Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đã có một tư duy mới về phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam?

 

Trong gần hai thập niên qua, các khu công nghiệp (KCN) là một trong những biểu tượng cho tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Song khi kỳ vọng vào KCN như một nguồn sức mạnh nội tại chủ chốt cho nền kinh tế không thành, liệu đã có một tư duy mới về phát triển KCN?

Khi nhà đầu tư bỏ đi

“Dị sàng” nhưng “đồng mộng”, tuy không ảm đạm như năm ngoái nhưng tình hình thu hút đầu tư vào các KCN ở cả ba miền vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Nhiều nơi đã ngậm ngùi nhìn nhà đầu tư dứt áo ra đi.

Nhiều nông dân thiếu đất canh tác trong khi không ít KCN như KCN Sông Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) hình thành từ năm 2003 đến nay vẫn còn ngổn ngang đất đá và cỏ dại - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Rỗng ruột

Đến nay, VN đã thành lập 249 KCN trên tổng diện tích hơn 63.000ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 38.800ha.

162 KCN đã đi vào hoạt động, 74 KCN đang ở giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ thành lập mới 106 KCN (50.200ha), mở rộng 26 KCN (6.000ha), tổng diện tích các KCN đạt 120.000ha.

Các KCN đã thu hút được 3.600 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 46,9 tỉ USD và 3.200 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 254.000 tỉ đồng.

Năm 2009 doanh thu từ các doanh nghiệp trong KCN đạt 12,2 tỉ USD và 68.000 tỉ đồng.  

(Nguồn: Bộ KH-ĐT, báo cáo tại hội nghị quốc tế về bất động sản KCN tháng 5-2010)

Giám đốc tiếp thị một KCN lớn ở Bình Dương đã đi liên tục từ Hàn Quốc sang Nhật Bản, qua Đài Loan, đến các nước châu Âu những tháng qua để kêu gọi đầu tư. “Sức mua ở các thị trường lớn trên thế giới đều thê thảm nên những nhà đầu tư dự định mở rộng sản xuất ở VN đều phải cân nhắc lại. Chúng tôi phải trực tiếp đi tiếp thị, cập nhật thông tin VN cho họ, một việc mà trước đây không cần bởi các nhà tư vấn của họ ở VN đã làm” - ông giải thích.

Nhân viên tiếp thị một KCN ở TP.HCM cũng chia sẻ rằng anh phải “săn” tất cả lịch trình hội thảo, hội nghị về xúc tiến đầu tư ở trong nước để tìm cách tiếp xúc với những nhà đầu tư tiềm năng bởi từ đầu năm đến nay, KCN của anh chưa có nhà đầu tư nào đến.

Nửa năm qua, các KCN - KCX ở TP.HCM chỉ thu hút được 12 dự án đầu tư, nếu chia đều thì mỗi KCN có được... 1 dự án. Trong 12 KCN và 3 KCX ở TP.HCM, nhiều khu không thu hút được dự án nào kể từ đầu năm đến nay.

Thông tin trên website của Ban quản lý các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết trong 12 KCN của tỉnh này, chỉ có một khu đạt tỉ lệ lấp đầy 100%, ba khu chưa cho thuê được mét đất nào, các khu còn lại vẫn bỏ trống quá nửa... Sáu tháng đầu năm chỉ có 5 dự án đầu tư nước ngoài và 4 dự án đầu tư trong nước được cấp phép trong các KCN ở đây. Còn tại Đồng Nai, các KCN trên địa bàn cho thuê được 55ha đất, đạt khoảng 37% kế hoạch năm - con số tuy ít ỏi nhưng lại bằng 300% so với cùng kỳ năm 2009.

Miền Trung: Tiến thoái  lưỡng nan

Ở dải đất miền Trung, tiền tỉ đã đổ xuống vùng cát trắng và cả những cánh đồng lúa để làm KCN. Nhưng nhiều năm qua đi, quá nửa KCN nơi đây vẫn là những dự án hạ tầng dang dở.

Vòng theo các KCN ở Đà Nẵng - nơi xây dựng KCN sớm nhất và nhiều nhất miền Trung - những ngày qua, những bãi đất trống vẫn trải dài trước mắt. Tại KCN Hòa Khánh rộng hơn 212ha (giai đoạn 1) khởi công từ năm 2004, cát trắng ngút tầm mắt, hạ tầng vẫn xây dựng dang dở. Theo UBND TP, tỉ lệ lấp đầy đất KCN này mới được 12%. Cạnh đó là KCN Liên Chiểu rộng hơn 307ha, đi vào hoạt động suốt 12 năm qua cũng mới lấp đầy 47% đất, ruộng của dân bị thu hồi vẫn còn nguyên trong lòng KCN.

