Sau hơn 10 năm được "chăm sóc và nuôi dưỡng" trong những điều kiện tốt nhất có thể, ngành sản xuất và lắp ráp ôtô của Việt Nam hiện chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar!
Sự kiện Tập đoàn Bosch của Đức vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất dây truyền lực dùng trong công nghiệp ôtô, trị giá 55 triệu Euro, quy mô 16 héc-ta tại Khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã nhóm lên tia hy vọng rằng, đây có thể là điểm khởi đầu cho thấy ngành sản xuất các sản phẩm phụ trợ ôtô tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kế hoạch, trong năm 2009, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động và cung cấp cho thị trường ôtô trong và ngoài nước 380.000 bộ dây truyền lực trong năm đầu tiên và tăng lên 2,3 triệu bộ vào năm 2015.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện này không nói lên được nhiều điều và cũng không tạo hy vọng nhiều hơn cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Bởi sau hơn 10 năm được "chăm sóc và nuôi dưỡng" trong những điều kiện tốt nhất có thể, theo Tổng thư ký Hội Kỹ sư ôtô Việt Nam (VSAE) Dương Đức Thịnh, so với các nước trong khu vực ASEAN thì ngành sản xuất và lắp ráp ôtô của Việt Nam hiện chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar!
Hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp này vẫn luẩn quẩn trong vòng lắp ráp với tỷ lệ nội địa hoá mờ nhạt. 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư, trong đó có 12 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ USD, tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 150.000 xe/năm, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đúng cam kết tỷ lệ nội địa hóa (đạt từ 20 - 40% sau thời gian 5 - 10 năm).
Riêng đối với các liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa cũng rất thấp, chỉ khoảng 5 - 10% và không đạt kế hoạch đề ra.
Vòng luẩn quẩn nội địa hóa, lắp ráp chưa được gỡ bỏ thì nay ngành công nghiệp "con cưng" một thời này lại đang phải đối mặt những nguy cơ mới.
Theo ông Thịnh, hiện chỉ có vài trăm ngàn chiếc xe ôtô đang lưu thông, nhưng tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên… điều này đã làm một số doanh nghiệp sản xuất ôtô e ngại, muốn rút lui sản xuất tại Việt Nam và chuyển qua làm thương mại, phân phối.
Có chuyên gia đã cho rằng, mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Khi đã hưởng đủ lợi ích từ chính sách bảo hộ, giá thành lại bị cạnh tranh do hội nhập thì xu hướng đóng cửa sản xuất, chuyển sang thương mại là tất yếu.
Sự kiện hãng xe đến từ Nhật Bản là Daihatsu tuyên bố đóng cửa nhà máy tại Việt Nam năm 2007 cùng với việc hãng xe nổi tiếng của Đức là BMW đã rút lui trước đây, nay quay trở lại Việt Nam bằng con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc là minh chứng. Những dự báo không mấy sáng sủa đã được đưa ra, trong tương lai sẽ còn nhiều doanh nghiệp lắp ráp khác nối gót Daihatsu sau khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm dần, tiến đến bằng không, theo lộ trình cam kết WTO. Mới đây, Mercedes-Benz và Toyota đã nhận được giấy phép nhập khẩu ôtô tại Việt Nam làm nỗi lo này có nguy cơ trở thành hiện thực.
Lối đi nào cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là câu hỏi đã được đặt ra tại rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trong suốt những năm qua, nhưng dường như câu trả lời vẫn còn nằm ở đâu đó, chưa có lời giải chính xác.
Vết xe đổ của ngành công nghiệp điện tử có thể lặp lại cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô nếu chúng ta không nỗ lực tìm ra lời giải đáp. Đã có nhiều kiến nghị về việc cần xem lại định hướng và cần có chính sách ưu đãi, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu xe tải, xe buýt, xe chuyên dùng, hiện chưa có hãng nước ngoài nào sản xuất, lắp ráp những loại xe này tại Việt Nam…
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, thay vì phấn đấu tự sản xuất được một chiếc xe, Việt Nam nên xác định lợi thế để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Thậm chí, có những ý kiến mạnh hơn, có thể tạo ra một cú sốc cho nền kinh tế như đóng cửa các ngành công nghiệp không hiệu quả để đỡ gây lãng phí. Tất cả đều là những gợi mở cần xem xét và thực hiện ngay trước khi quá muộn.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com