Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Qua cơn bĩ cực…

Do tác động của tình hình suy thoái kinh tế, từ nửa cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, việc sản xuất mây tre lá (MTL) trên địa bàn huyện Diên Khánh gặp nhiều khó khăn vì không có hàng để làm. Những tháng gần đây, tình hình trở nên khả quan hơn khi các cơ sở đã nhận được hàng để gia công, người lao động lại có việc làm thường xuyên.

Có mặt tại địa bàn huyện Diên Khánh từ hơn 5 năm nay, ngành nghề sản xuất MTL sớm tạo được chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Với những lợi thế như: tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có; tranh thủ được lao động nông nhàn, nhất là lao động nữ; đầu ra của sản phẩm thuận lợi… sản xuất MTL nhanh chóng phát triển trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Diên Khánh có khoảng 14 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH chuyên sản xuất MTL. Bình quân, mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động thường xuyên và khoảng 30 lao động thời vụ. Các cơ sở này đều là đầu mối nhận hợp đồng gia công hàng xuất khẩu cho các công ty sản xuất MTL lớn ở trong và ngoài tỉnh. Với đặc thù đó, nên việc thịnh - suy của  ngành nghề này trên địa bàn huyện chịu sự tác động rất lớn của các đối tác đặt hàng.

Từ nửa cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty đối tác không tìm được những đơn hàng xuất khẩu, buộc phải thu hẹp phạm vi sản xuất nên số lượng hợp đồng gia công với các cơ sở sản xuất MTL ở huyện Diên Khánh giảm hẳn. Trong thời điểm khó khăn đó, nhiều cơ sở tại địa phương chỉ tạo được việc làm cho khoảng 50% số lao động, những lao động có việc làm thì công việc không nhiều và không thường xuyên như trước. Bắt đầu từ quý II năm nay, sản xuất MTL trên địa bàn huyện Diên Khánh có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Các cơ sở đầu mối đã nhận được những hợp đồng gia công có giá trị lớn, nhất là những cơ sở nhận làm gia công cho Công ty Rapexco Nha Trang. Người lao động lại có việc làm với mức thu nhập khoảng 70 ngàn đồng/ngày.

Việc sớm hồi phục ngành nghề sản xuất MTL trên địa bàn huyện Diên Khánh trong thời điểm hiện tại không phải là một sự ăn may. Đó là kết quả tất yếu của kinh nghiệm, bản lĩnh và sự thích nghi ngày càng cao với cơ chế thị trường của chủ các cơ sở sản xuất MTL. Các cơ sở đã nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu tích cực từ phía đối tác nên sớm tìm lại những hợp đồng có lợi cho cơ sở của mình. “Từ khi xác định sản xuất MTL không chỉ là một ngành nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động vào những thời điểm nhất định mà còn là một ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, huyện đã triển khai nhiều việc làm cụ thể nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động; phát huy tính tự chủ, năng động của các chủ cơ sở sản xuất. Chính vì thế, trong thời gian khó khăn vừa qua, các cơ sở đã chủ động nắm bắt tình hình để sớm khôi phục việc sản xuất” - đại diện Phòng Công thương huyện cho biết.

Đến một số cơ sở sản xuất MTL trong thời gian này, chúng tôi đã thấy lại không khí nhộn nhịp của việc giao - nhận hàng. Trong các nhà xưởng, nhiều lao động nữ với bàn tay khéo léo của mình đang cho ra những sản phẩm đẹp mắt và có giá trị cao. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng Bích - chủ Doanh nghiệp tư nhân Bích Bình cho biết: “Hiện tại, cơ sở của tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 200 lao động. Mấy tháng trước, tình hình sản xuất có khó khăn nhất định, nhưng do có giao ước chặt chẽ với công ty đối tác nên đến thời điểm này, cơ sở chúng tôi đã hoạt động bình thường trở lại. Nếu mọi việc diễn ra như bây giờ, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng thêm nhân công và mở rộng cơ sở sản xuất”. Nhằm phục vụ cho những dự định của mình, cơ sở Bích Bình đã làm thủ tục xin hỗ trợ kinh phí khuyến công để đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn.

Hiện tại, ngành nghề sản xuất MTL ở huyện Diên Khánh vẫn còn những khó khăn như: giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi giá thành sản phẩm và tiền công cho người lao động không tăng; vẫn phải phụ thuộc vào các công ty đối tác, tuy nhiên, việc khôi phục lại được một ngành nghề sản xuất trong thời gian khủng hoảng kinh tế là một tín hiệu vui đối với nhiều người lao động trên địa bàn huyện.

(Theo Báo Khánh Hoà)

  • Thị trường nội thất trong nước: Có kịp nắm lấy cơ hội?
  • Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sản xuất cầm chừng
  • Nghĩ khác về gốm
  • Quê hương trong đá
  • Giải pháp phát triển ngành mây, tre Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container