Có lẽ cũng bởi thị trường Việt Nam còn rất “mầu mỡ” với ngành công nghiệp xe máy, nên lãnh đạo của Piaggio đã nhanh chóng có kế hoạch thành lập tại nhà máy Piaggio Việt Nam, một trung tâm kỹ thuật, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm phù hợp với nhu cầu, văn hóa, tập quán của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, đồng thời chuyển trụ sở khu vực của Piaggio từ Singapore về Việt Nam.
Để thực hiện những giấc mơ này, ngoài việc tự bỏ vốn đầu tư, Piaggio đã vay của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) 15 triệu euro để mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy tại Việt Nam lên 100.000 xe/năm (tức là gấp đôi công suất ban đầu), dù nhà máy mới đi vào sản xuất chính thức chưa đầy 1 năm.
Đáng chú ý là các sản phẩm thế mạnh của Piaggio Việt Nam đều là xe tay ga, một phân khúc mà 5 năm trở lại đây liên tục có tốc độ tăng trưởng cao và mang lại những khoản lợi nhuận đáng kể cho các nhà sản xuất.
Nếu so với xe máy số có giá bình quân khoảng 15 – 17 triệu đồng/chiếc, thì giá bán xe tay ga bình quân cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp 3 – 4 lần. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn hiện nay, xe tay ga cũng đang trở thành lựa chọn số một của người tiêu dùng khi nghĩ tới việc sắm xe máy bởi tính tiện dụng. Chính vì vậy, dù giá xe máy tay ga có cao, song người tiêu dùng vẫn “vui vẻ ” dốc hầu bao để sắm xe loại này.
Tương tự, các hãng Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam hay SYM cũng nhanh nhẹn không kém Piaggio khi đầu tư mạnh cho sản xuất xe máy tay ga. Rất nhiều mẫu xe ga tiện dụng của các hãng như Click, Airblade, Lead, SH, Mio, Nouvo, Skydrive, Fly, Vespa, Elizabeth… với giá bán từ 22 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/chiếc đã liên tiếp được tung ra thị trường.
Đơn cử, Honda Việt Nam, phải mất gần chục năm mới lấp đầy năng lực sản xuất nhà máy đầu tiên có công suất 1 triệu chiếc/năm. Song, sau khi khánh thành nhà máy thứ 2 chuyên sản xuất xe tay ga với công suất 500.000 xe/năm vào giữa năm 2008, Honda Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng sản xuất, nâng công suất của nhà máy xe tay ga lên đạt 1 triệu xe/năm, nhằm thỏa mãn sức mua của người tiêu dùng.
Mức tiêu thụ xe máy hàng năm đạt xấp xỉ 3 triệu xe cũng tiếp tục khiến cho thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Bằng chứng là nhiều nhà đầu tư tiếp tục bỏ tiền ra xây dựng thêm nhà máy mới hoàn toàn, hoặc mở rộng nhà máy hiện có. Đáng chú ý là, các khoản đầu tư mới này cũng vẫn chỉ nhắm tới thị trường trong nước, mà sao nhãng thị trường xuất khẩu.
Ngay Honda Việt Nam, dù là nhà sản xuất xe máy đạt sản lượng gần xấp xỉ 1,5 triệu chiếc vào năm 2009, nhưng cũng không cho biết gì nhiều về việc xuất khẩu xe máy của mình.
Còn Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam hay SYM tuy đều là những nhãn hiệu có tiếng trên thị trường nội địa, nhưng cũng không có bất cứ hoạt động xuất khẩu xe máy nào trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Đáng nói là vài năm trước, một số nhãn hiệu như Honda Việt Nam hay SYM cũng từng tự hào khi công bố việc xuất khẩu các loại xe máy hoặc linh kiện được sản xuất tại Việt Nam ra nước ngoài với doanh số lên tới cả triệu USD. Một điểm yếu khác của thị trường xe máy Việt Nam là sau hơn 20 năm phát triển, tới nay vẫn không có một tổ chức nghề nghiệp mà thành viên là cả doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài được thành lập.
Ông Koji Onishi, Tổng giám đốc của Honda Việt Nam từng cho hay, thực ra, các DN cũng muốn có Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy từ lâu rồi, đã ngồi họp bàn với nhau, nhưng lại chưa giải quyết được một số vấn đề liên quan, nên chưa thành lập được Hiệp hội.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com