Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp da giày khó tăng tỷ lệ nội địa hóa

Chủ trương đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày nhằm giảm dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu đang gặp nhiều trở ngại, do các địa phương không dành quỹ đất cho đầu tư nhà máy.
 
Là quốc gia xuất khẩu giày dép lớn thứ 4 thế giới, nhưng điểm yếu lớn nhất của ngành da giày nước ta vẫn là gia công cho nước ngoài, lệ thuộc vào nguyên phụ liệu, công nghệ, thiết bị nhập khẩu. Trong khi đó, chủ trương đầu tư đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu nhằm giảm dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu lại đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là các nhà máy thuộc da, vì lo ngại ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) thừa nhận, trước thực trạng khó khăn về nguyên phụ liệu của ngành da giày, Chính phủ đã chấp thuận cho Lefaso đầu tư nhà máy thuộc da bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), song khảo sát tại nhiều nơi, mà chưa có địa phương nào chấp thuận địa điểm đặt nhà máy.

Ngoài việc các địa phương ngại cấp phép vì lý do môi trường, còn có nguyên nhân khác là chi phí đầu tư dự án thuộc da lớn, khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Nguyên phụ liệu vốn chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm giày dép, khoảng 68 - 75% giá thành sản phẩm, nên có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, cũng như gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất giày dép; sản xuất trong nước mới đáp ứng chưa đầy 40% nhu cầu. Riêng các loại nguyên liệu mũ giày (da, giả da, da nhân tạo, da tráng PU…) trong nước mới sản xuất được một lượng nhỏ, phần lớn phải nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo thống kê của Lefaso, tính riêng lĩnh vực thuộc da, cả nước hiện có 30 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng năng lực sản xuất hạn chế.

Cách đây 10 năm, trong Quy hoạch Phát triển giai đoạn 2000 - 2010, ngành da giày đã có kế hoạch xây dựng hai cụm công nghiệp giày và nguyên phụ liệu tại phía Bắc và Nam, song vì nhiều lý do, như chưa thu xếp được quỹ đất, thiếu vốn đầu tư…, nên đến nay, các dự án này vẫn chưa triển khai được. Thực tế đó lý giải tại sao ngành da giày Việt Nam chưa tăng được tỷ lệ nội địa hoá.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thái Bình (Bình Dương) cho hay, để ngành thuộc da phát triển, ngành da giày cần sự trợ giúp đắc lực từ Chính phủ. Ngành rất cần được tạo điều kiện đầu tư cụm khu công nghiệp thuộc da, có hệ thống xử lý nước thải, để tạo thuận lợi cho việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư.

Mới đây, Lefaso đã trình Chính phủ bản Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nguyên phụ liệu trong nước, phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa tăng từ trên 30% hiện nay lên 65 - 75% và đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này khoảng 19.000 tỷ đồng.

Trong Quy hoạch này, nhiều dự án đầu tư nguyên phụ liệu được đề xuất chi tiết, như đầu tư 5 nhà máy sản xuất da thuộc thành phẩm, quy mô mỗi nhà máy 30 triệu feet vuông/năm, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; 2 dự án đầu tư sản xuất vải giả da tráng PU; 2 dự án đầu tư các loại phụ liệu ngành giày, cặp - túi - ví; 3 dự án sản xuất khuôn mẫu dao chặt; 5 dự án đầu tư sản xuất đế giày…

Mục tiêu đặt ra cho Quy hoạch Phát triển ngành da giày đến năm 2020 đã khá rõ ràng, song nhìn lại việc thực hiện quy hoạch ngành giai đoạn 2000 - 2010, ông Ngô Đại Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày thừa nhận, ngành da giày đã không hoàn thành được quy hoạch. Đến 2010, xuất khẩu dự kiến đạt 6,2 tỷ USD, nhưng chỉ đạt 5,2 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt 40%, thay vì dự kiến 60 - 70%. Chỉ có số lượng giày dép tăng vượt dự kiến trong Quy hoạch, từ 720 triệu đôi lên 750 triệu đôi, nhưng sản phẩm cao cấp không nhiều, chủ yếu là thấp cấp, nên dù xuất khẩu nhiều, nhưng kim ngạch vẫn thấp.

(Theo Thế Hải // Báo đầu tư)

  • “Vòng xoáy” tăng giá nguyên liệu
  • Ngành da giày còn tăng được mấy năm nữa?
  • Để tăng tốc xuất khẩu dệt may: Cần giải pháp khả thi giữ chân người lao động
  • Ngành da giày có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 5,4 tỷ USD
  • Da giày Việt Nam: Nhìn lại và đi tới
  • Ngành da giày Việt Nam nắm bắt cơ hội "vàng"
  • Doanh nghiệp dệt thiếu lao động có tay nghề
  • Doanh nghiệp dệt may không lo đầu ra xuất khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container