Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghịch lý hạ tầng giao thông: Cầu thiếu đường - đường chờ… hầm

Hạ tầng giao thông TPHCM vốn dĩ đã nhiều khuyết tật đang được tập trung đầu tư để khắc phục. Thế nhưng sự đầu tư thiếu đồng bộ hiện nay đã khiến cho giao thông TPHCM thêm nhiều bất cập. Cầu thông xe xong chỉ để “ngắm”, đường làm xong không thể lưu thông, vì sao?…

1. Cách đây nửa tháng, người dân TPHCM chứng kiến công trình cầu Phú Mỹ được làm lễ khánh thành với màn pháo hoa rất hoành tráng. Mặc dù cầu được khánh thành nhưng 1 tuần sau chủ đầu tư chính thức chọn giờ “cửu đỉnh” (9 giờ 9 ngày 9-9-2009) mới cho thông xe. Thế nhưng, sau ngày chính thức thông xe, cây cầu trị giá gần 2.000 tỷ đồng được xem là hành lang phía Đông TPHCM và là tuyến tập trung xe tải ra vào từ các cảng, tuyến vận chuyển hàng hóa từ miền Đông sang miền Tây này chỉ lèo tèo phương tiện qua lại với mục đích đi… ngắm cầu là chính.

Có mặt gần 2 giờ trên cầu vào giờ cao điểm chúng tôi chỉ ghi nhận được chưa tới 200 chiếc ô tô con qua cầu, trong đó có rất nhiều xe qua phía chân cầu rồi quay lại và dừng giữa cầu để… dạo chơi.

Người đi xe máy cũng không nhiều và mục đích chính của họ là lên cầu để ngắm, chụp ảnh lưu niệm. Anh Vũ Xuân Hùng ngụ ở huyện Nhà Bè cho biết, anh cùng bạn bè lên đây để ngắm cho vui chứ đường phía bên quận 2 còn dang dở nên không thể đi. “Cây cầu đẹp, những tưởng tấp nập xe qua lại nhưng lại vắng tanh, có thể dựng xe giữa cầu để vui chơi và chụp ảnh thoải mái. Có lẽ nắm bắt được nhu cầu này nên ngay ở tháp trụ giữa cầu có rất nhiều thợ ảnh chạy qua chạy lại chụp hình cho khách” - anh Hùng nói.

Vì sao cây cầu hiện đại nhất, đẹp nhất TPHCM hiện nay được thiết kế cho khoảng 100.000 lượt phương tiện qua lại/ngày lại chỉ lèo tèo xe cộ qua lại?

Không ít người thắc mắc nhưng cũng không khó lý giải khi các dự án đường kết nối vào cầu đang xây dựng dở dang. Cụ thể, dự án đường vành đai phía Đông nối từ cầu Phú Mỹ đến xa lộ Hà Nội mới chỉ triển khai được một đoạn tạm thời từ chân cầu đến tỉnh lộ 25B; dự án nút giao thông kết nối với đường Nguyễn Văn Linh vẫn đang dở dang do vướng giải tỏa mặt bằng; riêng dự án đường trên cao nối từ nút giao khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ là có khả năng hoàn thành cuối năm nay. Dĩ nhiên, cầu Phú Mỹ chỉ có thể phát huy hiệu quả khi cả 3 dự án kết nối trên hoàn thành.

2. Cùng chung số phận, cầu Thủ Thiêm dù đã được thông xe từ đầu năm 2008, tuy nhiên đến thời điểm này cầu cũng chưa thể phát huy tác dụng vì đường dẫn vào hai đầu cầu thiếu đường kết nối.

Công trình giao thông này được xây dựng với mục đích giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu và góp phần phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm. Với số vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng, được thông xe từ đầu năm 2008 nhưng đến đến nay, cây cầu hoành tráng dài 1,2 km, tải trọng trên 30 tấn, rộng 6 làn xe chỉ cho phép xe khách dưới 9 chỗ, xe tải nhỏ và xe 2 bánh qua cầu.

