![]() |
Cầu cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong số 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng giao thông. Ảnh: Đức Thanh |
“Những dự án mà các nhà đầu tư này quan tâm hầu hết đều nằm trong Danh mục 38 dự án hạ tầng giao thông kêu gọi vốn đầu tư bằng hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), hợp tác công - tư (PPP) giai đoạn 2011 – 2015 (Danh mục 2011 - 2015), gồm 18 dự án đường bộ cao tốc, 3 dự án cảng hàng không, 14 dự án đường sắt và 3 dự án cảng biển có tổng mức đầu tư lên tới 793.221 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thanh Hằng, Vụ phó Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết.
Mặc dù các bên đều tỏ ra rất thiện chí, nhưng cũng giống như rất nhiều đoàn từng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư trong những năm qua, ngoài kiến nghị “các cơ quan chức năng sớm ban hành quy chế về PPP”, kết quả của 4 đợt tìm hiểu tiến đầu tư này mới dừng ở lời hẹn “sẽ tìm hiểu sâu hơn về một số dự án có tiềm năng” từ phía đối tác.
Cũng phải nói thêm rằng, Danh mục 2011 – 2015 giống đến 90% Danh mục Dự án Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) do Bộ GTVT quản lý thời kỳ 2006 - 2010 và Danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư theo hợp đồng BOT, BT, BOO giai đoạn 2006 - 2010. Điều này có nghĩa là nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đã thất bại trong việc kêu gọi vốn đầu tư trong 5 năm qua.
Trong số các dự án bị “ế”, có không ít công trình từng nhận được sự quan tâm cao của các nhà đầu tư quan tâm như Sân bay quốc tế Long Thành có thể đưa đón 80 - 100 triệu lượt hành khách/năm, vốn đầu tư lên tới 102.600 tỷ đồng; tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ dài 150 km, tổng mức đầu tư 28.800 tỷ đồng…
Theo thống kê của Bộ GTVT, tính đến tháng 10/2010, ngoài 2 dự án xây dựng cầu cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) với quy mô đầu tư dưới 100 triệu USD hiện mới chỉ có thêm Dự án xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng chắc chắn sẽ có sự tham gia của các nhà ĐTNN theo hình thức PPP.
Trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, hiện mới chỉ có Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco - central) dự kiến đầu tư vào Dự án mở rộng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với quy mô vốn khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, sau hơn 3 năm nghiên cứu, Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Cần Thơ đã bị Công ty Chungsuk – Hàn Quốc “ngãng ra” do hiệu quả tài chính của dự án quá thấp, không có khả năng hoàn vốn.
“Trong vòng 5 năm tới, sẽ khó có một bước đột phá lớn trong việc thu hút vốn ĐTNN cho lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Hyung Suk Lee, Trưởng đại diện Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (nhà đầu tư đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 3 năm nay) nhận định.
Không khó để chỉ ra một số nguyên nhân khiến các dự án hạ tầng giao thông lớn, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc chưa kéo được các nhà ĐTNN bỏ vốn đầu tư.
Trước hết, việc hầu hết các dự án đầu tư vào đường cao tốc dự kiến triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2015 không có tính khả thi về tài chính. Ông Simon Ellis, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, lượng xe hơi ở Việt Nam tuy có tốc độ tăng trưởng cao, song quy mô hiện vẫn rất nhỏ bé với khoảng 1 triệu xe đang lưu hành, đạt tỷ lệ sở hữu xe hơi trung bình khoảng 12,5 xe/1.000 người dân – tương tự như Hungary vào năm 1970 và Đức năm 1950. Đó là chưa kể đến việc, Việt Nam vẫn đang duy trì chính sách hạn chế sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân.
“Một rào cản nữa đối với các nhà đầu tư chính là quy mô các dự án quá lớn. Ngay cả đối với các nhà ĐTNN, nếu không hình thành được các tổ hợp nhà đầu tư, thì việc huy động đủ vốn là vô cùng khó khăn”, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
“Ngân sách nhà nước vẫn sẽ đóng vai trò quyết định trong vòng 5 - 10 năm tới, trước khi dần chuyển giao sứ mạng nhà đầu tư chính trong việc xây dựng các dự án hạ tầng quy mô lớn ở Việt Nam cho lĩnh vực tư nhân và ĐTNN thông qua mô hình PPP hoặc BOT”, một chuyên gia đánh giá.
(Theo Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com