Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu công nghiệp sinh thái- “Nóng” từ thực tiễn (kỳ 1)

 

Đến cuối năm 2008, cả nước có 219 Khu công nghiệp (KCN) được thành lập với diện tích hơn 61 nghìn ha. Các KCN đang hoạt động  xả ra môi trường 225.000 m3 nước thải công nghiệp mỗi ngày, trong đó, chỉ có 30% lượng nước thải được xử lý.


Đó là những thông tin từ hội thảo về nghiên cứu, xây dựng mô hình mạng lưới KCN hài hòa, an sinh nông thôn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững  vừa được tổ chức tại Hải Phòng, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp.

 

Chưa đạt tiêu chí môi trường

 

219 KCN trong cả nước thu hút 2.250 dự án FDI với vốn đầu tư đưa vào thực hiện 16,2 tỷ USD, bằng 38% tổng vốn đăng ký; 2.258 dự án đầu tư trong nước,  vốn thực hiện hơn 120 nghìn tỷ đồng, bằng 49% tổng vốn đăng ký. Tại Hải Phòng, các KCN đang hoạt động là Đình Vũ, Nomura, Đồ Sơn, Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền thu hút hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. KCN An Dương đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. KCN Nam Đình Vũ 1 và 2 dự kiến khởi công trong quý 3 tới.

 


Bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động của các KCN trong cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng đang bộc lộ nhiều mặt trái, nhất là làm xấu chất lượng môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều KCN mới chú trọng thu hút đầu tư, lấp đầy mặt bằng, chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường. Tại Hải Phòng, chỉ có 2/5 KCN đang hoạt động là Nomura và Đình Vũ có hệ thống xử lý nước thải, nhưng lượng nước thải  không nhiều. Hiện KCN Nomura có lượng nước thải trung bình 1.600 m3 ngày/ đêm; KCN Đình Vũ có 2 trạm xử lý nước thải di động, công suất 100 m3 ngày/ đêm, song lượng nước thải của các doanh nghiệp cũng mới đạt 30-40% công suất. Theo Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên- Môi trường) Nguyễn Xuân Bảo Tâm, các KCN có quy mô từ 100- 400 ha sẽ có lượng nước thải công nghiệp từ 3.000- 10.000 m 3 ngày/đêm. Tại Hải Phòng, qua kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên-Môi trường, môi trường nước các hồ Quần Ngựa, An Biên, Tiên Nga, Hồ Sen, Tam Bạc, kênh An Kim Hải…đang bị ô nhiễm nặng, nguồn  cung cấp nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt như sông Giá, sông Đa Độ, sông Rế  đều có dấu hiệu bị ô nhiễm.

 

Hệ thống cây xanh có tác dụng bảo vệ môi trường cũng chưa được chú ý. Hầu hết KCN chưa trồng đủ tỷ lệ cây xanh theo quy định. Các KCN hình thành từ trước chưa chú trọng nhiều đến việc trồng cây xanh. Các KCN mới, việc trồng cây xanh không phải là mục tiêu hàng đầu, chỉ sau khi hoàn thành thu hút đầu tư, hoặc do các chủ đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động mới trồng một ít cây cảnh quanh khuôn viên doanh nghiệp. Việc xử lý khí thải cũng vậy, chỉ các doanh nghiệp bắt buộc phải có hệ thống xử lý khí thải như sản xuất phôi thép, xi măng và các chất độc hại khác mới chịu xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Song, việc xử lý khí thải ở nhiều doanh nghiệp chưa triệt để và để “tiết kiệm” chi phí, có thể không vận hành hệ thống này. Còn về chất thải nguy hại, theo Sở Tài nguyên- Môi trường, đến nay, toàn thành phố có 61 doanh nghiệp đăng ký có chất thải nguy hại, trong đó, có 13 doanh nghiệp ở  KCN Nomura và 3 doanh nghiệp tại KCN Đình Vũ.

 

Thực trạng trên cho thấy, các chủ đầu tư đều tìm cách trì hoãn, hoặc cắt giảm các hạng mục về bảo vệ môi trường để giảm tỷ suất đầu tư.

 

An sinh xã hội chưa như mong muốn

 

Thực tế cho thấy, rất ít hộ dân bị thu hồi đất tìm được việc làm ngay tại KCN xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình họ trước đây, do không đáp ứng yêu cầu về tay nghề, độ tuổi, trình độ văn hóa…Tại huyện Thủy Nguyên, địa phương đang trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mạc Văn Khớ, riêng năm 2008, Thủy Nguyên có 39 dự án phải giải phóng mặt bằng với diện tích đất bị thu hồi 964,6 ha, số tiền bồi thường hơn 1.300 tỷ đồng, liên quan đến 10.572 hộ dân. Song số lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN chẳng đáng là bao. Nguyên nhân là do phần lớn họ ở độ tuổi 30-55 tuổi, trình độ văn hóa thấp, việc đào tạo nghề khó khăn. Đây cũng là tình trạng chung của các địa phương có nhiều đất bị thu hồi phục vụ dự án KCN, cũng như các dự án sản xuất công nghiệp và giao thông khác ở các quận Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh;  huyện Kiến Thụy, An Dương…

 

Đa số người dân khi tiếp nhận các thông tin về dự án công nghiệp, KCN đều băn khoăn, lo lắng khi đất nông nghiệp bị thu hồi, họ sẽ sinh sống thế nào; tác động của khói, bụi, nước thải, rác thải và cả vấn đề an ninh trật tự đối với đời sống ra sao? Một số địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh như thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên), 3 xã ven quốc lộ 10 Tân Tiến, An Hồng, An Hưng (huyện An Dương) có hiện tượng gia tăng số người mắc các bệnh đường hô hấp, người chết do  bệnh ung thư, nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ về tình trạng này. Và ngay cả các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội cũng băn khoăn trước thực tế, người dân thường sử dụng tiền đền bù đất mua sắm nhà cửa và tiện nghi sinh hoạt, ít chú trọng đầu tư sản xuất, kinh doanh dễ dẫn tới tái nghèo, thất nghiệp và nhiều vấn đề xã hội khác. 


(Theo Mai Hương // Báo Hải Phòng)

  • Khu công nghiệp sinh thái- “Nóng” từ thực tiễn (kỳ cuối)
  • Kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng
  • 5,3 nghìn tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải
  • Quy hoạch đồng bộ hạ tầng cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng
  • KCN Hiệp Phước xin xây nhà máy thiêu rác tại chỗ
  • Thành lập Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh
  • Khởi công khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên tại Việt Nam
  • Khu Kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo: Động lực trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container