Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong những năm qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư xây dựng Khu Kinh tế-Thương mại Đặc biệt (KT-TMĐB) Lao Bảo phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội; tạo dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ đời sống của nhân dân trong khu vực. Việc thu hút đầu tư cũng đạt được những kết quả quan trọng làm tiền đề cho bước phát triển tiếp theo, đón đầu trong khai thác lợi thế đầu cầu của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) để hội nhập và phát triển.
Khu KT-TMĐB Lao Bảo: 10 năm phát triển
Trước năm 1998, địa bàn Khu Thương mại Lao Bảo là một khu vực miền núi heo hút, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, người dân chưa có nước sạch, thiếu điện sinh hoạt, giao thông cách trở,... là địa bàn thuộc một huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật không đáng kể hoặc tạm bợ. Năm 1997: cơ cấu kinh tế của huyện Hướng Hoá: nông nghiệp chiếm 72,1%, công nghiệp xây dựng 10,4%, thương mại dịch vụ 17,5%; thu nhập bình quân đầu người 1,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện chiếm 61,5%; tổng thu ngân sách 6,4 tỷ đồng/năm.
Sau 10 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Khu KT-TMĐB Lao Bảo có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong giai đoạn 2000-2007 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của Khu KT-TMĐB Lao Bảo đạt 27,5%. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2007 đạt 1.003 tỷ đồng tăng 7 lần so với năm 1997. Giá trị sản xuất bình quân đầu người giá hiện hàng năm 2007 đạt 50 triệu đồng/người tăng gần 9 lần so với năm 1999 (5,7 triệu đồng).
Về thương mại - dịch vụ, phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng cũng như các loại hình kinh doanh, làm cho môi trường kinh doanh thương mại tại khu vực ngày càng sôi động, ngày càng thể hiện rõ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ du lịch với thị trường trong tỉnh, cả nước và một số nước trong khu vực. Hệ thống các Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải và các loại hình dịch vụ khác được đầu tư phát triển mạnh từng bước đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên địa bàn. Tỷ trọng bằng 56,7% tổng giá trị sản xuất các ngành.
Về xuất nhập khẩu, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thời kỳ 2001-2007 tăng 14,4%/năm, trong đó thời kỳ 2006-2007 tăng 47,8%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2000 đạt 58 triệu USD, trong đó xuất khẩu 31 triệu USD và nhập khẩu 27 triệu USD; đến năm 2007 tăng lên đạt 148,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 26,9 triệu USD và nhập khẩu đạt 121,6 triệu USD. Bên cạnh đó các hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu... cũng diễn ra sôi động tại khu vực. Đặc biệt, việc xuất nhập cảnh và du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng khách và phương tiện làm thủ tục xuất nhập cảnh tăng lên. Nhịp độ tăng lượng người xuất nhập cảnh thời kỳ 2001-2007 là 26,3%/năm, trong đó xuất cảnh tăng 26,5%/năm và nhập cảnh tăng 26,1%/năm; sau sự kiện khánh thành cầu Hữu nghị II đánh dấu thông tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) trong 2 năm 2006-2007 khách du lịch đến với khu vực tăng mạnh với 44,8%/năm, trong đó xuất cảnh tăng 42,8%/năm và nhập cảnh tăng 47%/năm.
Về phát triển công nghiệp, đã có sự phát triển vượt bậc, nhịp độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2000 - 2007 đạt 32,5%. Khi mới hình thành, hầu như chưa có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào, đến nay đã có hàng chục nhà máy xí nghiệp đầu tư đưa vào hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sản xuất nước tăng lực, nước tinh lọc; săm lốp xe đạp, xe máy; lắp ráp xe máy điện, điện thoại di động; chế biến nông sản xuất khẩu; sản xuất tấm lợp, vật liệu xây dựng... Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo năm 2005 đạt 200 tỷ đồng; năm 2006 đạt 250 tỷ đồng, năm 2007 đạt 310 tỷ đồng và năm 2008 ước đạt 400 tỷ đồng, bằng khoảng 35-40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn Tỉnh.