Ông Phạm Việt Hùng - trưởng Ban quản lý các KCN và KCX Đà Nẵng - cho biết hiện 5/6 KCN vẫn chưa hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng dù đã chiếm tới 1.170ha đất. Sáu tháng qua, các KCN này thu hút vỏn vẹn 10 dự án, trong đó 8 dự án trong nước nhưng lại thu hồi ba dự án do không triển khai. Thừa Thiên - Huế - nơi có lợi thế về phát triển du lịch, giáo dục - cũng không ngại dành 2.168ha xây dựng 6 KCN. Đến đầu năm nay, 6 KCN này thu hút 41 dự án với tổng vốn đăng ký gần 2.929 tỉ đồng, cho thuê được 272ha đất (hơn 10% tổng diện tích).

Sau đợt kiểm tra về quy hoạch, quản lý sử dụng vốn ngân sách tại 17 KCN chiếm hơn 3.000ha đất ở 9 tỉnh miền Trung Tây nguyên năm 2009, Bộ KH-ĐT cho hay chỉ có 10 KCN đang hoạt động với tỉ lệ đất cho thuê đạt khoảng 70%. Bộ cũng tiếp tục phải ghi nhận hàng loạt bất cập cả về tỉ lệ vốn thực hiện, suất đầu tư, thu hút lao động lẫn những phức tạp đất đai, mâu thuẫn khó giải quyết cả về môi trường, giao thông vận chuyển hàng hóa và dân sinh...

Chăn bò trong KCN Sông Hậu (huyện lai Vung, Đồng Tháp), nơi còn rất nhiều đất bỏ trống - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Tự làm yếu khi cạnh tranh  trực diện

Trong hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức ở Quảng Nam mới đây, phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ KH-ĐT) Trịnh Minh Vân so sánh: “Vốn FDI đăng ký của 96 dự án tại 22 KCN ở năm tỉnh, thành (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định) chỉ hơn 935 triệu USD, trong khi bốn khu kinh tế sinh sau đẻ muộn chỉ có 46 dự án vào nhưng số vốn đầu tư gần 5,3 tỉ USD, gấp 5 lần”.

Nay vẫn thấy những lý giải cũ vì sao nhiều nhà đầu tư đến miền Trung tìm hiểu rồi không quay lại, hoặc vào đầu tư rồi dứt áo ra đi, từ hạ tầng thấp kém, thiên tai đến thị trường nhỏ hẹp, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, chính sách chưa thật sự ưu đãi vượt trội. Làm KCN theo kiểu “dàn hàng ngang mà tiến”, toàn vùng mới chỉ thu hút được 3,8% số dự án và 9% vốn FDI cả nước.

Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao mới cho rằng để đánh thức tiềm lực dải đất miền Trung, chỉ có thể tìm được câu trả lời ở sự phối hợp và liên kết giữa các địa phương. Thực tế đã chứng minh tỉnh nào cũng muốn vượt lên trước, trở thành đầu tàu tăng trưởng, nên trở thành cạnh tranh trực diện gay gắt với nhau. “Xung đột về lợi ích thì khó dẫn đến hợp tác chân thành” - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cũng nhìn nhận.

Hi vọng chung của các địa phương miền Trung lại đặt lên bàn Chính phủ, mong Chính phủ đứng ra tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển để làm an tâm các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông tuy chia sẻ điều này và nhấn mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là khâu đột phá để giải quyết bài toán phát triển vùng song vẫn phải nhắc đi nhắc lại với các địa phương về “tuân thủ chặt chẽ điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập KCN, đặc biệt là điều kiện về tỉ lệ lấp đầy KCN và bảo vệ môi trường, rà soát và kiểm tra khả năng thực hiện các dự án đã được cấp phép để kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư”.

Nhà đầu tư đã bỏ đi

Chúng tôi biết một số nhà đầu tư KCN kỳ vọng vào sự sinh lời từ bất động sản chứ không vì mục đích phát triển KCN nên cần có những chỉnh sửa để không tạo ra hiện tượng này.

