Khu vực trưng bày gốm sứ của các cơ sở mỹ nghệ Đồng Nai tại hội chợ EXPO 2010 - Ảnh: Hồng Văn |
Thị trường xuất khẩu gốm sứ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong năm tới, đây là nhận định của thạc sỹ Trần Văn Thi, Giảng viên trường Đại học Tài chính Marketing trong buổi hội thảo "Thông tin thị trường và các biện pháp thâm nhập kênh phân phối sản phẩm gốm sứ, gỗ mỹ nghệ” tổ chức tại TPHCM, trong 2 ngày 15 và 16-11.
Theo ông Thi, Đức và Séc là hai thị trường có tiềm năng rất lớn về nhập khẩu gốm sứ. Tại thị trường Đức, ông khẳng định đây là thị trường dẫn dắt về gốm sứ khắp châu Âu và hiện nay lượng xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam vào thị trường này chỉ mới 30 đến 40% thị phần, còn lại là mặt hàng gốm sứ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các mặt hàng gốm sứ của Trung Quốc chủ yếu là chất lượng cấp thấp, giá rẻ, còn mặt hàng của Việt Nam có chất lượng từ cấp trung bình trở lên. Ông cũng lưu ý với các doanh nghiệp rằng, người tiêu dùng Đức rất chú trọng đến các khía cạnh môi trường và xã hội liên quan đến sản xuất hàng hóa. Mặt hàng gốm sứ muốn vào thị trường này ngoài mẫu mã đẹp còn phải có công dụng thiết yếu trong cuộc sống của họ.
Còn tại thị trường Séc, hiện tại hàng gốm sứ Việt Nam chưa thâm nhập vì quá ít doanh nghiệp quan tâm, nên mặt hàng gốm sứ Trung Quốc hầu như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Tuy nhiên theo ông Thi, Séc lại là một thị trường dễ tính, dễ thâm nhập và là cửa ngõ tốt để gốm sứ Việt Nam vào châu Âu.
Trong đề tài nghiên cứu về gốm sứ của mình, ông Thi cũng cho biết thực trạng về sản xuất gốm sứ tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai đang được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng nhờ độ tinh xảo, trên mỗi sản phẩm thể hiện nét văn hóa của từng vùng, thương hiệu của những sản phẩm này đang góp phần quảng bá du lịch Việt Nam.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com