Việc xây dựng một chiến lược mới là cần thiết, nhưng vấn đề nằm ở chỗ chiến lược đó, các giải pháp đó có thực hiện được hay không, hay rồi lại lập lại tình trạng cũ là “hầu hết các mục tiêu đề ra đều không đạt”.
Có điểm mới
Dự thảo lần I về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp. Nói về sự cần thiết phải đưa ra quy hoạch mới như ông Lê Quang Liêm - Viện phó Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công Thương thì đây là giai đoạn bức bách lắm rồi, nhưng vẫn luôn bí giải pháp.
Quả đúng như vậy, bởi khi đọc hết, nghe trình bày hết dự thảo lần I thì vẫn thấy chung chung, nếu không muốn nói là “quen quen, cũ cũ” như đã đọc ở đâu đó nhiều lần rồi. và đặc biệt là không thấy những giải pháp, vẫn bí giải pháp để đến mức một đại diện của Bộ Công Thương - người được xem là gắn bó với ngành công nghiệp này hơn 20 năm nay phải thốt lên : “Tôi thấy buồn cười, họ cắt, dán mà chưa chuẩn...”. Hầu hết ý kiến đều nhận định dự thảo này không có nhiều điểm mới, vừa thiếu cả tính vĩ mô, vừa thiếu những chi tiết, cụ thể hoá vấn đề, ít có số liệu đầy đủ, chính xác của cả ngành công nghiệp này cũng như những ngành liên quan, thiếu tính thuyết phục. Ngay đại diện của Bộ GTVT cũng nhận xét rằng nên phân tích kỹ hơn hàng loạt yếu tố, kể cả những số liệu dự báo từ trước. Mặt khác, trong dự thảo quy hoạch này cũng chưa có báo cáo, phân tích cụ thể về sự phát triển của các loại phương tiện khác như hàng không, tàu hoả... mà chỉ nói một phần nào đó về đường bộ. Bên cạnh đó, như ông Dư Quốc Thịnh - Tổng thư ký Hiệp hội kỹ sư ôtô VN thì chiến lược không hề thấy xuất hiện những yếu tố mang tính đột biến...
Tuy nhiên, cũng có thể thấy được một điểm mới trong dự thảo này. Đó là việc đề xuất xây dựng các trung tâm cơ khí ôtô quốc gia quy mô lớn nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, có ý định sản xuất ôtô lâu dài tại VN vào đầu tư nhà máy với công nghệ hiện đại, cùng với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng và công nghiệp hỗ trợ khác. Trong dự thảo lần này, Viện Chiến lược Bộ Công Thương đã lựa chọn vị trí là khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) với hàng loạt lợi thế, thuận lợi.
“Lách khe cửa hẹp”
Hầu hết các ý kiến của chuyên gia lẫn doanh nghiệp đều khẳng định sự cần thiết của một quy hoạch chiến lược mới, nhưng điểm quan trọng nhất – nói như ông Ngô Văn Trụ - Vụ phó vụ Công nghiệp của Bộ Công Thương thì đây là cơ hội cuối cùng và liệu chúng ta có quyết tâm làm hay không, chứ lâu nay chúng ta chỉ nói mà không làm. Không giải quyết được điểm yếu đó thì có bàn mãi, có đưa ra đúng, có giải pháp hay thì cũng khó để ngành công nghiệp ôtô phát triển và dễ trở thành ngành công nghiệp nhập khẩu ôtô.
Đó là vấn đề chung. Đi vào cụ thể, chi tiết, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Trường Hải Group cho rằng hội nhập Afta là thử thách, nhưng cũng là thuận lợi lớn, rất lớn vì nói về quy mô, thị trường VN là nhỏ nhưng nếu thị trường VN cộng với thị trường Asean lại là lớn. Và vì vậy định hướng chiến lược của ngành công nghiệp ôtô phải xác định rõ là nhằm phục vụ nhu cầu trong nước hay tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, đưa ra, lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào mình hay dựa vào hợp tác quốc tế. Thực tế, hiện nay xe khách, xe bus chúng ta đã nội địa hoá khoảng 40%, cạnh tranh được. Đó là nhờ chúng ta biết “lách qua khe cửa hẹp”. Nói đến công nghiệp ôtô là phải nói đến việc sản xuất, lắp ráp xe du lịch. Vậy, đối với phân khúc này, chúng ta lách qua khe cửa hẹp như thế nào ? Thứ nhất là không nên có tư duy sản xuất ôtô Made in VN. Điều này đi ngược lại xu hướng nói chung của ngành, các tập đoàn ôtô thế giới với mục tiêu sáp nhập để gia tăng sản lượng. Thứ hai, quy hoạch cũng như bản thân các DN phải xác định được khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì ta làm cái gì ? Có cần thiết phải làm động cơ, những chi tiết khó hay không ? Không cần mà cần xác định làm gì cũng được, kể cả cái ốc vít nhưng đảm bảo hai yếu tố là chất lượng toàn cầu, được sử dụng ở nhiều thị trường và giá phải cạnh tranh nhất. Bên cạnh đó khi xem xét cái gì lợi nhất và các đối tác có thể chuyển giao công nghệ mới. Ví dụ như việc sản xuất thùng xe, áo ghế hiện nay nhiều DN đã làm tốt mấy yếu tố trên, xuất khẩu đi các nước, vừa đảm bảo chất lượng toàn cầu, vừa rẻ hơn các nước trong khu vực tới 15 %. Đó chính là giải pháp quan trọng nhất được gọi là giải pháp “lách qua khe cửa hẹp”, vừa cụ thể, vừa hiệu quả, không cần phải quá “ đao to búa lớn”.
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com