Hình ảnh thường thấy trên cầu là những đám đông tụ tập ngắm cảnh, cùng đội ngũ bán hàng rong ngồi la liệt.

Sau khi nhận thấy bất cập này, UBND TPHCM đã chi thêm 121 tỷ đồng để làm đường tạm nhưng vẫn chưa thể kết nối do đại lộ Đông Tây đoạn này vẫn chưa xong. Điều này cũng lý giải vì sao cầu Thủ Thiêm hoàn thành gần 2 năm nhưng phà Thủ Thiêm gần đó vẫn nườm nượp khách.

Một cây cầu khác có nguy cơ bị “treo” vì không có đường dẫn đó là cầu Đồng Nai. Cây cầu này vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, gồm 5 làn xe, bề rộng mặt cầu 20m nhằm giảm tải cho cầu Đồng Nai cũ. Theo kế hoạch cầu sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa thể giải tỏa được các hộ dân 2 đầu cầu để xây dựng các nút giao thông và đường dẫn lên cầu mặc dù theo chủ đầu tư, hạng mục nút giao Tân Vạn đã bị trễ tiến độ 16 tháng, còn nút giao ngã ba Vũng Tàu trễ tiến độ 10 tháng.

3. Sau nhiều lần trễ hẹn, cách đây hơn 2 tuần, Đại lộ Đông Tây - trục giao thông xuyên tâm TPHCM - dài gần 22km cũng được khánh thành và đưa vào sử dụng hơn 13km đoạn từ cầu Calmette đến quốc lộ 1A (Bình Chánh). Đây là dự án đường bộ có tổng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay tại TPHCM (hơn 9.860 tỷ đồng).

Chẳng có gì phải nói nếu như con đường này sau khi hoàn thành phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, con đường có vận tốc thiết kế 80 km/giờ, với 6 làn xe lại thưa thớt phương tiện dù các tuyến đường song song với nó thường xuyên kẹt xe. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ tuyến đại lộ Đông Tây thưa thớt phương tiện qua lại là do thiếu sự kết nối vào các đường nhánh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM, cho biết, đoạn đường mới hoàn thành có 39 vị trí kết nối với các tuyến đường nhánh. Tuy nhiên, chỉ mới có 18 vị trí được kết nối.

Nhưng trong các điểm đã kết nối, một số vị trí còn rất sơ sài, chỉ đổ xà bần một cách cẩu thả như vị trí kết nối với đường Hồ Hảo Hớn (quận 1). Tuyến đường dân sinh bên đường thi công dở dang, đầy sình lầy và nước đọng.

Ông Vương Hoàng Thanh lý giải, đây chỉ mới là giai đoạn 1 của dự án, hiện đang tiếp tục hoàn thành đường dân sinh ở 2 bên đường, khi đó xe từ đường dân sinh phải di chuyển đến những nơi được phép mới vào được đường chính.

Tuy nhiên, theo tài xế Vũ Xuân Thủy, ngoài việc không có hệ thống kết nối với các đường nhánh, thì Đại lộ Đông Tây chưa thể thông được là do hầm Thủ Thiêm chưa hoàn thành để sang quận 2. Và như thế, việc vắng xe qua lại cũng là điều dễ hiểu.

(Theo HỒ THU // SGGP online)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
  • Vốn Xây dựng cơ bản năm 2009: Tồn quá nhiều, vì sao?
  • Nhiều dự án giao thông "ì ạch" do nhà thầu yếu
  • 34 doanh nghiệp bị cấm dự thầu các dự án giao thông
  • Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Huy động 38 tỷ USD theo phương thức nào?
  • Xây đường sắt cao tốc bằng vốn vay và vốn từ quỹ đất
  • Dự án tàu điện Bắc-Nam vận tốc 300 km một giờ
  • Công trình xây dựng dân dụng đội giá
  • Giải pháp nghiên cứu các yếu tố bất định trong tính toán tiến độ thi công hạn chế thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container