Sản phẩm giày da Việt Nam được bày bán ở trung tâm Giày Việt Plaza. Ảnh: Thu Nguyệt. |
Ngành da giày Việt Nam đã đề ra mục tiêu phát triển trong năm 2010 là chiếm lĩnh 50% thị trường nội địa, vượt xa mức dưới 30% hiện nay.
Theo Viện Nghiên cứu da – giày, mức tiêu thụ giày dép hiện nay của người tiêu dùng Việt Nam là trên 130 triệu đôi, tức trung bình 1,5 đôi/người/năm. Trong đó, hàng ngoại nhập chiếm 70%, vì thế mục tiêu 50% thị phần trong nước của ngành da giày xem ra không dễ nếu không có một kế hoạch cụ thể. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Da giày Việt Nam (Lefaso), cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn biết, để thực hiện được mục tiêu trên cần có một chuỗi các hành động cụ thể. Hiện cả nước có 500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày, nhưng 70% là sản xuất theo phương thức gia công thuần túy cho các hãng giày dép thời trang nổi tiếng trên thế giới, như Nike, Adidas, Converse…. Do đó, xây dựng một thương hiệu riêng cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ vì hiện về kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài. Theo ông Kiệt, việc xây dựng thương hiệu có thành công hay không còn tùy vào từng doanh nghiệp. Riêng hội sẽ hỗ trợ bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác và thuê chuyên gia đào tạo về việc xây dựng thương hiệu. Sự hợp tác này sẽ giúp tiết kiệm chi phí so với việc từng doanh nghiệp tự làm riêng lẻ. Ngoài ra, để đạt mục tiêu, theo ông Kiệt cần tạo lập một kênh phân phối tập trung bằng cách tập hợp các doanh nghiệp để cùng nhau bán hàng tại những điểm cụ thể, giống như Giày Việt Plaza, hay Thương xá Tax. Ông Kiệt cho biết: “Với việc bán hàng tập trung như thế, người ta biết sẽ đến đâu khi muốn mua giày dép Việt Nam”. Ông Kiệt cũng cho rằng cần có một trung tâm kiểm định sản phẩm da giày Việt Nam để cấp giấy chứng nhận nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm giúp người tiêu dùng biết đến và tin dùng sản phẩm trong nước. Lefaso cũng dự kiến thành lập một trung tâm tư vấn cho người tiêu dùng cách chọn sản phẩm da giày phù hợp để đem lại sự thẩm mỹ và đảm bảo chất lượng. Việc thiếu thương hiệu, kênh phân phối và kiểu dáng không đa dạng bằng các sản phẩm của một số nước, như Trung Quốc, được xem là những lý do chính khiến giày dép Việt Nam thua thiệt ngay tại thị trường nội địa. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong năm nay là 5,3 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 4,015 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,8% so với năm 2008. Hiện châu Âu vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất giày dép của Việt Nam, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu giày dép của Việt Nam; Mỹ xếp vị trí thứ hai, chiếm hơn 25%; Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba (3%) với các yêu cầu chất lượng khá cao. Theo Viện Nghiên cứu da – giày, Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ, như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan,… do phải nhập khẩu 70% nguyên phụ liệu, và chi phí nhân công không còn thuận lợi như trước, như tình trạng thiếu lao động. Dự kiến trong năm 2010, ngành da giày cần 682.000 lao động.
(Theo Thu Nguyệt // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com