Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư vào KCX-KCN tại TP.HCM:FDI “chào thua” vốn nội

Dòng vốn FDI đầu tư vào các KCX-KCN TP.HCM đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các địa phương lân cận. Ảnh: HÀ THANH
Đang có diễn biến trái chiều trong thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị lép vế trước dòng vốn nội.
 
Mặc dù tăng đến 91% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dòng vốn FDI chảy vào các KCX-KCN TP.HCM từ đầu năm đến nay chỉ đạt 94,11 triệu USD (bao gồm cả tăng vốn và cấp mới). Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trong nước lại có sự bứt phá với số vốn 225,44 triệu USD, tăng 239% so với cùng kỳ năm 2009. Dẫu chỉ tiêu mà Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA) đưa ra cho cả năm 2010 là phải thu hút được 638 triệu USD, trong đó vốn FDI và trong nước là 50:50, nhưng thực tế đã cho thấy, tỷ trọng vốn FDI đạt được là khá thấp.

Theo ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng ban HEPZA, nguyên nhân dẫn đến sự cầm chừng của dòng vốn FDI là do trong những năm gần đây, các dự án thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường, trình độ công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng không còn được khuyến khích. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư mới và mở rộng khi vào các KCX-KCN TP.HCM đã không còn như trước đây. Trong khi đó, các nhà đầu tư nội địa đã nắm được cơ hội trong khủng hoảng để khởi nghiệp, cũng như nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ cao với giá rẻ, nên đã có sự bứt phá trong mở rộng sản xuất - kinh doanh .

Một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra ở các KCX-KCN TP.HCM là quy mô đầu tư của các dự án FDI dường như đang nhỏ dần. Trong 2 năm trở lại đây, ít thấy sự xuất hiện của những dự án lớn. Trong 12 dự án được cấp mới từ đầu năm đến nay, với tổng vốn đăng ký 48,74 triệu USD, chỉ có 4 dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn như Bosch (Đức), Samsung Electronic (Hàn Quốc) từng tìm đến, nhưng rồi lại ra đi do chưa thoả mãn nhu cầu về cơ sở hạ tầng, diện tích đất cho thuê chưa đủ lớn, cũng như giá thuê đất vẫn còn cao.

Trái với dòng vốn FDI, suất đầu tư trên mỗi dự án của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng. Nếu lấy 26 dự án được cấp mới từ đầu năm đến nay chia cho số vốn 170,71 triệu USD thu hút được, thì quy mô mỗi dự án của doanh nghiệp trong nước xấp xỉ 6,5 triệu USD là rất khả quan. Con số này phản ánh sự nhanh nhạy của các nhà đầu tư trong nước sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Xu thế này, theo HEPZA, sẽ tiếp tục được duy trì và khởi sắc trong thời gian tới.

Có thể nói, lợi thế trong thu hút đầu tư vào các KCX-KCN TP.HCM, nhất là lĩnh vực FDI, đang bị cạnh tranh khốc liệt từ chính các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (diện tích đất cho thuê tại các địa phương này còn nhiều, trong khi diện tích đất cho thuê tại 13 KCX-KCN ở TP.HCM chỉ còn không quá 30%).

Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 22 KCX-KCN và thời gian qua, Thành phố cũng đã triển khai 7 KCN mới, nhưng tiến độ chưa đạt như mong muốn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, đa phần các KCN như Phong Phú, Tân Phú Trung, Tân Bình mở rộng, Đông Nam, Hóa dược Phước Hiệp đều đang trong giai đoạn tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, nên chưa thể tiếp nhận nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp FDI luôn tìm những địa điểm để triển khai dự án sao cho có hiệu quả nhất. Điều này, ngoài nỗ lực riêng của HEPZA, còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách vĩ mô của Chính phủ, cũng như chính quyền TP.HCM. Để giữ chân nhà đầu tư, nhất thiết phải tạo nhà đầu tư một nơi đến ổn định và bền vững”, ông Phước nói.

(Theo Ngô Ngãi // Báo đầu tư)

  • Khu công nghiệp - nghĩ khác làm khác
  • DN tại các KCN Cần Thơ: Phiền vì bị hành kiểm
  • Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế
  • Kinh tế tập thể Bình Dương: Lĩnh vực nào cũng có điển hình tiên tiến
  • Khu TM - CN Mộc Bài : Vẫn… vắng
  • Thu hút đầu tư ở Đồng Nai : “Nút thắt” khó gỡ
  • Đầu tư vào khu chế xuất-khu công nghiệp tăng 176%
  • Các khu công nghiệp: Chưa được kiểm soát về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container