Ngành sản xuất da giày trong nước tiếp tục gặp khó khăn khi EU gia hạn áp thuế chống bán phá giá - Ảnh: Lê Toàn. |
Sau việc Liên minh châu Âu (EU) hôm 22-12 quyết định gia hạn thêm 15 tháng thuế chống bán phá giá lên giày mũ da Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã khá bức xúc và lo ngại những khó khăn sắp tới. TBKTSG Online đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM.
TBKTSG Online: Với việc EU gia hạn áp thuế chống bán phá giá 10% thêm 15 tháng nữa, ngành giày da Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng nào sắp tới, thưa ông? Đợt gia hạn thuế này của EU như một cơn bão đánh tiếp vào ngành giày Việt Nam. Từ đầu năm nay, EU đã bỏ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là giày dép, vì thế bình quân mỗi đôi giày xuất sang EU phải tăng thêm thuế từ 3,5 – 5,0%. Do đó, nếu tính gộp cả thuế này và thuế chống bán phá giá thì giày da của ta vào EU chịu thuế 15%, mất lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước như Indonesia, Bangladesh. Ngoài ra, Trung Quốc chủ động được nguyên phụ liệu và thiết kế mẫu mã của họ khá mạnh, nên hàng của ta bị yếu thế. Ngoài những khó khăn vừa nêu, theo ông, trong năm tới, ngành da giày Việt Nam còn đối mặt với khó khăn nào khác không? Hiện các doanh nghiệp giày da Việt Nam đang gặp khó khăn về lao động, trung bình mỗi doanh nghiệp thiếu đến 200 công nhân. Sau khi doanh nghiệp gặp một số khó khăn trong năm qua, như bị đánh thuế chống bán phá giá, khủng hoảng kinh tế, một số lao động đã chuyển sang ngành khác. Vì thế, khoảng hai tháng gần đây, khi một số doanh nghiệp bắt đầu bắt đầu có đơn hàng trở lại, thì lại không kiếm ra lao động. Thêm nữa là, doanh nghiệp ta không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, vì phải nhập đến 80% nguyên liệu từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, Brazil. Hiện các doanh nghiệp giày da đã có ứng phó gì trước những khó khăn mới, thưa ông? Vừa rồi tôi có đến sáu doanh nghiệp để hỏi thăm, nhưng họ bảo sau khi EU ra quyết định gia hạn thuế chống bán phá giá, đến giờ chưa thấy động thái của đối tác, nên họ cũng chưa có phản ứng. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu tập trung hoàn thành các đơn hàng cuối năm và cố gắng giữ lao động bằng cách giữ mức lương để không bị động vào đầu năm mới. Tuy nhiên, với tình hình gia hạn thuế chống bán phá giá của EU, e rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không trụ được lâu. Sau khó khăn ở thị trường EU thì việc tìm thị trường mới thường xuyên được nhắc đến, nhưng đến giờ việc này đã được tiến hành đến đâu? Đến bây giờ, EU vẫn là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm giày dép của ta. Hướng sắp tới là mở rộng sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Phi, nhưng việc này không dễ vì Mỹ và Nhật là thị trường khá khó tính. Muốn làm được thì doanh nghiệp cần được hỗ trợ xúc tiến thương mại và vốn dài hạn để cải tiến mẫu mã, đầu tư trang thiết bị và xây dựng thương hiệu. Hiệp hội chúng tôi kiến nghị phải có trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành giày da. Hiện việc sản xuất nguyên phụ liệu chủ yếu nhỏ lẻ, manh múng, không tập trung. Tình hình xuất khẩu của ngành giày da trong năm nay và năm sau ra sao, theo dự đoán của ông? Ban đầu dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày trong năm nay là 5 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức 4,5 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái, nhưng thực tế năm nay không những không đạt mục tiêu mà còn thấp hơn năm ngoái đến 15%. Còn năm tới thì chưa có thể nói trước được gì, vì tình hình theo tôi bây giờ đã từ “phiên chợ trưa” trở thành “phiên chợ chiều” và không biết sắp tới sẽ thế nào. Xin cảm ơn ông!
(Theo Thu Nguyệt // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com