Điều làm các doanh nghiệp dệt trong nước tỏ ra lo lắng hơn cả, khi tình hình sâu bệnh tiếp tục đe doạ đến sản lượng ở các nhà cung cấp lớn tại Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ (Đà Nẵng) là doanh nghiệp vừa xuất khẩu hàng may mặc, vừa xuất khẩu sợi, trong đó, tỷ lệ sợi xuất khẩu chiếm 40%, với năng lực sản xuất 6.883.909 kg sợi/năm. Vì vậy, mỗi năm, doanh nghiệp này phải nhập khẩu trung bình 2.500 tấn bông.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Dệt may Hoà Thọ cho rằng, với lượng bông nhập khẩu lớn, trong khi giá xuất khẩu đã được thống nhất với đối tác khi ký hợp đồng, vì vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm khi giá bông tăng.
Bà Phan Kim Hằng, Giám đốc Công ty Sợi Phong Phú cho biết thêm, nhu cầu của Công ty vào khoảng 700 tấn bông/tháng, nên với việc giá bông đang tăng hơn 45% so với cùng kỳ, nếu doanh nghiệp không cân nhắc chọn đúng thời điểm để nhập bông về, chắc chắn sẽ chịu thua lỗ.
Tuy vậy, trước biến động khó lường của giá bông, doanh nghiệp có muốn nhập khẩu trước một lượng bông dự trữ cũng khó, vì thời gian gần đây, giá bông nhập khẩu tăng lên từng ngày, rất khó cho doanh nghiệp quyết định thời điểm mua vào.
Mặt khác, do giá các sản phẩm như khăn bông, vải rất khó điều chỉnh tăng giá bán, nên với giá bông nhập khẩu tăng liên tục, nhiều doanh nghiệp sợi dệt đã phải hủy bỏ, hoặc chấp nhận bồi thường hợp đồng, vì như vậy thiệt hại vẫn ít hơn.
Bất chấp việc giá bông nhập khẩu tăng cao, nhu cầu tiêu thụ bông của ngành dệt may nước ta từ đầu năm nay đã tăng kỷ lục. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 8 tháng đầu năm, nhập khẩu bông ở mức 418 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 82% về trị giá. Nhập khẩu sợi dệt đạt xấp xỉ 700 triệu USD (tăng 12% về lượng và 42% về giá trị).
Tại Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cho hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng cuối năm do Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM tổ chức mới đây, phần lớn doanh nghiệp tham dự đều cho rằng, nếu như thị trường xuất khẩu hiện đang có nhiều đơn hàng, nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, thì hoạt động sản xuất kinh doanh đang khá chật vật do chi phí đầu vào đều phát sinh thêm nhiều khoản mới cùng giá nguyên vật liệu tăng mạnh, thì doanh nghiệp khó có thể có được mức lợi nhuận cao.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM khuyến cáo rằng, các doanh nghiệp cần tính toán cẩn thận trước khi ký kết đơn hàng, để tránh bị động trong sản xuất. Thời gian tới, giá cả sẽ theo xu hướng tăng, nên doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các các điều khoản trước khi ký hợp đồng sớm. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp tránh tình trạng bị bán hớ. Đồng thời, để khắc phục bớt những khó khăn trong sản xuất, các doanh nghiệp cần chủ động đàm phán với khách hàng, để chia sẻ bớt khó khăn.
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com