Việc phát triển KCN sắp tới cần tuân thủ những định hướng chính. Một là bảo đảm hình thành hệ thống KCN liên hoàn có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia, điều chỉnh phát triển các KCN trên các vùng bằng chính sách và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tránh quá tập trung tạo ra sự chênh lệch quá lớn về phát triển. Hai là phát triển KCN hiện có theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu bên trong qua đổi mới công nghệ... Ba là không phát triển KCN xen lẫn khu dân cư, trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định, phát triển KCN đi đôi với bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật về lao động trong KCN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư ĐẶNG HUY ĐÔNG

Bà Trương Tú Phương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại An, quản lý KCN Đại An (Hải Dương), cho hay KCN của bà đã chứng kiến nhà đầu tư bỏ sang nước khác. Nguyên nhân việc giảm sút đầu tư, theo bà Phương, là vì những ưu đãi đầu tư gần đây ở VN đã bị bãi bỏ. Những quy định mới của nghị định 69, cùng mức thuế mới đã khiến giá thuê đất ở VN cao hơn một số nước.

Foxconn, một tập đoàn điện tử lớn ở Đài Loan, từng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 5 tỉ USD vào VN trong vòng năm năm, đã “một đi không trở lại” sau khi đến KCN Tân Phú Trung (TP.HCM), “mục sở thị” con đường đi từ KCN này đến cảng và sân bay gập ghềnh đủ loại ổ gà, ổ voi. Một tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ cũng vừa đến TP.HCM khảo sát đặt nhà máy sản xuất, nhưng TP.HCM đã không thể tìm được một mảnh đất chừng 70ha theo yêu cầu của nhà đầu tư này.

Cán bộ tiếp thị của một KCN ở Quảng Ninh cho biết do thiếu lao động, một số nhà đầu tư Hàn Quốc đang xem xét lại kế hoạch đầu tư vào KCN của ông dù hai bên đã ký biên bản ghi nhớ từ năm ngoái.

Thu hút đầu tư không hiệu quả, một số KCN đã bị thu hồi giấy phép. Vừa nhận một KCN mới ở Bắc Ninh do chủ đầu tư cũ khó khăn về tài chính, dự án chậm triển khai bị thu hồi giấy phép, ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI), cho biết có rất nhiều chủ đầu tư dự án phát triển KCN đang gặp khó khăn do không thu hút được đầu tư và đặt vấn đề sang nhượng lại. Ông Tâm cho rằng chỉ có 20% KCN làm ăn có lãi và dự báo việc mua bán, chuyển nhượng KCN sắp tới sẽ diễn ra rất sôi động.

Thay áo cho KCN

Nhận định VN cần một chiến lược mới cho các KCN, những chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng những biểu hiện về suy giảm tính cạnh tranh của VN chỉ là bề nổi, chính việc chạy theo số lượng và dễ dãi trong cấp phép thành lập KCN mới làm ra nông nỗi. “Cần có một lối tư duy mới trong phát triển KCN mang tính nhảy vọt về chất, tính đến việc biến KCN như những điểm sáng du nhập, thích nghi và phát triển công nghệ quản lý, tổ chức sản xuất trong một nền kinh tế thị trường hiện đại và toàn cầu hóa” - VEPR nêu quan điểm.

Vấn đề nghiêm trọng nhất của KCN VN là mối liên kết rất yếu giữa các doanh nghiệp (DN) nước ngoài và DN trong nước. Theo VEPR, tuy hai khu vực DN này luôn có ý định tìm đến nhau nhưng vẫn chưa có sự tương hợp về năng lực, cung - cầu. Trong lần trả lời phỏng vấn của TTCT gần đây, người đứng đầu Intel VN đã thẳng thắn cho rằng trong 15 năm nữa, phần lớn DN trong nước vẫn chỉ có thể là những nhà cung ứng phụ trong chuỗi giá trị của Intel. Các DN Malaysia, Đài Loan và Trung Quốc đã đi trước DN VN một bước.

Đến giờ, DN trong nước vẫn chưa đánh giá đúng độ lớn của thị trường hình thành từ các DN nước ngoài trong các KCN. Và “Họ đã có dây mơ rễ má với nhau từ bên ngoài. Vào VN họ cũng kéo theo các công ty vệ tinh của mình. DN tư nhân trong nước chúng tôi đều tự bươn chải, làm sao có thể chen vào được chuỗi cung ứng của họ. Vấn đề là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của VN chưa bao giờ đề cập đến những ưu tiên cho mối liên kết này.

