Tâm lý tiêu dùng sản phẩm thủ công mỹ nghệ hàng mây tre, liễu gai (Mã HS 460210) của thị trường Nhật Bản thay đổi theo đặc điểm thời tiết. Do đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải được thiết kế có màu sắc hài hòa với thiên nhiên. Chẳng hạn, mùa xuân dùng những sản phẩm mềm mại, màu sắc nhẹ nhàng; mùa hè dùng gam màu mạnh. Người Nhật quan niệm màu hạnh phúc là màu đỏ và trắng. Con số may mắn là 3, 5, 7. Số xui xẻo là số 4 & số 8; đặc biệt là tâm lý của người Nhật là không thích màu sắc mang sắc thái tôn giáo; những đồ thủ công mỹ nghệ có kích thước, trọng lượng quá lớn.
Sở thích của người Nhật thay đổi nhanh chóng theo mùa, mỗi sản phẩm chỉ có thời gian tiêu thụ trong một thời gian nhất định. Do đó sản phẩm tiêu thụ tại Nhật có thời vụ ngắn, người tiêu dùng đòi hỏi rất khắt khe về thời hạn giao hàng.
Người Nhật đặc biệt quan tâm đến quy trình sản xuất, chất liệu của sản phẩm cũng như nghệ nhân tạo ra sản phẩm đó. Họ rất coi trọng nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phải chứng minh rõ nguồn hàng của mình từ nhãn mác, các quy trình sản xuất cũng như sản phẩm chủ yếu làm từ nguyên liệu chủ yếu nào.
* Xu hướng về kênh phân phối:
Nhật Bản có hệ thống bán lẻ rất lớn, đứng hàng đầu trên thế giới, phân làm nhiều loại gồm: hệ thống siêu thị cao cấp, cửa hàng dưới dạng siêu thị nhỏ , siêu thị tổng hợp, trung tâm mua bán cho dân cư quanh vùng, cửa hàng đặc biệt, cửa hàng giao hàng từ xa, cửa hàng giao dịch thông qua thư điện tử. Vì thế, các doanh nghiệp nên tận dụng triệt để các kênh phân phối này để sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp tiêu dùng khác nhau của thị trường Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến khâu thiết kế, mở rộng và phát triển phong phú các chủng loại sản phẩm, sản xuất ra những sản phẩm độc đáo riêng biệt về chất liệu và mẫu mã thiết kế . Cần sản xuất những sản phẩm có thương hiệu chất lượng cao nhằm khẳng định thương hiệu cao cấp của mình và đảm bảo thời gian giao hàng.
Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh với khách hàng Nhật Bản, các doanh nghiệp cần phải thỏa thuận một cách chi tiết mọi điều khoản trên hợp đồng.
Cần thống nhất với khách hàng về phương pháp, cách thức kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Thông báo với khách hàng về chất liệu, phương thức sản xuất, cách xử lý sản phẩm sau khi sử dụng.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam nên truy cập thông tin trên các trang web để học tập kinh nghiệm và học hỏi từ những kinh nghiệm của các đối thủ cạnh tranh.
Thêm vào đó, để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật và phải có giá trị cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hóa sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm bằng cách đa dạng hóa chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu đông đảo của người tiêu dùng.
Bên cạnh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã có thế mạnh khi xuất sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam nên sáng tạo, không ngừng tạo ra những sản phẩm có tính thẫm mỹ cao, độ tinh xảo cũng như mang đậm tính truyền thống Việt Nam, đó là một trong những yếu tố mà thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng.
Dự đoán ngành hàng này sẽ gia tăng trong thời gian tới khi xu hướng các khách du lịch Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến của mình. Sản phẩm Việt Nam cũng tương đối khá được ưa chuộng về mặt thiết kế trên thị trường Nhật Bản, nơi mà người tiêu dùng thích những đường nét đơn giản và hiện đại. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng hàng năm về giá trị nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mây tre và liễu gai từ Việt Nam dự kiến đạt 30%.
(vietrade)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com