Đặc biệt, khi mới hình thành Khu KT-TM Lao Bảo chỉ có 12 doanh nghiệp, dự án đầu tư SXKD không đáng kể, đến nay đã có trên 250 doanh nghiệp và trên 50 dự án SXKD với tổng số vốn đăng ký gần 2.300tỷ, trong đó 27 dự án đã đi vào hoạt động, nhiều dự án đang triển khai. Số hộ kinh doanh cá thể trong 10 năm qua cũng tăng hơn 1000 hộ nâng tổng số hộ kinh doanh hiện có lên 2200 hộ. Sự tham gia hoạt động của các doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ lao động vùng núi.
Giải pháp phát triển trong thời gian tới
Quyết định 24/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số một số chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, trong đó xác định “Ưu tiên đầu tư Khu KT-TMĐB Lao Bảo để mở rộng giao lưu buôn bán, phát triển du lịch tăng cường dịch vụ với các nước trong khu vực... Đầu tư xây dựng Khu kinh tế TMĐB Lao Bảo theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Ưu tiên phát triển du lịch theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây... “; Quyết định 864/QĐ-TTg ngày 09/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, theo đó xây dựng Lao Bảo là Thành phố nằm trong hệ thống đô thị động lực cấp I; Nghị quyết 06/NQ-TU của Tỉnh uỷ về đầu tư khai thác EWEC của tỉnh uỷ Quảng Trị đã xác định Khu KT-TMĐB Lao Bảo là Vùng động lực của tuyến động lực... Đó là các mục tiêu chính phải đạt được, vì vậy cần phải có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Trước hết,về cơ chế chính sách: xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đủ mạnh để điều chỉnh mọi hoạt động phát sinh tại Khu KT-TMĐB Lao Bảo, tránh tình trạng chồng chéo vướng mắc như thời gian qua. Nghiên cứu xây dựng cơ chế liên Chính phủ Việt - Lào tạo cơ sở pháp luật thông thoáng và tạo sự tương tác để thúc đẩy sự phát triển của hai Khu KT-TMĐB Lao Bảo và Khu Kinh tế Đensavẳn (Lào).
Thứ hai,về phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội: huy động và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến đầu tư nhằm huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư cho phát triển SXKD.
Về thương mại - dịch vụ và du lịch: ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Khu KT-TMĐB Lao Bảo. Do đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng các hạng mục khác tại Trung tâm thương mại dịch vụ quốc tế Lao Bảo. Tại đây sẽ phát triển mạnh thương mại dịch vụ cao cấp và hiện đại xứng tầm và đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế gắn với Trung tâm thương mại dịch vụ quốc tế Lao Bảo, với chợ trung tâm, các cửa hàng dịch vụ, nhà hàng. Đây là trung tâm buôn bán xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo giới thiệu hàng hoá, gia công tái chế làm tăng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu và các dịch vụ như: chợ (trung tâm hoạt động thương mại), các văn phòng đại diện, các siêu thị, cửa hàng miễn thuế, các trung tâm công cộng và quản lý (hải quan, bưu điện, ngân hàng, bảo hiểm).
Về công nghiệp: Khu KT-TMĐB Lao Bảo tập trung phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương hoặc khu vực phụ cận, hàng hoá tiêu dùng, chế biến nông lâm sản, thực phẩm...gia công, đóng gói phục vụ xuất nhập khẩu và phát triển công nghiệp năng lượng (thuỷ điện nhỏ). Sẽ xây dựng tại khu vực này một số nhà máy lắp ráp xe đạp, xe máy, gia công các mặt hàng điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, chế biến lương thực, thực phẩm, bia, nước giải khát, thức ăn gia súc, nước đá, may mặc, đóng gói, bao bì...
Về nông lâm nghiệp: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, đa dạng hoá sản phẩm, áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động nông thôn, đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo bước chuyển biến về chất trong sản xuất nông, lâm và phát triển mạnh kinh tế nông thôn.
Thứ ba, về công tác đối ngoại: tiếp tục củng cố tình đoàn kết hữu nghị gắn bó keo sơn và thuỷ chung son sắt giữa hai nước Việt - Lào, củng cố mối quan hệ hữu nghị với các huyện bạn kết nghĩa, giữ vững an ninh biên giới chung. Tiếp tục giúp đỡ quảng bá thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Đensavẳn (Lào). Phát huy thế mạnh của cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, hành lang Đông - Tây phối hợp tổ chức các hoạt động quản lý tốt khu vực biên giới chung giữa hai nước./.
(ThS. Nguyễn Quốc Thanh- Tạp chí kinh tế và dự báo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com