Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có thể tăng lệ phí trước bạ ôtô lên 15%

Bộ Tài chính vừa gửi Công văn số 13968/BTC-CST đến hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM, trong đó khuyến khích tăng mức lệ phí trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi lên 15%.

Hiện cả hai thành phố này đang cùng áp dụng mức lệ phí chung tối thiểu là 10%. Mức lệ phí này được áp dụng tạm thời trong khi các tỉnh, thành phố chưa tính toán được mức cụ thể (trong khoảng 10 – 15%) tùy theo điều kiện của từng địa phương.

Bộ Tài chính cho rằng, để hạn chế tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, Hội đồng Nhân dân Hà Nội và Tp.HCM có thể quyết định mức thu lệ phí trước bạ tới 15% đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Đây là mức lệ phí cao gấp 3 lần so với mức 5% trước khi Nghị định số 80/2008/NĐ-CP ngày 29/7/2008 về lệ phí trước bạ có hiệu lực.

Ngoài vấn đề lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cũng có ý kiến cụ thể về nhiều loại phí, lệ phí khác áp dụng đối với ôtô và xe máy.

Trong đó, Bộ Tài chính đã không đồng ý đối với đề nghị tăng mức lệ phí đăng ký xe máy gấp 2 lần của Tp.HCM, từ mức 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/lần/xe lên mức từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng/lần/xe.

Theo Bộ Tài chính, mức tăng cao như Tp.HCM đề nghị, nếu chỉ tăng tại một vài địa phương sẽ dẫn đến tình trạng chủ sở hữu đăng ký lưu hành tại các địa phương lân cận rồi đưa vào thành phố sử dụng. Như vậy, số lượng xe tham gia giao thông vẫn tăng và việc hạn chế ùn tắc giao thông sẽ không có hiệu quả.

Đối với phí lưu hành xe hằng năm, Bộ Tài chính cho rằng nếu muốn áp dụng như một giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, các địa phương cần xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ để đưa khoản phí này vào danh mục. Hiện tại trong danh mục chi tiết các loại phí và lệ phí chưa có loại phí này.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nêu rõ quan điểm về một số trở ngại nếu đưa loại phí này vào áp dụng. Chẳng hạn, nếu chỉ đặt ra khoản thu riêng cho Hà Nội và Tp.HCM thì khó khăn nảy sinh là thu thế nào đối với đối tượng xe ngoại tỉnh hiện đang chiếm 15% lượng xe lưu hành trong thành phố hiện nay?

Thứ hai là sẽ thu theo số lần tham gia hay theo năm? Nếu thực hiện thu theo số lần tham gia thì cần phải đặt các trạm thu phí và điều này là không khả thi vì có thể gây ùn tắc tại các trạm, chưa kể việc tổ chức các trạm này như thế nào. Còn nếu thu theo năm thì phải tổ chức kiểm tra việc nộp phí của người sử dụng phương tiện. Việc này sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông và thực tế đã chưa thực hiện được đối với việc kiểm tra người sử dụng phương tiện có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự như thời gian vừa qua.

Do vậy, về loại phí lưu hành xe, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc sau khi nghiên cứu thêm kinh nghiệm từ nước ngoài.

(Theo VnEconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container