Trên thế giới, mô hình các KCN sinh thái hay còn gọi là KCN xanh được áp dụng ở nhiều nước, nhất là các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển…Ở Việt Nam, ý tưởng về mô hình KCN sinh thái đã có, song để trở thành hiện thực, còn không ít vấn đề phải lưu tâm.
Mô hình KCN-công viên
Ông Phạm Hồng Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec, chủ đầu tư dự án KCN Nam Cầu Kiền (Vinashin-Shinec), có ý tưởng xây dựng dự án KCN Nam Cầu Kiền thành một KCN xanh hay KCN sinh thái, hài hòa, an sinh nông thôn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Đây là đề án xây dựng mô hình sản xuất khép kín, giải quyết việc làm cho người nông dân bị mất đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho họ, bảo đảm thực phẩm sạch cho người lao động trong KCN.
Theo đó, KCN được xây dựng theo mô hình KCN-công viên. Trong KCN sẽ quy hoạch riêng một khu công viên. Tường ngăn giữa các doanh nghiệp sẽ là những bức tường cây xanh thay vì xây bằng gạch, bê tông. Trong KCN có trạm xử lý nước thải. Ngoài KCN, các vùng lân cận sẽ được quy hoạch như vùng đệm và cung cấp thực phẩm sạch cho KCN. Với diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi, người nông dân vẫn có thể bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình. Chủ đầu tư KCN giúp đỡ, hướng dẫn bà con trồng rau, màu, ngũ cốc và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với kỹ thuật, công nghệ cao và công nghệ sạch. Sản phẩm do bà con làm ra được KCN tiêu thụ ổn định thông qua mạng lưới thu mua, chế biến và phân phối. Ưu điểm của mô hình là người nông dân trình độ văn hóa thấp, quá tuổi đào tạo nghề mới vẫn có việc làm tại vùng đệm các KCN, tận dụng diện tích đất còn lại chung quanh KCN. Chủ đầu tư cam kết xây dựng hạ tầng KCN phù hợp với địa hình vùng và lập vành đai xanh chống ô nhiễm môi trường khu vực; xử lý triệt để các nguồn chất thải trong KCN, hỗ trợ xử lý chất thải cho dân cư vùng đệm, tổ chức các hoạt động thân thiện với môi trường…Để thực hiện thành công mô hình này, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với nhân dân khu vực có đất bị thu hồi cũng như với chủ đầu tư xây dựng KCN sinh thái, bởi tỷ suất đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó là các chính sách ở tầm vĩ mô như ổn định quy hoạch. Về mặt lý thuyết, đây là mô hình lý tưởng.
Đây là mô hình rất tốt
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp, có khá nhiều vấn đề đặt ra phải giải quyết. Đó là quy hoạch “vùng đệm” ổn định, lâu dài và không bị phá vỡ bởi các dự án khác. Quy hoạch phát triển KCN phải hài hòa với quy hoạch chung và quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài việc xử lý nước thải trong KCN, cần xử lý nước thải trong khu dân cư liền kề; quản lý đầu tư vào KCN để không phá vỡ quy hoạch và mục tiêu môi trường đặt ra; quan tâm xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN; xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ chung quanh các KCN để đời sống người lao động ngày càng tốt hơn…Các vấn đề trên liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì vậy phải có sự đồng bộ về đầu tư, cơ chế, chính sách và sự phối hợp giữa các ngành, cấp; sự chấp hành nghiêm luật pháp và ý thức trách nhiệm cộng đồng cao của các doanh nghiệp đầu tư vào KCN. Có như vậy, mục tiêu và ý tưởng phát triển các KCN xanh, sạch, đẹp và bền vững mới trở thành hiện thực.
Như vậy, bên cạnh hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh, cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính, quan trọng là quy trình sản xuất áp dụng trong KCN phải là công nghệ sạch, công nghệ cao. Công tác quản lý hóa chất, rác, chất thải, nguồn nước và nước thải, quản lý cháy nổ trong KCN phải đạt được hiệu quả cao. Giữa các doanh nghiệp trong KCN với nhau và với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cũng phải thân thiện, phối hợp nhịp nhàng. Trình độ cán bộ quản lý và cán bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu…Thỏa mãn các yêu cầu này, doanh nghiệp trong các KCN sẽ được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về môi trường (ECO) và nhãn hiệu thân thiện với môi trường trong xuất khẩu hàng hóa và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh: Phát triển bền vững các KCN, khu chế xuất là vấn đề mang tính xã hội lớn, liên quan đến an sinh xã hội. Bảo đảm cho người nông dân có đất bị thu hồi có thể sống tốt bằng chính sức lao động và nghề nghiệp của họ, trên mảnh đất còn lại của mình có ý nghĩa đặc biệt. Muốn vậy, sản phẩm của nông dân làm ra phải trở thành hàng hóa, có sức tiêu thụ tốt. Thực hiện mô hình này cần sự kết hợp của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông. Nhà nước sẽ nghiên cứu các chính sách phù hợp, hỗ trợ việc mở trường đào tạo nghề cho nông dân, tổ chức các trung tâm khuyến công, khuyến nông…Nếu thực hiện được, đây sẽ là mô hình rất tốt cho sự phát triển các KCN ở nước ta. |
(Theo Mai Hương // Báo Hải Phòng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com