Lẽ ra nên có những chính sách ưu tiên, điều kiện ràng buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải liên kết với DN trong nước thay vì hô hào chung chung về chuyển giao công nghệ” - giám đốc một công ty cơ khí chuyên gia công tủ điện cho Tập đoàn GE (Mỹ) nhận xét. VEPR cảnh báo VN có thể sẽ còn phải chứng kiến nhiều nhà đầu tư rũ áo ra đi nếu “không có những chính sách đồng bộ trong việc xây dựng mối quan hệ giữa DN trong nước và nước ngoài”.

LÊ NGUYÊN MINH - VIỆT HÙNG

__________

Các khu công nghiệp của Việt Nam ở đâu trong hệ thống tạo mới quốc gia?

Với hiện trạng cơ sở hạ tầng tri thức không được quan tâm đầu tư đúng mức, các khu công nghiệp (KCN) đã không có được một vị trí đáng kể trong hệ thống tạo mới quốc gia của Việt Nam.

Cũng như hàng chục hộ khác, nông dân Lê Văn Thảo phá bức tường rào nhà mình để mở lối đi trong sinh hoạt hằng ngày xuyên qua KCN Sa Đéc (Đồng Tháp). Quy hoạch KCN này có dự án làm đường dân sinh 3m cặp theo tường rào KCN từ 11 năm trước, song đến nay vẫn không có động tĩnh gì - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trong hệ thống tạo mới quốc gia (National System of Innovation - NSI), các KCN có thể đóng một vai trò rất quan trọng nếu chúng được sắp đặt một cách hợp lý. KCN hội tụ những điều kiện hạ tầng tốt cho phát triển công nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là nơi cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động. Gắn liền với các KCN còn là một loạt yếu tố thể chế (như luật pháp, cơ chế quản lý và các chính sách hỗ trợ của chính phủ) và các hoạt động dịch vụ (an ninh, đào tạo, hải quan).

Các DN trong KCN có điều kiện tốt hơn các DN ở ngoài trong việc tiếp cận các DN nước ngoài và nhập khẩu công nghệ. Với một môi trường như vậy, KCN là nơi lý tưởng để hình thành các hiệu ứng tích cực, các liên kết giữa DN trong nước với DN ngoài nước, giữa DN với các viện nghiên cứu, trường đại học..., qua đó đóng góp đáng kể vào sự hình thành NSI.  

Coi trọng hạ tầng mềm

Hàn Quốc và Malaysia đã khai thác rất tốt khả năng tạo ra hiệu ứng tích cực của các KCN để phát triển NSI của mình.

Đối với Hàn Quốc, các khu chế xuất (KCX) là một công cụ để thu hút DN có công nghệ hiện đại của nước ngoài. KCX Masan là một thành công điển hình của nước này, tạo ra sự tương tác giữa DN nước ngoài và DN trong nước ở bên trong cũng như bên ngoài KCX.

Khi mới thành lập khu này (năm 1971), các DN trong nước chỉ cung cấp được 3% nguyên liệu và hàng hóa trung gian cho các DN trong KCX. Tỉ lệ này đã tăng lên 25% bốn năm sau đó và dần dần là 44%. Để phát triển các mối liên kết này, Hàn Quốc đã xây dựng xung quanh KCN các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu để hỗ trợ DN trong nước nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu cao của DN nước ngoài.

Với Malaysia, sau một thời gian tập trung thu hút đầu tư nước ngoài về mặt lượng, chính phủ nước này đã có những chính sách cải cách mạnh mẽ từ giữa thập kỷ 1980 để thu hút đầu tư nước ngoài về mặt chất. Malaysia xây dựng một kế hoạch tổng thể hướng đến việc phát triển sự liên kết giữa các công ty đa quốc gia (MNCs) và DN trong nước.

Các chính sách được xây dựng đồng bộ, từ khuyến khích trao đổi nhà thầu phụ để kết nối DN địa phương với MNCs, ưu đãi các công ty công nghệ cao khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện bởi chính người Malaysia, xây dựng Quỹ hỗ trợ kỹ thuật công nghiệp (ITAF) dành ưu đãi cho các DN có sản phẩm chứa 50% hoặc hơn nguồn lực trong nước..., thậm chí ban hành Luật phát triển nguồn nhân lực (năm 1992), theo đó các DN nhỏ được giảm thuế đánh vào chi phí đào tạo.

