Theo một báo cáo của sở Công thương Bình Dương công bố hồi cuối tháng 11 vừa qua, hiện có khoảng 95% doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ thuộc tỉnh này gặp khó khăn do đối tác huỷ hoặc cắt giảm hợp đồng.
Đa số khách hàng chỉ đặt số lượng bằng 30 – 60% so với các hợp đồng cũ. Giá hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam cao hơn các nước khác nên rất khó cạnh tranh.
Xuất khẩu bị đình trệ, các hợp đồng mua hàng giảm 30 – 40% nên cả doanh nghiệp lớn và nhỏ đều bị chôn vốn.
Theo đánh giá của hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC), Việt Nam hiện đang dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu sản phẩm gỗ. Tuy vậy, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, 80% còn lại phải nhập khẩu với mức giá liên tục tăng cao.
Năm 2007, ngành gỗ phải nhập hơn 1 tỉ USD nguyên liệu gỗ và ván nhân tạo. Trong tình hình khó khăn hiện nay, còn khoảng 500.000 – 600.000m3 gỗ nguyên liệu tồn ở các cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, chưa kể lượng gỗ tồn kho của các doanh nghiệp…
Theo một chuyên gia, do các biến động xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, các doanh nghiệp gỗ đã trở tay không kịp. Các doanh nghiệp gỗ bị đẩy vào nghịch cảnh: trong nước giá thành tăng quá cao trong khi phải giảm giá xuất khẩu để kích cầu.
Trưởng đại diện hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại TP.HCM phân tích, mặc dù sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 120 quốc gia nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vẫn đang chủ yếu là bán hàng qua khâu trung gian (chiếm 90% lượng sản phẩm và nhận làm gia công theo mẫu mã thiết kế, hợp đồng của nước ngoài) nên vừa bị động, phụ thuộc vào các kênh phân phối này vừa không tạo được dấu ấn về thương hiệu “gỗ Việt” trên thị trường thế giới.
Theo chủ tịch hội Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM, cái thua lớn nhất của ngành gỗ hiện tại là hệ thống phân phối đồ gỗ trong nước quá yếu kém.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng muốn sản xuất và bán hàng ra thị trường nội địa nhưng chưa thể thực hiện. Doanh nghiệp không thể vừa tập trung sản xuất vừa đến từng cửa hàng, đại lý tiếp thị sản phẩm và cung cấp sản phẩm kiểu “nhỏ giọt”.
Làm ăn với nước ngoài, hợp đồng có thể lên đến mấy chục container nhưng trong nước, không nhà phân phối nào đặt hàng mua được một container...
Chủ tịch hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: tính đến hết tháng 10.2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành mới đạt được 2,3 tỉ USD. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hai tháng cuối năm, kim ngạch cả năm cũng chỉ có thể đạt khoảng 2,8 tỉ USD, vẫn thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 3 tỉ USD. Ngành chế biến gỗ sẽ không chỉ khó khăn trong năm 2008 mà trong năm tới tình hình cũng không sáng sủa hơn.
(Theo Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com