Trữ lượng gỗ rừng trồng cả nước đạt khoảng 60 triệu m3, cho khai thác đạt 3,2 triệu m3/năm. |
Tăng gấp 15,5 lần trong vòng một thập kỷ qua, đã lập kỷ lục kim ngạch 3,4 tỷ USD trong năm 2010 và đang hướng tới mốc 4 tỷ USD trong năm 2011, xuất khẩu gỗ đang đặt ra kỳ vọng kim ngạch 8-9 tỷ USD vào năm 2015.
Tại hội thảo “Quy hoạch chế biến gỗ” do Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa mới tổ chức, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cho biết, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2000 mới chỉ là 219 triệu USD, đến năm 2010 đã đạt 3,4 tỷ USD; tính bình quân giá trị kim ngạch đồ mộc tăng 500 triệu USD/năm.
Đến nay, cả nước đã có trên 2.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó khoảng 50% là số cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ làm ra sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa hoặc gia công, sơ chế theo đặt hàng của các doanh nghiệp lớn. Hiện có 970 doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu đồ gỗ, nhiều doanh nghiệp đã phát triển thành các tập đoàn lớn. Trong đó, chỉ với hơn 400 doanh nghiệp FDI đã tạo ra khoảng hơn 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó: thị trường Mỹ chiếm 38% tổng giá trị xuất khẩu; các nước thuộc khối EU chiếm 44%; Nhật Bản chiếm 12%.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản (VIFORES) nhận định: ngành chế biến và xuất khẩu gỗ năm 2010 vừa qua đã chứng kiến một mức tăng trưởng rất ngoạn mục, đạt kim ngạch gần 3,4 tỉ USD, tăng khoảng 31% so với năm 2009.
Thị trường tiêu thụ năm 2011 rất khả quan, vì hiện nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận đơn hàng đến giữa năm. Doanh nghiệp nào kém nhất thì cũng đã ký được hợp đồng lấp đầy hết tháng 3/2011, những doanh nghiệp mạnh thì đã ký luợng hàng sản xuất đến tháng 8, tháng 9/2011. Bởi vậy, VIFORES đã đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỉ USD, tức tăng khoảng 17% so với năm 2010.
Tuy nhiên, vấn đề làm đau đầu nhiều nhà sản xuất hiện nay chính là giá đầu vào không ngừng tăng lên. Từ nguyên liệu gỗ cho đến các loại vật tư, bao bì đều tăng 10-15%, có loại đến 50-60%. Nhân công ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, cùng với hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng do ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và phần lớn doanh nghiệp chưa tự túc được nguồn nguyên liệu, đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành chế biến gỗ nước ta.
Chính vì vậy, quy hoạch đề ra mục tiêu từng bước giảm nhập khẩu gỗ nguyên liệu, tăng nguồn cung gỗ từ rừng trồng trong nước. Ông Đàm Ngọc Năm, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối trăn trở: hiện chúng ta có tới hơn 13 triệu ha rừng, trong đó 8,6 triệu ha rừng sản xuất. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 nguồn gỗ trong nước đáp ứng được 50% nhu cầu gỗ nguyên liệu; năm 2020 đáp ứng được 80% nhu cầu.
Thế nhưng, mục tiêu này rất khó khả thi, vì gỗ muốn đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đồ gỗ thì phải là gỗ khai thác từ rừng trồng lâu năm, cây gỗ phải có đường kính lớn. Đến nay, trữ lượng gỗ rừng trồng cả nước đạt khoảng 60 triệu m3, cho khai thác đạt 3,2 triệu m3/năm nhưng phần lớn là gỗ keo và gỗ bạch đàn chất lượng chỉ đạt yêu cầu để làm củi đốt và nguyên liệu sản xuất ván dăm, ván nhân tạo, chứ không thể sử dụng được để sản xuất đồ mộc xuất khẩu. Rừng trồng sản xuất ở nước ta người dân ít trồng các loại cây gỗ tứ thiết, dổi, de... lâu năm, mà chủ yếu là trồng keo, bạch đàn chỉ trồng 5-6 năm đã khai thác.
Thực tế, Việt Nam chưa bao giờ xuất khẩu được những sản phẩm đồ gồ được làm từ ván ép ván dăm, vì công nghệ làm ván gỗ nhân tạo quá kém không thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Bởi vậy để thúc nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước, trồng rừng sản xuất cấp thiết phải phá bỏ tư duy trồng những cây “ăn xổi ở thì” như keo, bạch đàn... Ngành Lâm nghiệp phải chú trọng trồng những loại cây gỗ lâu năm, đầu tư trồng rừng lâu dài 50-100 năm mới bắt đầu khai thác.
Theo Đề án Quy hoạch ngành chế biến gỗ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đang được Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam xây dựng theo đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2025, phát triển ngành chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực của sản xuất lâm nghiệp cho kim ngạch xuất khẩu 8-9 tỷ USD; tổng giá trị sản xuất chiếm 3% trong tổng GDP quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2015: tổng công suất gỗ xẻ đạt 4,5 triệu m3/năm; 750 nghìn m3 sản phẩm ván MDF/năm; 100 nghìn m3 ván dăm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,2-4,5 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 350 nghìn lao động.
Đối với khu vực Bắc Bộ, thúc đẩy hình thành tam giác phát triển công nghiệp chế biến gỗ: Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh, trên cơ sở mở rộng các cơ sở chế biến gỗ hiện có và xây dựng mới các nhà máy chế biến gỗ. ở khu vực Đông Nam Bộ, củng cố mạng lưới cơ sở chế biến gỗ hiện có tại Tp.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương theo hướng chuyên môn hoá cao.
Vùng Tây Nguyên, hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ gắn với đầu tư máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ tinh chế. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ từ Quy Nhơn đến Đà Nẵng thúc đẩy thành khu vực chuyên sản xuất đồ mộc xuất khẩu và phát triển sản xuất ván nhân tạo.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com