Kinh nghiệm từ hai quốc gia này cho thấy mặc dù có nhiều khuyến khích tài chính, có thể chế và cơ sở hạ tầng tốt, có thể thu hút nhiều FDI, tạo việc làm và tăng xuất khẩu, nhưng sự phát triển của các KCN không tự động đẩy mạnh các mối liên kết hiệu quả giữa nhà cung ứng trong nước và DN nước ngoài. Để làm được điều này, cả hai quốc gia đều đã phải xây dựng thêm chính sách hỗ trợ, coi các KCN là những hạt nhân quan trọng trong NSI.

Việt Nam: Những lát cắt rời rạc

Trong thập kỷ vừa qua, tổng lượng vốn FDI vào các KCN của VN đã tăng từ mức chỉ vài triệu USD năm 1991 lên khoảng 10 tỉ USD năm 2000 và 41 tỉ USD năm 2008. Các KCN đã thu hút hơn 3.360 dự án đầu tư nước ngoài, chiếm 35,7% tổng số dự án đầu tư nước ngoài và 36% tổng lượng vốn FDI cả nước (tính đến cuối năm 2008).

Mặc dù số lượng DN nước ngoài hiện diện trong các KCN VN ngày càng nhiều nhưng mối liên kết giữa chúng với các DN trong nước vẫn rất yếu. Sự thiếu liên kết này thể hiện ở chỗ các KCN luôn có thâm hụt thương mại, chênh lệch nhập khẩu - xuất khẩu ngày càng tăng, năm 2006 lên tới 4,5 tỉ USD.

Có vẻ như hầu hết các DN nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị từ công ty mẹ và các chi nhánh khác ở nước ngoài. Cơ sở sản xuất tại các KCN chỉ là nơi gia công để xuất khẩu nhằm tranh thủ các ưu đãi về thuế, giá thuê mặt bằng và nhân công rẻ.

Trong một nghiên cứu gần đây (Penrose và Đinh, 2010) tại Bình Dương - địa phương được xem là ngôi sao sáng nhất nước về phát triển KCN cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, khi khảo sát mối quan hệ giữa các DN nước ngoài với DN trong nước ở KCN Mỹ Phước, chúng tôi hầu như không thấy mối liên kết giữa hai khu vực DN này.

Hầu hết các DN nước ngoài tại đó đều xuất khẩu sản phẩm của mình song lại nhập khẩu phần lớn đầu vào cả về giá trị lẫn khối lượng, ngoại trừ vài DN khai thác nguồn tài nguyên ở VN, chẳng hạn như cao su. Không phải DN nước ngoài thành kiến gì với DN trong nước vì họ vẫn thường xuyên tìm kiếm các đối tác Việt qua các kênh khác nhau và được Becamex (chủ đầu tư KCN Mỹ Phước) hỗ trợ tích cực trong việc này.

Ngoài nguyên nhân năng lực công nghệ vẫn còn yếu của các DN trong nước, sự rời rạc giữa hai khu vực DN còn có nguyên nhân rất lớn là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng tri thức xung quanh các KCN.

Tại Bình Dương, chỉ thấy duy nhất một trường đại học với chức năng đào tạo nghề giống các trường đào tạo nghề khác thay vì một trung tâm tập trung tri thức để giải quyết các vấn đề phát sinh về công nghệ cũng như quản lý cho khu vực. Không thấy có viện nghiên cứu nào ở đây. Tất cả các công ty nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc đều không có cơ sở nghiên cứu tại chỗ, ngoại trừ bộ phận kỹ thuật giám sát và kiểm định chất lượng. Chiến lược về xây dựng các ngành công nghệ phụ trợ cấp tỉnh dường như ở con số không.

Khi hỏi về các ngành công nghiệp phụ trợ hay về chính sách để phát triển mối quan hệ giữa các DN trong nước và FDI, chúng tôi đã nhận được câu trả lời rằng một chính sách công nghiệp phụ trợ liên quan đến Bình Dương mới đang trong quá trình xây dựng, dù không rõ ai đang phát triển nó. Mặc dù chính phủ và chính quyền địa phương có đưa ra các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) và nguồn nhân lực nhưng cả những chương trình này cũng vẫn rất rời rạc, hiệu quả đem lại không nhiều.

