Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tàu điện một ray - Giải pháp giảm ùn tắc đô thị?

Dù đã đưa ra nhiều biện pháp, nhưng giao thông Hà Nội vẫn rối như canh hẹ. (Ảnh chụp trên đường Láng, đoạn cắt Láng Hạ)
Sáng 21/7, hội thảo “Tàu điện một ray - một giải pháp cho giao thông đô thị tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội. Nội dung của Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Kỹ thuật toa xe và các thiết bị cho hệ thống tàu điện một ray, công nghệ thông tin, truyền dẫn, tín hiệu cho hệ thống tàu điện một ray, các phương án xây dựng tàu điện một ray tại Việt Nam....
 
Tham dự hội thảo có đại diện Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Đại diện tập đoàn Scomi (Malaysia), Đại diện tập đoàn Urbanaut (Hoa Kỳ), công ty tàu một ray Trùng Khánh, Trung Quốc… 

Tắc từ nhà ra ngõ 

Khoảng 17h30 chiều, chúng tôi có mặt tại nút giao thông Lê Văn Lương - Láng Hạ. Tại đây, các đồng chí CSGT thuộc đội CSGT số 3 (Công an TP.HN) túc trực liên tục từ 6h đến 23h hàng ngày, làm nhiệm vụ điều khiển giao thông. Nhưng tình trạng dồn ứ phương tiện vẫn không tránh khỏi. Từ tất cả các hướng đường, đoàn xe xếp thành hàng dài cả cây số. Tình trạng tắc đường này không phải là cá biệt, hầu hết các tuyến phố, các cửa ngõ thủ đô đều xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là trong những giờ cao điểm. 

Anh Nguyễn Văn Thắng - tài xế một hãng taxi khá lớn của Hà Nội có thể liệt kê vanh vách từng điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố “Vào những giờ cao điểm, đôi khi tôi không dám nhận chở khách vào trung tâm thành phố vì tiền công không bù nổi tiền xăng”. 

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Viện Trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT nhận định: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giao thông quá tải hiện nay là do cơ sở hạ tầng giao thông của ta phát triển không kịp với tình trạng bùng nổ phương tiện. Đặc biệt, thời gian gần đây càng thêm nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các công trình hạ ngầm và chỉnh trang đô thị.  Sự hạn chế của các dịch vụ vận tải công cộng (xe bus) khiến người dân phải sử dụng đến nhiều phương tiện cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng. 

Thời gian qua, để giải quyết tình trạng giao thông quá tải, Hà Nội đã đưa ra áp dụng không ít giải pháp như rào chắn các ngã tư, ngã năm, tăng mức xử phạt vi phạm lên nhiều lần… Tuy nhiên, theo TS Hùng: Các biện pháp đưa ra thời gian qua chỉ là tình thế, và gần như chưa đem lại hiệu quả gì. Các chỉ tiêu đánh giá về giao thông vẫn chưa đạt được như: tốc độ trung bình không tăng, các điểm tắc mới vẫn phát sinh, tai nạn giao thông không giảm… 
 
Các công trình hạ ngầm, chỉnh trang đô thị góp một phần không nhỏ làm giao thông Hà Nội thêm rối

Trong khi đó, với các giải pháp dài hơi hơn, như đầu tư mở rộng đường, mở các tuyến  đường mới, xây những tuyến đường hai tầng, xây dựng metro… vẫn còn nhiều vướng mắc. Nếu xây được cũng mất vài năm, thậm chí vài chục năm trong khi đường vẫn tắc, giao thông vẫn hỗn loạn diễn ra từng ngày, từng giờ. 

Tàu điện một ray - giải pháp cho giao thông đô thị 

Hiện tại, TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang xem xét việc xây dựng các tuyến tàu điện một ray, xem đây như một giải pháp nhằm giải quyết phần nào vấn đề quá tải của giao thông đô thị hiện nay. 
 
Việc xây dựng các tuyến tàu điện một ray được xem như một giải pháp nhằm giải quyết phần nào vấn đề quá tải của giao thông đô thị hiện nay

Theo các chuyên gia giao thông, tàu điện một ray phát huy khá tốt những đặc tính ưu việt như có thể đi trên cao hoặc hạ ngầm, hoạt động trên hệ thống đường riêng… nên không làm ảnh hưởng cũng như chịu tác động từ các phương tiện khác. Đường kính cột chỉ 1m, khoảng cách giữa các cột là 30m, diện tích trên không là 3m chiều ngang. Nên có thể xây dựng trên vỉa hè, hoặc dải phân cách, ở dưới vẫn hoạt động bình thường.  

Tuỳ theo khoảng cách giữa các ga, tàu điện một ray có tốc độ trung bình khoảng 60-90km/h. Một toa có thể vận chuyển gần 200 người, cùng một lúc có thể vận hành nhiều toa, nhiều đoàn tàu trên tuyến. Thời gian giữa các chuyến tàu có thể dày hoặc thưa tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Nhà ga gọn nhẹ, có thể dễ dàng chọn điểm xây dựng tuỳ theo nhu cầu sử dụng. 

Tàu điện một ray chạy bằng bánh lốp trên dầm bê tông dự ứng lực làm đường ray nên không gây tiếng ồn. Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, tàu điện một ray có thể bố trí chạy xuyên qua nhiều tòa nhà cao tầng, ga đỗ nằm ngay trong tòa nhà đó. 

Được biết, vốn đầu tư đang được đề xuất cho phương tiện này tại Hà Nội chỉ bằng 1/5 so với vốn đầu tư tàu 2 ray và có thể huy động nguồn vốn trong nước. 
 
Tàu điện một ray phát huy khá tốt những đặc tính ưu việt như có thể đi trên cao hoặc hạ ngầm, hoạt động trên hệ thống đường riêng nên không gây ảnh hưởng hoặc chịu tác động của các phương tiện khác, kết cấu tuyến đường, nhà ga nhỏ gọn, bán kính đổi hướng nhỏ nên có thể bố trí tuyến tàu linh hoạt theo hiện trạng đường phố.

(Theo Lại Hợp Nhân // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container