Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các khu công nghiệp Hà Nội: Tạo lực hấp dẫn mới

Dự kiến đến năm 2015, Hà Nội sẽ có 20 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 4.500ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 60%; phấn đấu đạt tổng doanh thu khoảng 250.000 tỷ đồng (chiếm hơn 20% GDP của thành phố), tạo việc làm mới cho nửa triệu lao động. Tuy nhiên, để các KCN mới thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư có không ít việc phải làm.
Một góc Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Ảnh: Bá Hoạt

Một mô hình cần được nhân rộng

Với cơ sở hạ tầng hoàn thiện cùng các dịch vụ kèm theo, KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) được đánh giá là một trong những điểm sáng của các KCN Hà Nội. Theo quy hoạch, quy mô diện tích (giai đoạn 1) của khu là 170ha, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng. Giai đoạn 2, sẽ mở rộng thêm 238ha, nâng tổng diện tích lên hơn 400ha, với nhiều hạng mục đầu tư hấp dẫn... Ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ (chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Nghĩa) cho biết, Phú Nghĩa hiện thu hút được 54 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, như các công ty: Sản xuất linh kiện điện tử Toyota Electric Control (Nhật Bản), TNHH Chee Wah, CP Rượu Việt Nam - Thụy Điển, May thời trang cao cấp Starlight (Xingapo), Thực phẩm SunjinMiwon (Hàn Quốc)...

với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD. Sau gần 2 năm triển khai đầu tư xây dựng, đến nay KCN Phú Nghĩa đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của một KCN bền vững, hiện đại với khu trung tâm điều hành rộng 2,5ha chuyên cung cấp các dịch vụ tiện ích cho DN, như thuế quan, hải quan, ngân hàng, phòng giới thiệu sản phẩm… Được biết, hiện Công ty đang đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 theo công nghệ xử lý tiên tiến và thiết bị hiện đại của châu Âu, công suất 3.000 m3/ngày - đêm, vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Dự kiến, vào quý III-2010, nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Phú Mỹ đang xây dựng khu nhà ở cho người lao động với quy mô 9,5ha ngay trong KCN. Trong đó, 4ha để xây dựng 10 tòa nhà cao tầng, bảo đảm chỗ ở ổn định cho khoảng 8.000 người, với hạ tầng xã hội đồng bộ như khu nhà ở, nhà ăn công nhân, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, khu thể thao... 5,5ha còn lại dành cho không gian sinh thái như hồ nước, công viên, cây xanh… Ngoài ra, Phú Nghĩa còn có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục từ lập dự án, xin cấp phép đầu tư cũng như các thủ tục hành chính khác theo quy định.

Gọi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng

Hà Nội hiện có 16 KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500ha. Trong đó, 8 KCN (tổng diện tích 1.235ha) đã đi vào hoạt động, với 232 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế khả năng đầu tư, phát triển các KCN còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô mở rộng. Việc phát triển các KCN trên địa bàn thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế như đường giao thông, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải, hàng rào, điện chiếu sáng… chưa hoàn thiện. Một số KCN gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù GPMB. Một số DN đang hoạt động trong KCN không thực hiện đúng cam kết ban đầu gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong quy hoạch xây dựng các KCN thời gian qua còn chưa đồng bộ, thiếu nhiều hạng mục phụ trợ như khu chung cư cho công nhân, không có chỗ vui chơi giải trí, khiến nhiều lao động phải ở trọ trong các khu dân cư chật hẹp, không yên tâm làm việc lâu dài. Ngoài ra nhiều dịch vụ khác còn thiếu như chăm sóc sức khỏe, mua sắm, thể thao…

Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý (BQL) các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, để khắc phục những hạn chế trên, tạo sức hấp dẫn cho KCN, thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, Hà Nội phấn đấu hoàn thiện và phát triển các KCN trên địa bàn theo mô hình KCN Phú Nghĩa; "gọi" các DN, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. BQL sẽ phối hợp với các ngành chức năng tập trung hỗ trợ các công ty phát triển hạ tầng KCN tháo gỡ vướng mắc về GPMB, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch. Bên cạnh đó, để phát huy được lợi thế của từng KCN, ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch phát triển KCN; hợp tác trong việc quy hoạch các KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ; quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông nối liền các địa phương với các KCN để tăng tính đồng bộ, giảm lãng phí thất thoát do đầu tư dàn trải; rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí và thời gian cho DN... góp phần tăng tiện ích cho nhà đầu tư. BQL cũng đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phát huy tốt cơ chế "một cửa"; cung ứng lao động chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển ổn định, hiệu quả.

(Theo Thanh Hiền // Hanoimoi Online)

  • Cụm công nghiệp: Tự phát và thiếu sức sống (Kỳ I)
  • Cụm công nghiệp: Tự phát và thiếu sức sống (Kỳ II)
  • Khởi công xây dựng nhà máy tách khí 110 tấn/ngày
  • "Các vùng kinh tế trọng điểm tạo sức lan tỏa lớn"
  • Thương phẩm đầu tiên của nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ
  • Bắc Kạn: Mở rộng khu công nghiệp Thanh Bình
  • Mở rộng khu công nghiệp Thanh Bình
  • Kinh tế nhóm G7 sẽ phục hồi chậm trong năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container