Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài toán nhập nguyên liệu nông sản

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một nhà máy ở Long An. Ảnh: Lê Toàn.

Dù đang vào vụ thu hoạch bắp (ngô), nhưng gần một tháng nay, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) ở Đồng Nai, vẫn không mua được 10.000 tấn bắp, số lượng cần dùng để sản xuất TACN trong một tháng của Thanh Bình.

“Phòng thu mua của tôi đã làm việc hết công suất vẫn không mua đủ số lượng này. Trong khi đó, chỉ cần lên mạng đặt hàng, chưa đến một tuần, số lượng bắp này đã về đến công ty”, ông Bình nói.

Công ty Thanh Bình là trường hợp khó khăn điển hình mà các doanh nghiệp chuyên sản xuất TACN đang gặp phải.

Vì thiếu nguyên liệu đầu vào, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp về để chế biến xuất khẩu. Tình trạng này đã dẫn đến việc ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào hỗ trợ cho ngành xuất khẩu nông sản đã “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm qua.

Nhập khẩu toàn bộ

Thực trạng phát triển của ngành TACN cho thấy những bất cập của ngành bắt nguồn từ những chính sách quản lý nông nghiệp của Nhà nước trong thời gian qua. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 240 nhà máy chế biến TACN đang hoạt động, sản lượng trung bình đạt khoảng 10 triệu tấn mỗi năm. Trong sáu tháng đầu năm 2010, toàn ngành đã sản xuất được 4,9 triệu tấn TACN.

Nhưng có một thực tế đáng buồn, theo ông Bình, một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất TACN, lẽ ra Việt Nam có thể sản xuất được nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. “Không phải chúng tôi không muốn sử dụng nguyên liệu nội địa, nhưng muốn mua cũng không có mà mua...”, ông nói.

Ông Bình phân tích, nguyên liệu sản xuất TACN được chia ra thành ba nhóm. Nhóm năng lượng gồm bắp, mì, cám gạo, lúa mì, khoai mì lát. Nhóm thứ 2 là đạm, như đậu nành, bột cá, bột thịt. Nhóm thứ 3 có khoáng và vitamin.

Để sản xuất ra TACN thành phẩm, các công ty nhập khẩu tới trên 80% lượng nguyên liệu từ nước ngoài. Sản lượng bắp chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.

Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu, doanh nghiệp phải nhập 90-95%. Các chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%. Nhóm sản phẩm năng lượng, trước đây, Việt Nam tự chủ được khoai mì, cám gạo và bắp, nhưng hiện nay ngành chăn nuôi phải nhập từng ký khoai mì về chế biến TACN, khoai mì trong nước sản xuất ra lại dùng để sản xuất ethanol. Hiện tại, giá khoai mì trên 5.000 đồng/ki lô gam, mức giá này quá cao để làm nguyên liệu sản xuất TACN.

Thêm một nghịch lý nữa mà ông Bình nêu ra, khi nền kinh tế Việt Nam chưa mở cửa, ngành chăn nuôi trong trong nước tự chủ được 100% nguồn nguyên liệu TACN. Những năm gần đây, tỷ lệ này đảo ngược khi từ 70-80% nguyên liệu phải nhập từ bên ngoài. Cho đến hiện tại, ngành chăn nuôi phải nhập khẩu đến hơn 90% nguyên liệu cho ngành chế biến TACN.

Trong năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,1 tỉ đô la Mỹ các loại TACN và nguyên liệu. Trong đó trên 1 tỉ đô la Mỹ để mua khô dầu đậu tương, trên 300 triệu đô la Mỹ mua bắp, trên 280 triệu đô la mua bột cá, xương thịt... Tỷ lệ này đã không ngừng tăng lên, theo Tổng cục Hải quan, tám tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu đã lên đến 1,475 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2009.

Sản xuất chế biến thuốc thú y cũng là một trong những ngành quan trọng hỗ trợ cho ngành chăn nuôi gia súc, thủy sản xuất khẩu, Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc từ bên ngoài. Hiện ngành thuốc thú y của Việt Nam cũng phải nhập khẩu 100% nguyên liệu thuốc thú y. Ông Phạm Quang Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thuốc thú y Trung ương (Navetco), cho biết toàn bộ hóa chất nguyên liệu những loại thuốc khử trùng, sát trùng môi trường nước, Việt Nam đều phải nhập vì chưa sản xuất được. Mỗi năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nhập khẩu từ 500-600 tấn, chỉ tính riêng các loại thuốc dành cho ngành thủy sản.

Vì sao các doanh nghiệp trong nước không làm được những loại thuốc này? Ông Thái cho rằng, hiện Việt Nam vẫn chưa sản xuất được hóa chất và nguyên liệu dùng trong ngành sản xuất thuốc thú y, nên việc nhập khẩu nguyên liệu là điều tất yếu.

Khi nào tiềm năng mới trở thành thực tế?

Nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất được những nguyên liệu đầu vào hỗ trợ cho ngành nông nghiệp trên cơ sở đưa ra những chiến lược đúng và cụ thể.

“Thiếu hụt nguyên liệu TACN, tôi muốn nói thẳng là do chính sách vĩ mô của ngành nông nghiệp”, ông Bình nói. Nhiều năm qua, dù ngành sản xuất TACN lâm vào tình trạng đói nguyên liệu dài hạn, nhưng diện tích trồng bắp không những không được mở rộng mà ngày càng thu hẹp thêm. Hiện ngành chăn nuôi vẫn chưa có định hướng phát triển cụ thể và đầu tư dài hạn.

