Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành xe hơi trong cơn bĩ cực

Sự sụp đổ mang tính lịch sử của thị trường xe hơi toàn cầu vẫn diễn ra ngày càng mạnh, làm dấy lên câu hỏi, liệu có bao giờ ngành công nghiệp xe hơi tìm lại được mức tiêu thụ mà nó đã có vài năm về trước hay không.

Đầu tuần trước, các công ty xe hơi công bố mức suy giảm chung của thị trường xe hơi Mỹ trong tháng 12/2008 là 35%. Mức sụt giảm này gây áp lực mạnh lên tình hình tài chính mong manh của nhiều nhà sản xuất, nhất là General Motors (GM) và Chrysler - hai công ty vừa nhận được khoản tín dụng cứu nguy của chính phủ Mỹ hồi tuần trước để tránh phá sản. Nhưng nếu người tiêu dùng không thay đổi xu hướng thì toàn ngành công nghiệp này cũng phải được cấu trúc lại để đương đầu với xu thế suy giảm nhu cầu tiêu thụ.

Mỹ là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, song sau nhiều năm vượt quá mức 16 triệu chiếc xe/năm, năm 2008 lượng tiêu thụ chỉ còn 13,2 triệu chiếc, thấp nhất kể từ năm 1992, và giới phân tích cho rằng từ nay đến năm 2012, lượng tiêu thụ xe hơi ở Mỹ hàng năm sẽ không vượt quá 15 triệu chiếc.

Số liệu tháng 12 cho thấy không hãng xe nào thoát khỏi xu thế đi xuống của thị trường; lượng tiêu thụ xe GM giảm 31%, xe Ford giảm 32%, Chrysler giảm 53%, Toyota giảm 36%, BMW (Đức) giảm 36% và Honda giảm 35%.

Tác động của sự thu hẹp thị trường tiêu thụ sẽ còn mạnh trong nhiều năm tới, vì các công ty xe hơi sẽ tiếp tục giảm sản lượng, giảm lao động và giảm nghiên cứu chế tạo các mẫu xe mới. Jesse Toprak, trưởng nhóm phân tích ngành xe hơi của trang web chuyên tư vấn mua bán xe hơi Edmunds.com, nhận định: “Khi doanh số sút giảm, ngân sách nghiên cứu phát triển sẽ bị cắt và trong vài năm tới chúng ta sẽ có ít mẫu xe mới, sự đa dạng về chủng loại xe không còn”.

Trong lúc công bố số liệu thị trường tháng 12-2008 sáng thứ Hai vừa qua, các nhà quản trị doanh nghiệp xe hơi nói rằng, ngành công nghiệp này ít có cơ hội cải thiện trong nửa đầu năm 2009, một phần vì khách hàng muốn mua xe vẫn khó vay được tiền tài trợ từ các ngân hàng và niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn quá mong manh.

Emily Kolinski Morris, phân tích gia cao cấp của Ford, than thở: “Quý 1 sẽ còn tệ hại hơn nữa, bất kể nhìn từ góc độ nào. Hy vọng sang quý 2 sẽ có triển vọng hơn”. Trưởng nhóm phân tích của GM, ông Michael C. DiGiovanni, còn bi quan hơn khi dự đoán thị trường Mỹ năm nay chỉ tiêu thụ được khoảng 10,5-12 triệu chiếc xe.

Phó chủ tịch hãng Chrysler, ông James E. Press, thì cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch tái cấu trúc công ty, dự phòng tình huống xấu nhất. Chúng tôi hy vọng vào điều tốt nhưng vẫn chuẩn bị cho điều xấu”.

Đáng chú ý là theo ông Press, các công ty xe hơi vẫn coi sự sụt giảm nghiêm trọng của nhu cầu tiêu thụ trong mấy tháng vừa qua là “thực tế mới” của một ngành công nghiệp đã quen với sự tăng trưởng gần như không giới hạn suốt từ giữa thập niên 1990 đến nay.

Sự phát triển của thị trường xe hơi hầu như nhờ vào nguồn vốn tín dụng giá rẻ, từ đó các nhà sản xuất có thể cho người tiêu dùng mua xe trả góp với lãi suất thấp, khuyến khích họ mua thêm xe hoặc đổi xe mới, hiện đại hơn. Kết quả là người tiêu dùng Mỹ đổ xô đi sắm xe hơi, xe tải, và xe đa dụng (SUV) mới. Nếu như năm 1970 chỉ có 6% số gia đình ở Mỹ sở hữu từ 3 chiếc xe trở lên thì đến năm 2000 con số này đã tăng gấp ba, lên 18%, theo số liệu của Bộ Giao thông Mỹ. Cũng theo Bộ này, năm 2006 có 202 triệu công dân Mỹ có bằng lái xe nhưng có đến 244 triệu chiếc xe hoạt động trên đường; như vậy số người sở hữu từ 2 xe trở lên là khá lớn.

