Nằm trên các tuyến đường huyết mạch, việc bán quyền thu phí đường bộ tại 3 trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 18 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Khởi động lại đấu thầu thu phí
Gạt bỏ nỗi ám ảnh về thất bại của đợt đấu thầu chuyển giao quyền thu phí đầu tiên diễn ra vào năm 2005 (Quốc lộ 5), sau 4 năm gián đoạn, vào ngày 31/7, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ khởi động lại công tác xã hội hóa quyền thu phí bằng việc mở thầu 3 gói thầu chuyển giao quyền thu phí đường bộ có thời hạn trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 18.
Đây cũng là đợt đấu thầu chuyển giao quyền thu phí lớn nhất từ trước tới nay do cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ thực hiện kể từ khi chủ trương bán quyền thu phí đường bộ được Chính phủ khởi xướng vào năm 2004.
Ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong đợt đấu thầu quyền thu phí được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi này, có 2 trạm thu phí đường bộ nằm trên Quốc lộ 1A và 1 trạm thu phí đường bộ nằm trên Quốc lộ 18, với cùng thời gian chuyển giao là 5 năm (60 tháng). Theo đó, 2 trạm trên Quốc lộ 1A (Trạm thu phí Hoàng Mai tại Km 393 + 400 tại tỉnh Nghệ An có giá khởi điểm khoảng 170 tỷ đồng và Trạm thu phí Bàn Thạch tại Km 1350 + 150 tại tỉnh Phú Yên có giá khởi điểm khoảng 180 tỷ đồng.
Trạm thu phí đầu tiên trên Quốc lộ 18 - trục đường nối 2 đỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh) được bán là Trạm thu phí Bãi Cháy tại Km 114 + 700 (Quảng Ninh), có giá khởi điểm khoảng 230 tỷ đồng. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong số 3 trạm được đem ra bán quyền thu phí lần này, Trạm thu phí Bàn Thạch vừa được Cục Đường bộ Việt Nam đầu tư 20 tỷ đồng để có thể thu phí bằng thẻ tự động với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.
Đợt đấu thầu chuyển giao quyền thu phí này có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, giá trị hợp đồng chuyển giao quyền thu phí không được điều chỉnh trong suốt thời hạn hợp đồng. Thời gian chuyển quyền thu phí là yếu tố duy nhất được điều chỉnh trong trường hợp lãi suất tiền vay và tiền gửi do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam công bố và mức thu phí hoặc đối tượng thu phí có sự thay đổi so với Đề án chuyển giao quyền thu phí.
Thứ hai, đơn vị trúng thầu là đơn vị có giá bỏ thầu cao nhất so với giá khởi điểm. Đây cũng là yếu tố khiến nhiều chuyên gia cho rằng, việc tìm đơn vị có đủ tiềm lực để trao quyền thu phí do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức sắp tới mang dáng dấp là một cuộc đấu giá, hơn là đấu thầu theo nghĩa hoàn chỉnh.
"Nếu các cuộc đấu thầu được thực hiện thành công, sau 1 năm kể từ ngày hợp đồng được ký kết, chúng tôi sẽ có gần 600 tỷ đồng để có thể tung vào các dự án hạ tầng cấp bách do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư", ông Đức cho biết.
Người bán và người mua đều lạc quan
Với nhiều thay đổi trong điều kiện dự thầu so với đợt đấu thầu chuyển giao quyền thu phí lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005, Cục Đường bộ Việt Nam đã mở rộng cửa tham gia cho tất cả các thành phần kinh tế, bất kể doanh nghiệp tham gia có kinh nghiệm thu phí hay chưa. Theo đó, điều kiện cần và đủ duy nhất để các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân tham gia dự thầu là không bị các cơ quan có thẩm quyền nhà nước kết luận về tình hình tài chính và có bảo đảm dự thầu với giá trị 1 tỷ đồng.
"Trong cuộc chơi này, giá bỏ thầu là tiêu chí quan trọng nhất để xác định người trúng thầu. Chúng tôi tin rằng, tất cả gói thầu đưa ra đấu lần này đều có sức hấp dẫn lớn", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu lại tin tưởng như vậy. Lý do là, quyền thu phí các trạm thu phí đường bộ được đem ra chào bán lần này đều là những trạm có vị trí tốt nhất, thậm chí nằm trên các tuyến độc đạo, gần như không bị chia sẻ về lưu lượng phương tiện. Bên cạnh đó, vào thời điểm này, Cục Đường bộ Việt Nam đã bán được hàng chục bộ hồ sơ mời thầu cho mỗi gói thầu, trong số đó có rất nhiều người mua là các tổ chức tài chính lớn.
Về phía đại diện các ứng thầu, có không ít lý do để họ theo đuổi các gói thầu lần này. Kinh nghiệm cho thấy, tăng trưởng phương tiện dự báo để lập dự toán gói thầu thường có xu hướng thấp hơn thực tế, nhất là vào thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế đang ấm dần. Bên cạnh đó, đối với các tổ chức tài chính, việc thanh toán toàn bộ số tiền trúng thầu trong vòng 1 năm kể từ khi hợp đồng được ký kết không phải là rào cản quá lớn, nhất là khi Bộ Giao thông - Vận tải cho phép đơn vị trúng thầu được thế chấp, chuyển nhượng quyền thu phí sau khi đã thanh toán đủ.
"Việc Cục Đường bộ Việt Nam dỡ bỏ điều kiện từng có kinh nghiệm thu phí cho các ứng thầu sẽ khiến các cuộc đấu thầu thu phí có thêm tính khả thi và sức cạnh tranh lớn hơn", ông Phan Ngọc Hạp, Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Châu - đơn vị mua hồ sơ mời thầu cả 3 gói khẳng định.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com