Ông Vũ Bá Quang, Phó giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), một chuyên gia về TACN, cũng chỉ ra rằng, bất cập lớn nhất của ngành sản xuất TACN là do năng suất thâm canh của các loại nguyên liệu chính như bắp, đỗ tương... còn quá thấp so với thế giới. “Một héc ta trồng bắp ở Mỹ đạt đến gần 20 tấn, còn ở Việt Nam chỉ trên dưới 5 tấn”, ông Quang nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam khó có thể phát triển được ngành công nghiệp TACN nếu diện tích quá manh mún và nhỏ lẻ như hiện nay. Sản lượng thấp, chi phí nguyên liệu tăng cao đã dẫn đến việc nông dân không mặn mà với những cây trồng có năng suất thấp, diện tích canh tác thu hẹp là nguyên nhân dẫn đến việc nhập khẩu nguyên liệu nông sản trong nhiều năm qua.

Theo ông Bình, nhiều địa phương có điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi cho cây lúa, người dân vẫn tập trung trồng lúa. Thực tế, năng suất lúa ở những vùng này khá thấp, nhưng Nhà nước vẫn không có chiến lược lâu dài để định hướng cho nông dân phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu khác với quy mô lớn để hỗ trợ cho ngành sản xuất TACN.

“Tại sao ở những vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên quanh năm thiếu nước, người nông dân không thể chuyển sang trồng bắp với năng suất và lợi nhuận cao hơn trồng lúa?” - ông Bình đặt vấn đề. Nhiều năm qua, chính sách khuyến nông của Nhà nước vẫn tập trung vào cây lúa mà không hướng đến những loại cây trồng khác.

Bên cạnh đó, trên thế giới, những sản phẩm bắp, đậu nành, biến đổi gen đã được phát triển và nhân giống mạnh từ nhiều năm qua. Nhưng việc áp dụng và trồng những sản phẩm biến đổi gen ở Việt Nam vẫn mới chỉ ở mức nghiên cứu khả thi, khảo nghiệm mà chưa mở rộng canh tác đại trà các sản phẩm này. Phát triển sản phẩm biến đổi gen, với năng suất cao sẽ kích thích nông dân chuyển sang trồng những loại cây nông nghiệp này, với lợi nhuận cao hơn.

Chính vì những lý do này mà doanh nghiệp dù muốn tự chủ nguyên liệu cũng không thể không nhập khẩu. Ông Quang phân tích, mấu chốt của vấn đề thiếu nguyên liệu là do Việt Nam không có một vùng nguyên liệu đủ lớn, khi sản lượng cao, giá thành nguyên liệu thức ăn mới có thể giảm. Điều này cũng góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Trả lời TBKTSG về những vấn đề trên, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết hai loại nguyên liệu mà ngành chăn nuôi nhập nhiều nhất hiện nay là bắp, và khô dầu đậu tương. Hiện Việt Nam có 1,1 triệu héc ta trồng bắp, theo quy hoạch, sẽ mở rộng lên 1,3 triệu héc ta, định hướng chủ yếu vẫn là thâm canh tăng năng suất. “Hiện năng suất của ngành trồng bắp chỉ đạt 4 tấn/héc ta, mục tiêu của ngành sẽ đưa năng suất trồng bắp đạt 5,5 tấn đến 6 tấn/héc ta”. Ông Ngọc nói và cho biết thêm rằng, đi đôi với việc tăng mùa vụ, tăng diện tích thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng năng suất.

Một trong những giải pháp là bộ đang tích cực khảo nghiệm các giống bắp biến đổi gen, nhằm tăng năng suất. Cây đậu tương của Việt Nam hiện có diện tích 250.000 héc ta, ổn định ở khoảng 300.000 héc ta, vấn đề vẫn là thâm canh, tăng năng suất cây đậu tương. Đặc biệt, đậu tương trên đất hai lúa ở khu vực phía Bắc và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây đậu tương vào trồng ở những vùng có hiệu quả kinh tế thấp. Ông Ngọc cũng thừa nhận, Việt Nam có thế mạnh để phát triển vùng nguyên liệu của hai loại sản phẩm này, nhưng chưa được phát huy trong thời gian qua.

Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng ngành nông nghiệp vẫn không có giải pháp khả thi để giải quyết. Những sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho ngành xuất khẩu của Việt Nam luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp. Nhưng khi được đề cập, câu trả lời luôn là “có thế mạnh và ở dạng tiềm năng”? Khi nào Việt Nam cụ thể hóa những thế mạnh để biến tiềm năng phát triển của ngành thành hiện thực? Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm qua, liệu câu trả lời có nằm ngoài khả năng của người đứng đầu ngành nông nghiệp?

(Theo Sơn Nghĩa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Nông sản Việt thu hút doanh nghiệp Ý
  • Chế biến nhân điều sẽ sạch hơn
  • Thế mạnh của nông sản chuyển gen
  • Nhiều loại nông sản xuất khẩu sẽ thuận lợi về giá
  • Ngành chế biến hạt điều loay hoay vì thiếu nguyên liệu
  • Thị trường điều thô ổn định
  • Thiếu vốn mua điều
  • Nông sản VN chưa biết tiếp thị
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container