Để có được một sản phẩm mới tới tay người tiêu dùng, DN phải kết hợp nhiều phần tử tri thức khoa học, công nghệ, tổ chức, luật lệ, nhu cầu... với nhau theo cơ chế thử sai. Đây là một quá trình phức tạp mà DN khó có thể làm một mình. Nó phải tương tác với các tổ chức khác để tiếp nhận các loại tri thức mà nó không sở hữu hoặc không thật sự tinh thông, bao gồm không chỉ các DN khác (nhà cung cấp, khách hàng, các đối thủ cạnh tranh) mà cả các trường đại học, các viện nghiên cứu, các ngân hàng đầu tư và các cơ quan chính phủ.

Để quá trình này diễn ra một cách chủ động, các quốc gia xây dựng hệ thống tạo mới quốc gia (NSI). Đây là một mạng lưới các tổ chức và thể chế, cả công lẫn tư, tương tác với nhau để thực hiện các hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, điều chỉnh và lan tỏa công nghệ mới.

Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và gần đây là Trung Quốc, hạt nhân của NSI là các DN trong nước có khả năng đổi mới và tương tác với các DN nước ngoài, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học.

ĐINH TUẤN MINH
(Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR)

__________

Đừng nghĩ cứ đặt tên là có khu công nghiệp

Là người tham gia khai sinh khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) ở phía Nam, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng cần phải có cách làm khác trong tình hình mới.

* Có người nói KCN-KCX đã hết thời, ý kiến của ông thế nào?

- KCN-KCX là công cụ của một giai đoạn, sự xuất hiện của nó có tính thời điểm, đến một lúc nào đó, dù không tròn trách nhiệm thì nó cũng hết giá trị sử dụng. Chúng ta hiện vẫn cần KCN nhưng phải có cách làm khác. Không thể chỉ đếm có bao nhiêu nhà máy làm ra bao nhiêu tiền là hết.

Khi KCX Tân Thuận mở màn thành công thì TP.HCM thực hiện chương trình tiến về biển Đông, từ đó sinh ra một loạt KCN khác sau 20 năm. Có thể nói, KCX Tân Thuận đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó, bây giờ không nên áp đặt gì thêm mà phải tính kế hoạch mới cho nó, tức là tính đến chuyện di dời hàng trăm nhà máy. Tôi thấy chưa ai lo việc này cả.

Tại sao phải theo mô hình KKT tự do? Vì nếu xuất - nhập mỗi món hàng là phải làm hàng lô thủ tục thì chả ai muốn vào. Đó là chưa kể tham nhũng: một container ra vào hiện phải đóng bao nhiêu tiền? Một KKT tự do là nơi người ta vào buôn bán không bị ràng buộc gì cả, trừ ma túy, vũ khí, chỉ cần một cú điện thoại thôi, còn lại có cả một bộ máy dịch vụ làm hết. Ta phải đồng ý để tất cả những nhà cung ứng dịch vụ trên thế giới vào, cho thuê rẻ tiền để có thể cạnh tranh được với Hong Kong, Singapore.

* Thực tế chúng ta vẫn cần KCN nhưng vì sao phần lớn các KCN hiện nay không hiệu quả, thưa ông?

- Xây dựng một KCN, KCX phải biết làm ra nó để làm gì ở hiện tại, 10 năm và 20 năm sau đó, nghĩa là những người thiết kế phải có tầm nhìn, phải tính đến những thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội để dự liệu xem sau này nó còn vai trò không... Bây giờ hỏi các KCN có còn giá trị không thì câu trả lời là tùy từng KCN và tùy nơi. Có nơi thấy rõ là có nhu cầu nhưng vì sao nhà đầu tư không đến, có thể vì thiếu các yếu tố cần như giao thông, lao động... Cũng có địa phương không cần nhưng vẫn làm hoặc cần nhưng không đủ yếu tố để phát huy công năng KCN.

TP.HCM là nơi vẫn cần KCN nhưng phải nhắm vào công nghệ cao. Làm cách nào để chuyển từ sản xuất hàng hóa cấp thấp sang cấp cao là bài toán lớn cần giải quyết trong tình hình mới. Tôi chưa thấy có dấu hiệu ai bắt tay làm. Đây là cả một chuỗi vấn đề phải giải quyết, chẳng hạn để chuyển hướng sang công nghệ cao thì hàng loạt chính sách phải ra đời.

