Sau hơn 3 năm gia nhập WTO, sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành thực phẩm ở Việt Nam, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 18% năm.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế - Những cơ hội và thách thức với sự phát triển của ngành sữa Việt Nam” do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III tại TP. Hồ Chí Minh ngày 29-10.
Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, để tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh cho ngành sữa Việt Nam thì không có giải pháp nào bền vững hơn là cần hoàn thiện hệ thống chính sách đối với ngành sữa, tạo điều kiện cho thị trường sữa phát triển ổn định, cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền.
TS Đỗ Kim Tuyên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay giá trị chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 22-24% tổng giá trị trong nông nghiệp. Tốc độ phát triển chăn nuôi hàng năm tăng hơn 8% nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn lớn.
Theo thống kê của Bộ Công thương, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam đã ở mức 14,81 lít/người/năm vào năm 2008 (tăng gần gấp đôi so với năm 2000). Ngoài ra, với mức tăng dân số hàng năm khoảng 1,2%, tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 6-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng thì tiềm năng phát triển của thị trường sữa tại Việt Nam còn rất lớn. TS Đỗ Kim Quyên nhấn mạnh, mục tiêu mức tiêu thụ sữa trên đầu người năm 2015 của Việt Nam sẽ vào khoảng 20 kg/người; năm 2020 đạt trên 25kg/người. Theo đó, mức sản xuất sữa đáp ứng tiêu dùng trong nước năm 2015 cũng phải tăng tương ứng 34% và tới năm 2020 đạt 38%.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, năm 2008 và 2009 có nhiều biến động rất lớn đối với kinh tế thế giới và trong nước. Kèm theo đó là giá sữa tăng cao. Các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước tăng giá là do chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng như: giá đường, giá điện và tỷ giá ngoại tệ bị trượt giá... Trong khi đó thì việc quản lý giá cả, thị trường của các cơ quan quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo. Quá trình thực thi Luật Cạnh tranh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường sữa chưa thực sự hiệu quả. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa hải quan, cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường trong việc thanh tra, kiểm tra và kiểm soát giá sữa. Do đó, trong hội nhập kinh tế quốc tế cần thiết phải tái cấu trúc lại sản xuất, giải thể, mua bán hoặc sát nhập các doanh nghiệp kém hiệu quả nhằm tạo ra các doanh nghiệp lớn hơn, có tiềm lực hơn. Đặc biệt, nhiều ý kiến kiến nghị Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Công thương cần có chiến lược phát triển bền vững đối với ngành sữa. Song song đó là việc hoàn thiện hệ thống chính sách và luật pháp có liên quan để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh độc quyền giá sữa như thời gian qua.
Theo ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, theo lộ trình, thời gian tới Hiệp hội sẽ phối hợp với Liên đoàn ngành sữa quốc tế (IDF) và Tổ chức so sánh kinh tế trang trại bò sữa toàn cầu (IFCN) nhằm bàn chiến lược phát triển mang tầm quốc tế cho ngành sữa Việt Nam.
(Báo Đại Đoàn Kết -)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com