Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đòn bẩy của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã chọn Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) làm khu lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước sau rất nhiều đắn đo. Kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD) đi vào hoạt động từ tháng 2.2009 đến nay, ngành công nghiệp mới mẻ này đã thật sự là đòn bẩy của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sức lan tỏa


Tại cuộc hội thảo bàn về các giải pháp thu hút đầu tư cho các tỉnh thuộc vùng trọng điểm kinh tế miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định mới đây, các nhà quản lý một lần nữa khẳng định, NMLD Dung Quất cũng như KKT Dung Quất vẫn là hạt nhân làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển của cả khu vực. Thực tế cho thấy, những gặt hái ban đầu của NMLD Dung Quất kể từ khi đi vào sản xuất các loại sản phẩm thương mại đã chứng minh tính chính xác của việc chọn lựa Dung Quất làm nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp sinh sau đẻ muộn này của đất nước.

Sau khi bị trục trặc trong liên danh với Nga, NMLD Dung Quất gần như bị “quên lãng” suốt 7 năm kể từ năm 1998. Theo đó, hàng loạt các dự án đầu tư vào hai KKT Chu Lai của Quảng Nam và Dung Quất của Quảng Ngãi cũng bị các nhà đầu tư quay lưng. Thế nhưng, kể từ năm 2005, khi dự án này được tái khởi động, gần 100 dự án đã triển khai tại khu vực này. Chỉ tính riêng KKT Dung Quất, đã có 10 tỉ USD cho các dự án đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai trong 5 năm qua. Sức lan tỏa của khu lọc hóa dầu đã kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các dịch vụ du lịch và ăn uống. Ngành hàng không cũng chịu sự tác động từ các khu kinh tế này. Phục hồi sân bay Chu Lai và mở các đường bay đi và đến Chu Lai-TPHCM-Hà Nội là một ví dụ.

Thay đổi diện mạo cho một vùng đất

Mới sản xuất thương mại từ tháng 5.2010, nhưng NMLD Dung Quất đã sản xuất được 7,2 triệu tấn sản phẩm, đảm bảo 1/3 nhu cầu về xăng dầu cho cả nước, góp phần quan trọng vào việc hạ nhiệt nhập siêu cho quốc gia. Nếu như năm 2005, tỉnh Quảng Ngãi chỉ thu ngân sách 600 tỉ đồng thì đến năm 2010 này, thu ngân sách đã vọt lên 15.600 tỉ, trong đó riêng NMLD Dung Quất chiếm tới trên 14.000 tỉ, đưa Quảng Ngãi lọt vào top 7 có nguồn thu lớn nhất trong cả nước. Ông Nguyễn Hoài Giang - Tổng Giám đốc Cty lọc hóa dầu Bình Sơn - cho biết, chỉ trong vòng 10 năm hoặc có thể sớm hơn, NMLD Dung Quất sẽ trả xong số nợ mà dự án đã vay. Chính vì hiệu quả của dự án, nên Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đã quyết định mở rộng, nâng công suất của nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn/ năm với số vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD nữa.

Diện mạo của một vùng đất quanh năm khó nghèo như Dung Quất nhờ đó đã thay đổi hẳn. Mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng của hơn 550 công nhân người Quảng Ngãi đã là con số thật sự hấp dẫn đối với người dân vùng đất này. Nếu có còn chút băn khoăn nào về dự án này thì đó là việc còn khá nhiều người dân đã nhường đất cho dự án NMLD Dung Quất hiện đang sống tại các khu tái định cư vẫn chưa “tốt hơn nơi ở cũ”, thậm chí kém hơn, con cái của họ vẫn không có việc làm vì đất đai đã bị thu hồi.

(Báo Lao Động)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container