Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đấu giá quyền thu phí đường bộ: Giá dự thầu cao khó hiểu

Đã có 9 ứng thầu tham gia dự thầu đấu giá chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn ở Trạm Phù Đổng. - tinkinhte.com
Đã có 9 ứng thầu tham gia dự thầu đấu giá chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn ở Trạm Phù Đổng. Ảnh: Đức Thanh
Tại một số cuộc đấu giá quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn được tổ chức gần đây, giá dự thầu cao một cách khó hiểu, khiến dư luận đặt câu hỏi về động cơ thật sự của các ứng thầu.
 
Chênh lệch lớn về giá giữa các ứng thầu

Có 9 ứng thầu đã tham gia nộp hồ sơ dự thầu vào thời điểm đóng thầu cuộc đấu giá chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn Trạm thu phí số 2, Quốc lộ 1 Phù Đổng (Trạm Phù Đổng, nằm trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội) do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức ngày 25/2/2010. Theo VEC (đơn vị tổ chức đấu giá), toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển giao quyền thu phí Trạm Phù Đổng sẽ được dùng để xây dựng tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (dài 50 km với 4 làn xe).

Trái ngược với 3 lần đấu giá quyền thu phí Trạm Phù Đổng trong các năm 2006, 2007 do chính VEC tổ chức bị thất bại do không có nhà thầu tham dự, hoặc giá thầu thấp hơn giá gói thầu, cuộc đấu giá lần này đã thực sự gây ngạc nhiên đến ngỡ ngàng cho đơn vị tổ chức ở số lượng ứng thầu đông đảo, thành phần tham dự đa dạng và nhất là giá bỏ thầu có mức chênh lệch quá lớn.

"Trong số 9 ứng thầu nộp hồ sơ dự thầu, còn có cả những đơn vị ít liên quan tới lĩnh vực giao thông như khai thác khoáng sản, điện máy, xây dựng hạ tầng dân dụng", ông Lương Quốc Việt, Kế toán trưởng VEC - Chủ tịch Hội đồng đấu giá cho biết.

Bất ngờ tiếp theo là việc cả 9 hồ sơ dự thầu được mở đều có giá bỏ thầu vượt rất xa giá khởi điểm (186,4 tỷ đồng). Theo đó, giá thấp nhất cho quyền thu phí Trạm Phù Đổng trong thời gian 57 tháng là 200 tỷ đồng và giá cao nhất là 361 tỷ đồng.

Nếu chiểu theo hồ sơ mời thầu, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng (đơn vị bỏ giá cao nhất) có tới 99% cơ hội trúng thầu. Tất nhiên là với điều kiện trong hồ sơ dự thầu của ứng thầu này không có những lỗi quá nghiêm trọng.

Cũng phải nói thêm rằng, giá bỏ thầu của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng cao hơn 40 tỷ đồng so với giá bỏ thầu cao thứ hai và cao gấp gần hai lần so với giá khởi điểm mà VEC công bố. Được biết, giá bỏ thầu của Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 234 (Công ty 234), đơn vị đang trực tiếp thu phí Trạm Phù Đổng chỉ là 285 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, ngay sau khi giá bỏ thầu vượt trội của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng được công bố, lãnh đạo của một số doanh nghiệp tham gia dự thầu đã bỏ ra về, chỉ để lại nhân viên có trách nhiệm ký biên bản mở thầu để hoàn tất thủ tục.

Bên mời thầu lo ngại

"Việc có một nhà thầu bỏ giá cao bất thường khiến các thành viên tổ chấm thầu sẽ phải hết sức thận trọng khi xét thầu", ông Việt cho biết.

Những lo ngại của ông Việt là hoàn toàn có cơ sở, bởi với giá khởi điểm của các trạm thu phí được lấy trên cơ sở thực tế mức thu phí 2 năm gần nhất, có tính tới lãi suất huy động vốn, tốc độ tăng trưởng phương tiện. Với phương pháp xây dựng giá như vậy, các thành viên Hội đồng đấu giá cho rằng, giá khởi điểm mà VEC chào là tương đối sát. Trên thực tế, có tới 70% giá dự thầu tham gia chỉ dao động xung quanh giá khởi điểm (cao hơn từ 5% đến 10%).

"Chúng tôi chỉ mong giá bỏ thầu cao nhất của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng không được xây dựng trên cơ sở... một phút bốc đồng và các đối tác tài trợ vốn cho ứng thầu này cũng sẵn sàng giải ngân với giá bỏ thầu đó", một lãnh đạo VEC phát biểu.

Được biết, tình trạng giá dự thầu vượt xa giá gói thầu một cách bất thường cũng từng xảy ra trong cuộc đấu thầu chuyển giao quyền thu phí Trạm Hoàng Mai (Quốc lộ 1) và Trạm Bãi Cháy (Quốc lộ 18) do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) tổ chức vào cuối tháng 7/2009. Theo đó, giá dự thầu cao nhất, sau đó cũng là giá trúng thầu thuộc về một doanh nghiệp tư nhân, cao hơn 30% so với giá khởi điểm.

Sau gần 2 tháng kể từ ngày chính thức được chuyển giao quyền thu phí 2 trạm Hoàng Mai, Bãi Cháy, Công ty TNHH An Sinh (đơn vị trúng thầu) cho biết, vào thời điểm này, DN đang gặp khó khăn do lãi suất vốn vay trung và dài hạn của ngân hàng tăng cao, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch hoàn vốn cho dự án.

(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
  • Vay Quỹ Kuwait phát triển hạ tầng giao thông Điện Biên
  • Đại lộ Đông Tây: Con đường đầy bất hợp lý
  • Chung quanh việc áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng kính xây dựng
  • Hai vấn đề “nóng” trong xây dựng cơ bản: Khai thác nguồn vốn và giải ngân
  • Đường giao thông ngoài cảng Vân Phong xây dựng theo hình thức BT
  • Nhật Bản hỗ trợ 3 dự án xây dựng hạ tầng tại Việt Nam
  • Cần 45.000 tỷ đồng cho các công trình giao thông
  • Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container