![]() Không ít chủ đầu tư “run tay” khi được trao thêm quyền. Ảnh: Hoài Nam |
Tính khả thi của các quy định liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu xây dựng tại các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước vừa được ban hành phụ thuộc nhiều vào tinh thần trách nhiệm và cả sự dũng cảm của các chủ đầu tư.
Lên kế hoạch khởi công từ đầu năm 2009 nhưng cho tới thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải - chủ đầu tư Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (mới), đoạn Hà Nội – Thái Nguyên vẫn đang loay hoay xử lý tình huống đấu thầu tại cả 3/4 gói thầu xây lắp, sau khi đã mất khá nhiều thời gian xin hướng dẫn từ cấp quyết định đầu tư.
Tuy đã tiến hành điều chỉnh lại dự toán, điều chỉnh hình thức đấu thầu, quy mô gói thầu, nhưng tại lễ mở thầu được tổ chức vào tháng 6/2009, giá dự thầu thấp nhất tại cả 4 gói thầu xây lắp của Dự án đều vượt giá gói thầu từ 0,95%- 10%.
Cho đến cuối tháng 10/2009, sau khi tốn khá nhiều thời gian đàm phán, mới chỉ có duy nhất một gói thầu thuộc Dự án công bố được kết quả trúng thầu. Đối với các gói thầu còn lại, mặc dù Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành xem xét làm rõ một số đơn giá nhà thầu bỏ giá cao, nhưng vẫn không được nhà thầu thống nhất hiệu chỉnh.
Về phía đại diện chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 2 khẳng định, dự toán các gói thầu đã được họ cập nhật chuẩn xác theo các quy định hiện hành nên khó có thể “nới” thêm được nữa.
Cũng cần phải nói thêm rằng, với nguyên nhân tương tự, các gói thầu xây lắp tại Dự án xây dựng đường cao tốc dài 62 km, có tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng này đã từng phải hủy kết quả đấu thầu diễn ra vào tháng 8/2008.
Theo các chuyên gia, tình huống đấu thầu tại Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (mới), đoạn Hà Nội – Thái Nguyên sẽ được xử lý nhanh và đơn giản hơn, nếu được vận dụng các quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ – CP (Nghị định 85) về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo Điều 70 của Nghị định 85, việc xử lý tình huống đấu thầu này hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của chủ đầu tư. Ngoài việc không phải mất thời gian báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản từ cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư có thể chủ động đàm phán với các ứng thầu, bởi giá dự thầu thấp nhất tại 4 gói thầu cộng lại không vượt tổng mức đầu tư toàn Dự án, không ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của công trình.
Lẽ dĩ nhiên, Nghị định 85 có hiệu lực từ ngày 1/12/2009 không có điều khoản hồi tố để Bộ Giao thông - Vận tải có thể vận dụng, nhưng từ việc được trao toàn quyền xử lý đối với tình huống đấu thầu nhạy cảm nhất này, các chủ đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào những quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu vừa được ban hành là điều dễ hiểu.
Vẫn ngại “trống lưng”
Theo ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải ), bên cạnh việc nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, cho phép nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế chi dự án…, điểm đáng chú ý nhất tại Nghị định 85 chính là, Chính phủ đã tăng thêm khá nhiều quyền và sự chủ động cho các chủ đầu tư, từ việc được phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu… đến xử lý các tình huống trong đấu thầu.
Ngoài việc rút ngắn thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, các quy định mới này còn gắn trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư đối với chất lượng và tiến độ của dịch vụ tư vấn, xây dựng công trình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính khả thi của các quy định về đấu thầu vừa được ban hành này đang phụ thuộc nhiều vào tinh thần trách nhiệm và cả sự dũng cảm của các chủ đầu tư. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trên thực tế đang có khá nhiều chủ đầu tư trong ngành giao thông chưa dám vận dụng hết những quyền hạn đã được trao, đặc biệt trong việc xử lý tình huống đấu thầu.
Được biết, đối với tình huống đấu thầu tại Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (mới), Nghị định số 58/2008/NĐ – CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng đã có điều khoản cho phép chủ đầu tư được quyền điều chỉnh giá gói thầu, trên cơ sở giá dự thầu thấp nhất nếu không làm vượt tổng mức đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, thay vì mạnh dạn vận dụng quy định này, để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư Dự án lại đi xin Bộ Xây dựng cho điều chỉnh một số định mức để xây dựng lại giá gói thầu của 3 gói thầu còn lại.
Trong khi đó, theo tính toán của đơn vị quản lý dự án, ngay cả khi có được định mức mới, giá gói thầu tại 3 gói vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với giá dự thầu thấp nhất, bởi chủ đầu tư không thể đưa vào trong giá gói thầu những chi phí liên quan đến rủi ro về biến động giá vật liệu, tốc độ trượt giá, kéo dài thời gian thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng… như cách tính của các nhà thầu.
Tâm lý e dè sợ trách nhiệm đang khiến một số chủ đầu tư “run tay” khi được trao thêm quyền và sự chủ động trong quá trình quản lý triển khai xây dựng công trình. Điều này còn đáng ngại hơn cả nguy cơ chỉ định thầu tràn lan khi được nâng hạn mức như một số người lo ngại, một chuyên gia bình luận.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com