Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiếm lĩnh thị trường đồ gỗ nội địa: Nhiều câu hỏi lớn

Lần đầu tiên, một hội chợ đồ gỗ dành riêng cho phân khúc nội được hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) tổ chức (18 – 22.11). Tuy nhiên, sản phẩm trưng bày chủ yếu lấy từ hàng xuất khẩu, ít thấy ý tưởng khai thác thị trường một cách bài bản...

Doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ khó chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng những thiết kế cho thị trường nước ngoài. Ảnh: Thu Thuỷ

Ngoài kim ngạch xuất khẩu 2,5 – 3 tỉ USD mỗi năm, thì cho đến nay, chưa có con số nào đánh giá quy mô cũng như con số tăng trưởng thị trường đồ gỗ nội địa. Hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đồ gỗ hiện nay, thì số đơn vị chịu đầu tư khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đang gần như bỏ trống thị trường nội địa.

Khó kham nhiều việc

Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch Hawa đánh giá, mấy năm gần đây, thị trường bất động sản hình thành nhiều dự án, khách sạn, resort lớn được xây dựng, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ từ 86 triệu dân nên có thể nói, đồ gỗ nội địa đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp. Theo ông Thắng, quy mô thị trường nội địa tương đương thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cơ hội như đánh giá của ông chủ tịch Hawa lại không hề đơn giản chút nào. Một doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, nếu muốn thâm nhập nội địa, điều kiện cần là họ phải xây dựng đội ngũ thiết kế, marketing, thăm dò thị trường, tư vấn, sau đó xây dựng hệ thống phân phối… Trong khi đó, khi làm hàng xuất khẩu, họ không phải tốn công sức thiết lập những công việc này. Nhà nhập khẩu thường đưa đơn hàng, mẫu thiết kế sẵn và họ chỉ việc sản xuất, sau đó giao hàng lấy tiền. “Dây chuyền sản xuất có thể tận dụng từ làm hàng xuất khẩu, như thay thế lưỡi dao cho vừa kích thước, nhưng mẫu hàng thì không thể”, giám đốc một doanh nghiệp phân tích.

Trên thực tế, số doanh nghiệp có đủ khả năng tổ chức đội ngũ thiết kế theo yêu cầu khách hàng hoặc tự đứng ra điều tra tâm lý, thị hiếu sử dụng đồ gỗ để sản xuất ra hàng loạt sản phẩm cho thượng đế lựa chọn chưa có nhiều. Hơn nữa, quy mô đơn hàng nội địa thường nhỏ, cách thức thanh toán rườm rà, phải nợ gối đầu cũng khiến doanh nghiệp chưa mặn mà. “Muốn sản phẩm có chỗ đứng bắt buộc phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư. Quy mô đơn hàng nội địa thường quá nhỏ nhưng lại yêu cầu nhiều mẫu mã nên nhiều doanh nghiệp ngại làm”, bà Ngô Thị Hồng Thu, phó tổng giám đốc công ty Trường Thành nói, đồng thời cho biết Trường Thành chỉ nhận đơn hàng từ 500 triệu đồng trở lên…

Mấy năm gần đây, Trường Thành là một trong số ít doanh nghiệp xuất khẩu chịu khó thâm nhập thị trường nội địa. Doanh thu năm 2010 dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 600 tỉ từ hàng nội địa, nhưng bà Thu cũng nhìn nhận, công ty vẫn đặt ra chiến lược ngắn hạn là ưu tiên làm hàng xuất khẩu.

Đầu tư thiết kế, phân phối và dịch vụ?

Đến thời điểm này, điểm mặt doanh nghiệp cung cấp đồ gỗ có thương hiệu tại thị trường nội địa được không quá mười cái tên, gồm: Nhà Xinh, Savimex, Hoàng Anh Gia Lai, Trường Thành, Vihome, Trần Đức. Trong số này, thị trường chỉ ghi nhận có duy nhất Nhà Xinh là có thể thiết kế, sản xuất trọn gói một bộ sản phẩm đồ gỗ trong căn nhà; những đơn vị còn lại chỉ đáp ứng được một phần và mẫu hàng thường nghèo nàn. Trong khi đó, các dự án xây dựng cao ốc, khách sạn lớn thường yêu cầu thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh, từ cửa, tủ âm tường, tủ bếp, giường...

Nhà Xinh thâm nhập thị trường đồ gỗ nội địa khoảng hơn mười năm nay. Bà Bùi Tường Anh, giám đốc thương hiệu công ty này cho biết, để Nhà Xinh có chỗ đứng như ngày hôm nay là cả một quá trình đầu tư, thâm nhập thị trường. Theo bà Anh, có nhiều yếu tố tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp: thiết kế, chất lượng, bán hàng và dịch vụ. Ngoài phân khúc các dự án lớn như chung cư, cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, resort, gần đây Nhà Xinh còn khai thác thị trường nhà đơn lẻ với đội ngũ tư vấn, nhận thiết kế và thi công nội thất trọn gói… Thị trường này trước đây thuộc về các công ty thiết kế và xưởng mộc đơn lẻ nắm giữ.

“Ngoài mẫu mã đa dạng thì xu hướng sản xuất ra trọn bộ sản phẩm cho một căn nhà là điều kiện cần thiết nếu muốn thâm nhập thị trường nội địa”, bà Ngô Thị Hồng Thu nói thêm. Theo bà Hồng Thu, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp muốn trở về nội địa còn phải xây dựng được mạng lưới phân phối. Trong khi đó, để có một showroom đồ nội thất, cần ít nhất 500m2, với giá thuê mặt bằng đắt đỏ như hiện nay ít doanh nghiệp tự tổ chức được.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, giám đốc công ty AA, cho biết khó khăn của việc thâm nhập thị trường nội địa là không có nhà phân phối lớn và chuyên nghiệp. Chính vì thế mà thiếu những đơn hàng tương đối có khối lượng để các doanh nghiệp sản xuất, nên họ e ngại không dám đầu tư cho dây chuyền phục vụ nội địa. Ngay chính chúng tôi để bán được hàng cũng phải tự sản xuất và mở hệ thống phân phối cho mình chứ không biết liên kết với ai cả.

Theo nhiều ý kiến, xu hướng hiện sử dụng đồ gỗ nội thất hiện đại cũng không còn hoàn toàn bằng chất liệu gỗ mà hướng đến pha trộn giữa gỗ, kim loại, da, vải. Muốn đa dạng sản phẩm, cạnh tranh với hàng ngoại nhập, một doanh nghiệp phải đầu tư nhiều xưởng chế biến chuyên dụng như xưởng gỗ, sắt, bọc nệm… và chi phí rất tốn kém.

 

(Theo Thu Thuỷ – Hoàng Bảy/sgtt)

  • Doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị 'thôn tính' trên sân nhà
  • Sản phẩm nội thất: Bỏ ngỏ nội địa
  • Ngành gỗ cần đi cả “hai chân”
  • Doanh nghiệp đồ gỗ: Thận trọng bước trên sân nhà
  • Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ có thể vượt 4 tỷ USD
  • Nhiều tiềm năng cho xuất khẩu gốm sứ
  • Ngành gỗ chủ động ứng phó với rào cản thương mại
  • Doanh nghiệp gỗ làm mới mình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container