Các công ty xe hơi góp phần nuôi dưỡng tâm lý chuộng xe hơi của người Mỹ bằng cách đưa ra ngày càng nhiều các sản phẩm mới, đa dạng, như những kiểu xe đa dụng (vừa xe hơi vừa xe tải, xe thể thao) giá rẻ và hàng loạt các mẫu xe sang trọng. Ngoài ra, họ còn liên tục thay đổi thiết kế xe trong cuộc chạy đua để đưa ra phòng trưng bày các kiểu xe mới nhất.

Ông John A. Casesa của Công ty tư vấn Casesa Shapiro Group, cho biết: “Vào năm 1988, thời gian hoạt động trung bình của một mẫu xe là 4,1 năm trước khi được thay bằng mẫu khác, nhưng ngày nay thời gian này chỉ còn 2,9 năm, mà mẫu sau khác với mẫu trước rất nhiều”.

Để cung cấp cho thị trường 16 triệu xe mỗi năm, các nhà sản xuất phải xây dựng nhiều nhà xưởng và tuyển mộ nhiều công nhân. Thậm chí khi ba đại gia ở thành phố Detroit - GM, Ford và Chrysler - buộc phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân để tiết kiệm chi phí thì các đối thủ cạnh tranh nước ngoài vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà máy ở Mỹ để lấp vào chỗ trống thị trường mà ba đại gia này bỏ lại. Nhưng bây giờ, thị trường co cụm lại ở mức chưa từng thấy, toàn ngành công nghiệp xe hơi bị buộc phải cắt giảm sản lượng, giảm phát triển sản phẩm mới. Các nhà phân tích cho rằng, thời kỳ bành trướng của các công ty xe hơi nước ngoài tại thị trường Mỹ có lẽ đã kết thúc.

Ngoài việc tín dụng bị thắt chặt và nền kinh tế ốm yếu, chất lượng xe hơi được cải tiến rất nhiều cũng đã làm cho người tiêu dùng giảm nhu cầu thay đổi xe. Hai mươi năm về trước, tuổi thọ bình quân của một chiếc xe hơi ở Mỹ là 6 năm, nay tăng lên 9 năm. “Có thể bạn không muốn lái một chiếc xe suốt 10 năm, nhưng khi hoàn cảnh bắt buộc, bạn vẫn có thể làm như vậy”, David E. Cole, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu xe hơi ở Michigan, nhận định.
 
Toyota ngừng sản xuất
* Tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới, Toyota Motor Corp. sẽ ngừng sản xuất 11 ngày tại tất cả các nhà máy ở Nhật Bản, gồm 6 ngày trong tháng 2 và 5 ngày trong tháng 3-2009, để làm giảm lượng xe tồn kho do thị trường tiêu thụ giảm. Trước đây Toyota cũng đã công bố ngừng sản xuất 3 ngày trong tháng 1-2009 tại 12 nhà máy do công ty trực tiếp điều hành ở Nhật.
 
* Điều bất ngờ là lượng xe Toyota bán ra tại Mỹ đã giảm 37% trong tháng 12-2008, mức giảm nhiều nhất trong một phần tư thế kỷ. Tại Nhật, lượng xe Toyota bán ra trong tháng 12 cũng giảm 18%. Xe Toyota sản xuất tại Nhật Bản chiếm khoảng 40% lượng xe Toyota tiêu thụ tại Mỹ.
 
* Hai tuần trước, Toyota cũng đã cảnh báo rằng năm 2008-2009 có thể là năm đầu tiên Toyota bị thua lỗ do thị trường thu hẹp và đồng yên Nhật quá mạnh, gây trở ngại cho xuất khẩu. Đồng thời công ty cũng cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất từ tháng 1-2009. Chủ tịch Toyota, ông Katsuaki Watanabe, cho rằng công ty sẽ nhắm tới việc hợp lý hóa sản xuất, cơ cấu lại chi phí và sẽ tập trung tìm lợi nhuận từ việc sản xuất mỗi năm khoảng 7 triệu xe (không kể các thương hiệu phụ như Hino, Daihatsu), ít hơn 1 triệu xe so với năm ngoái.
 

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Việt Nam đã có xe buýt chạy bằng khí tự Việt Nam đã có xe buýt chạy bằng khí tự nhiên
  • Toyota thu hồi 1,3 triệu xe Yaris trên toàn thế giới
  • Cuối 2009, Ford sẽ cần tiền hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ
  • Ngành xe hơi Nhật điêu đứng vì khủng hoảng
  • Toyota ngừng sản xuất, Nissan chuyển nhà máy
  • Toyota thu hồi 214.500 xe dòng Lexus ở Mỹ
  • Chính phủ Mỹ bơm thêm 1,5 tỷ USD để cứu Chrysler
  • EU kêu gọi giúp đỡ ngành xe hơi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container