USD năm 2010 và 16 đến 18 tỷ USD năm 2015 với sản phẩm có hàm lượng giá trị trong nước cao hơn, có tính thời trang hơn và có giá trị gia tăng cao hơn, các DN tiêu biểu của ngành dệt may sẽ là những đơn vị hạt nhân cùng với cả ngành phát huy tốt nhất những định hướng năng lực cạnh tranh đó để phát triển.

(Theo bao nhan dan)

  • Xuất khẩu năm 2009: Dệt - may, da - giày chiếm vị trí quán quân
  • Năm 2010: Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ đô la
  • Giày mũ da Trung Quốc bị áp thuế phá giá 16,5%
  • Dệt may nhắm mốc xuất khẩu 10,5 tỷ USD
  • Thị trường Campuchia: Nhiều cơ hội cho hàng may mặc Việt Nam
  • Thị trường dệt may: Nội hay ngoại?
  • Khó giải bài toán nguyên phụ liệu
  • Tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ 9 tháng đầu năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container