Mức tăng trưởng trở lại của tháng 2/2009 chưa cho thấy rõ “sức bền” của thị trường - Ảnh: Đức Thọ |
Thị trường ôtô trong nước tháng 2/2009 đã “ấm” hơn so với các tháng trước đó khi doanh số bán hàng của các thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tăng trở lại.
Thống kê của VAMA cho biết, tổng sản lượng bán hàng của 16 thành viên hiệp hội trong tháng thứ hai của năm 2009 đã đạt 6.671 chiếc, tăng đến 2.819 chiếc so với tháng đầu năm. Trong đó có đến 12/16 hãng xe đạt được mức tăng trưởng về doanh số.
Đây có thể coi là một tín hiệu vui đối với các hãng xe trong nước nói riêng và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nói chung.
Các hãng xe tạo được ấn tượng mạnh mẽ nhất tháng vừa qua chính là ba “đại gia” nội địa là Vinaxuki, Trường Hải và Vinamotor.
Trong đó, Vinamotor đã tăng vọt từ 373 chiếc của tháng Một lên đến 1.173 chiếc trong tháng Hai; Trường Hải cũng không chịu lép vế nhiều khi đạt được mức tăng gấp gần 3 lần, từ 354 chiếc lên 1.080 chiếc; riêng Vinaxuki có phần “hẻo” hơn khi chỉ tăng từ 309 chiếc lên 508 chiếc.
Đối với các hãng xe liên doanh, Toyota vẫn là cái tên tạo được điểm nhất mạnh mẽ nhất khi tăng từ 1.059 chiếc trong tháng Một lên 1.646 chiếc trong tháng Hai.
Có lẽ Toyota là hãng xe đang cảm thấy tự hào khi doanh số của mình đang chứng tỏ được mục tiêu mà bản hãng nhắm đến trong thời gian qua.
Điển hình là việc hãng xe này tung ra thị trường phiên bản mới của mẫu xe “bom tấn” Innova, đặc biệt là bản số tự động Innova V. Thực tế, riêng bản Innova V đã tạo được lượng tăng đến 726 chiếc, cao hơn khá nhiều so với mức tăng chung của cả hãng.
Ấn tượng thứ hai được tạo nên bởi “gương mặt” mới toanh Fortuner. Được tung ra thị trường ngày 23/2, nghĩa là chưa đầy một tuần Fortuner đã đạt doanh số 107 chiếc, dù không quá đột biến song đây cũng có thể coi là một thành công đáng nể.
Mặc dù đã có một tháng khá thành công khi thị trường “ấm” lên song nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại.
Trên thực tế, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ tăng so với tháng Một, tháng thường bị sụt giảm doanh số do rơi vào thời điểm nghỉ Tết nguyên đán. So với cùng kỳ năm trước, doanh số của các hãng xe trong VAMA đã sụt giảm đến 25%; nếu cộng cả hai tháng đầu năm thì mức sụt giảm so với cùng kỳ còn tệ hơn, giảm đến 50%.
Một lo ngại nữa, theo nhiều nhà phân tích, là mức tăng trưởng trở lại của tháng 2/2009 chưa cho thấy rõ “sức bền” của thị trường.
Bởi lẽ, sự tăng trưởng trong thời gian vừa qua và có thể sẽ kéo sang cả tháng tiếp theo có một phần đóng góp không nhỏ của tâm lý tranh thủ mua trước khi thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực.
Đó cũng là một giải thích có phần xác đáng cho hiện tượng hầu hết các mẫu xe đa dụng đang tăng doanh số trong khi các mẫu xe hạng nhỏ lại yên vị hoặc sụt giảm.
Các “đại diện” có thể kể đến ở phân khúc xe đa dụng khi đạt được mức tăng trưởng là Toyota Innova, Ford Everest, Ranger… còn các đại diện xe hạng nhỏ và bị sụt giảm là Chevrolet Spark, Kia Morning, Toyota Vios hay thậm chí cả Honda Civic.
Lý giải dễ hiểu là từ ¼, khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực, giá bán của các loại xe 6-9 ngồi (xe đa dụng) đồng loạt tăng mạnh từ 12% - 23% trong khi giá của các loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống một phần tăng nhẹ, phần giữ giá và thậm chí một phần giảm giá.
Dù là vậy, các hãng ôtô trong nước vẫn có thể yên tâm phần nào về doanh số bán hàng trong tháng 3/2009 khi thuế tiêu thụ đặc biệt đang tạo sự thúc ép không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng.
( Theo VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com