* Chúng ta nói nhiều đến việc sa sút sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhưng theo ông, điểm nào là quan ngại nhất?

- Lao động. KCN mất hết sức hấp dẫn vì chúng ta vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu tư cấp thấp, những DN sử dụng lao động rẻ tiền. Lao động của chúng ta đâu phải vĩnh viễn rẻ tiền mãi được, trả lương thấp thì không có lao động nữa. Trong khi đó, nhà đầu tư không thể trả lương cao được vì sản xuất ra sản phẩm cấp thấp. Đó là một vòng luẩn quẩn. Vậy ép họ sản xuất sản phẩm giá trị cao được không? Không. Vì có ép cũng không có công nhân đủ trình độ đáp ứng. Thử hỏi sau 20 năm thu hút đầu tư cho KCN, chúng ta đã chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề cao cho giai đoạn mới chưa?

Phải có bước đi đồng bộ giữa sản xuất và đào tạo, nếu không những nhà máy mà cách đây 20 năm chúng ta hoan hô nó thì nay trở thành gánh nặng.

* Có nhà đầu tư đánh giá rằng chỉ 20% chủ đầu tư KCN là có lợi nhuận. Vậy sức hút nào khiến hàng trăm KCN vẫn mọc lên?

- Họ kỳ vọng vào lợi ích khác. Tôi biết hiện nay có người biết làm KCN thì không có đất làm, còn người không biết làm thì lại được giao đất, giữ đất đó, chờ bán lấy lời. Nhiều KCN tiếng là của tư nhân, nhưng là tư nhân “có gốc” nên được giữ đất chờ bán lại kiếm tiền, mấy ông làm KCN thật thì không thể phát triển vì làm sao có thể trả giá cao để làm. Tôi dám chắc bây giờ mà có chính sách cho chuyển đất làm KCN sang làm khu dân cư thì 80% chủ đầu tư KCN chuyển ngay. Nghĩa là nhiều người giữ chỗ để chờ bán.

* Có thuốc trị căn bệnh này không, thưa ông?

- KCN không hiệu quả thì đừng bao cấp nó. Nhà nước không nuôi nữa thì nó sẽ chết. Ai không làm được thì rút lại cho người khác, dứt khoát không cho chuyển công năng.

Đồng ý là KCN phải gắn với phát triển đô thị nhưng phải suy nghĩ ở tầm xã hội, không phải cứ đòi hỏi làm KCN thì phải cho thêm đất để làm khu dân cư, rồi phân lô bán nền hoặc xây chung cư bán lấy lời. Không trách DN được vì việc của họ là giữ đồng vốn. Trách nhiệm xã hội nằm ở chính sách nhà nước, phải hướng DN làm theo cho đúng. Là mèo thì để nó bắt chuột chứ đừng bắt nó phải kéo cả xe.

* Theo ông, chúng ta nên phát triển KCN theo hướng nào trong giai đoạn mới?

- Từ năm 2001, tôi đã đề xuất chuyển KCX Tân Thuận thành khu kinh tế (KKT) tự do nhưng chưa được quan tâm.

Mỗi nơi có đặc thù khác nhau nên cách làm cũng khác nhau. Chuyển đổi KCN sang KKT tự do là một cách, nhưng phải làm nghiêm túc và quỹ thời gian không dưới 10 năm. Hiện chúng ta gọi một số nơi là KKT nhưng khách hàng chúng ta không coi nó là KKT. Đừng nghĩ rằng đặt cái tên là đã có đúng cái đó. Bắt tay làm bây giờ vẫn kịp, nhưng vấn đề là có chịu làm hay không, có những chính sách rộng rãi như Hong Kong đang áp dụng chẳng hạn.

LÊ NGUYÊN MINH thực hiện

( Theo Tuổi Trẻ)

  • Nâng gấp bốn lần diện tích khu kinh tế Dung Quất
  • Các khu, cụm công nghiệp tập trung "Vỏ" hoành tráng, "ruột" xập xệ
  • Đầu tư vào KCX-KCN tại TP.HCM:FDI “chào thua” vốn nội
  • Khu công nghiệp - nghĩ khác làm khác
  • DN tại các KCN Cần Thơ: Phiền vì bị hành kiểm
  • Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế
  • Kinh tế tập thể Bình Dương: Lĩnh vực nào cũng có điển hình tiên tiến
  • Khu TM - CN Mộc Bài : Vẫn… vắng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container