Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đánh giá tác động hội nhập sau hai năm gia nhập WTO đối với ngành chế biến gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ

Tại Hội thảo thảo “Đánh giá tác động hội nhập sau hai năm gia nhập WTO đối với ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ” đã diễn ra tại TPHCM vào sáng ngày 28/11đã mổ xẻ những tác động thực sự đối với công nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay. Trong đó, một vấn đề đáng chú ý là các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang “thắng trên sân khách” nhưng “thua trên sân nhà”.

Trước năm 2000, công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam không hề có tên trên bản đồ giao thương gỗ thế giới, nhưng cho đến năm 2007 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đã đạt đến 2,5 tỉ đô la Mỹ và dự kiến cho năm nay là 2,8 - 3 tỉ đô la Mỹ. Mức kim ngạch đạt được này cho thấy sự phát triển rất nhanh của công nghiêp gỗ Việt Nam chỉ trong vòng chưa đầy chục năm.

Theo các nhà quản lý và doanh nghiệp ngành gỗ tham dự hội thảo, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ tư trong xuất khẩu đồ gỗ khu vực ASEAN, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan (nếu chỉ tính gỗ đã qua chế biến thì Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực). Các doanh nghiệp còn cho rằng Việt Nam đã trở thành địa chỉ cung cấp đồ gỗ lớn trên thế giới mà các nhà nhập khẩu phải để mắt tới hoặc đưa vào danh sách ghé thăm nhà cung cấp khi đi đặt hàng.

Chủ nhiệm khoa Chế biến lâm sản, trường Đại học Lâm nghiệp, cho biết đồ gỗ Việt Nam hiện đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào ba thị trường có nhu cầu tiêu thụ gỗ lớn trên thế giới là Mỹ, EU và Nhật. Ba thị trường này hiện đang chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Cơ hội tăng trưởng ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam còn rất lớn, vì hiện tại tuy mặt hàng gỗ nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam nhưng với thế giới, chúng ta chỉ mới chiếm 0,78% thị phần đồ gỗ toàn cầu.

Tổng giám đốc Sadaco - một nhà xuất khẩu đồ gỗ có uy tín hiện nay, lại phân tích ở khía cạnh sau hai năm gia nhập WTO, công nghiệp gỗ Việt Nam đã hưởng lợi khá rõ nét. Dự báo năm 2008 xuất khẩu đồ gỗ tối thiểu cũng được 2,8 tỉ đô la Mỹ, tức tăng gần 30% so với năm 2006 - năm mà Việt Nam chưa gia nhập WTO.

Các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế khi Việt Nam trở thành một thành viên của WTO, trong đó nổi bật là việc thâm nhập thị trường Mỹ. Năm 2006, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào Mỹ đạt nửa tỉ đô la Mỹ thì năm nay tăng gần gấp đôi, tức khoảng 1 tỉ đô la Mỹ cho thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất thế giới.

Một điểm khác biệt mà chỉ sau gia nhập WTO mới đạt được là hàng loạt thị trường nhỏ, thị trường xa cũng đã rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, đồng thời là giám đốc doanh nghiệp gỗ xuất khẩu, nhận xét rằng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam trong hai năm sau hội nhập WTO đã chuyển từ chỗ thụ động chờ khách hàng tới đưa mẫu và mua hàng tại nhà máy, đã tiến sang chủ động tiếp cận thị trường thế giới như đi ra nước ngoài dự hội chợ, tham quan, chủ động thiết kế mẫu mã chào hàng, thiết lập hệ thống kho trực tiếp bán hàng vào siêu thị nước ngoài...

Các doanh nghiệp ngành gỗ hàng năm thu về cho Việt Nam hàng tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu đồ gỗ, thế nhưng, thị trường đồ gỗ trong nước thì lại khác.

Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, người từng tham gia đoàn đàm phán Việt Nam với WTO, chỉ ra rằng doanh nghiệp gỗ trong nước đang “thua trên sân nhà”. Ở các cửa hàng, siêu thị nội thất tại Hà Nội hay TPHCM, đồ nội thất ngoại nhập gần như chiếm lĩnh thị trường. Có tới 80% đồ gỗ nội thất đang bày bán ở thị trường trong nước là từ nhập khẩu. Hàng nội thất nhập khẩu có giá bán cao hơn hàng nội thất sản xuất trong nước từ 30-50% nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn, vẫn mua. Cái quan trọng là hàng nội thất ngoại nhập có mẫu mã phong phú, thiết kế đẹp, bắt mắt và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường, chất liệu đi kèm nội thất như da thuộc, vải thì tốt hơn hàng cùng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Việt Nam đã xây dựng cách thức phân phối, tổ chức bán hàng, trưng bày hấp dẫn người tiêu dùng.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lấy thí dụ trường hợp các cửa hàng, siêu thị mang tên Nội thất Đài Loan của Dafuco, hay nội thất SB Furniture của Thái Lan đang dần chiếm lĩnh thị trường ở các thành phố lớn, vốn là nơi tiêu thụ đồ nội thất mạnh nhất. Nội thất dành cho văn phòng, công sở đang chiếm thị phần lớn trên thị trường nội thất Việt Nam nhưng gần như hàng Việt Nam không có mặt ở phân khúc này. Thậm chí nhiều tỉnh được xem là “miền rừng”, có nhiều gỗ rừng trồng nhưng người dân cũng đổ về các thành phố lớn để mua đồ gỗ ngoại. Điều này chẳng khác gì “chở củi về rừng”.

Đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang quay lại thị trường trong nước theo kiểu đi “hai chân”, tức vừa xuất khẩu vừa xây dựng hệ thống phân phối nội địa, nhưng vẫn như muối bỏ biển nếu so với nhu cầu của thị trường.

Vậy tại sao doanh nghiệp lại “bỏ quên” thị trường nội địa? Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang bán hàng nội địa, giải thích rằng bán đồ gỗ trong nước và bán nước ngoài không khác gì hàng may mặc, tức may áo hàng loạt bán cho nước ngoài thì dễ nhưng để may đo cho vừa vặn từng khách hàng trong nước thì khó khăn trăm bề.


(Theo Vinanet)

  • Ngành gỗ thua trên sân nhà
  • Sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ VN khẳng định thương hiệu
  • Ngành gỗ lao đao trong cơn khủng hoảng
  • Chế biến, xuất khẩu đồ gỗ gặp khó khăn
  • Nội thất gỗ - gọn mà đẹp!
  • Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ: Điêu đứng vì thuế xuất khẩu tăng đột ngột
  • Hướng mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nội thất của Trung Quốc sang Trung Đông
  • Thông tin sản phẩm gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container