Vinamilk kỳ vọng đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2012. Ảnh: Đức Thanh |
Theo kế hoạch, tháng 8/2011, Vinamilk sẽ đưa nhà máy tại Đà Nẵng vào hoạt động và tới cuối năm 2012, nhà máy sữa nước (giai đoạn I, với năng lực sản xuất 400 triệu lít/năm) và nhà máy sữa bột sẽ đi vào hoạt động.
Ba nhà máy mới của Vinamilk được kỳ vọng sẽ giúp Công ty có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2012.
Việc đưa liên tiếp 3 nhà máy sữa mới đầu tư, đều có công suất lớn vào hoạt động sau một thời gian dài không có đầu tư lớn cho thấy, nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam đã nhận thấy giá trị của lĩnh vực kinh doanh chính.
Ngoài các sản phẩm sữa, Vinamilk còn từng đầu tư sản xuất bia và cà phê hòa tan. Nhà máy bia do Vinamilk liên doanh cùng Tập đoàn bia SAB Miller đặt tại Bình Dương có công suất ban đầu 50 triệu lít/năm đã được khánh thành vào tháng 3/2007. Tuy nhiên, lĩnh vực này dường như không phải là sở trường của Vinamilk, bởi khó có thể tận dụng hệ thống phân phối sữa hiện có để bán bia. Đó là chưa kể, SAB Miller với thương hiệu mới Zorok còn xa lạ với thị trường bia Việt Nam. Vì thế, đầu năm 2009, Vinamilk đã chuyển nhượng cổ phần của mình trong liên doanh nhà máy bia này cho đối tác nước ngoài.
Với sản xuất cà phê hòa tan, sau 5 năm phát triển, Vinamilk đã phải chuyển nhượng nhà máy (đặt tại Bình Dương) cho Công ty cổ phần Trung Nguyên.
Việc Vinamilk rút khỏi các dự án bia và cà phê hòa tan cho thấy, không dễ gì “với tay” sang các lĩnh vực mới lạ, nếu không dồn sức lực và chất xám. Nhất là khi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa nói chung vẫn còn rất mênh mông và đang được nhiều doanh nghiệp đổ bộ thời gian qua.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2009 của Euromonitor (hãng chuyên nghiên cứu về thị trường và người tiêu dùng) cho biết, thị trường sữa của Việt Nam tập trung vào một số “đại gia”, như Vinamilk (chiếm 35% thị phần), Dutch Lady (24%), các sản phẩm sữa bột nhập khẩu (22%), 19% còn lại thuộc các hãng nội địa: Anco Milk, Hanoimilk, Mộc Châu, Hancofood, Nutifood…
Cả nước hiện có hơn 70 doanh nghiệp trong ngành sữa, tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sữa bột hàng năm ở mức 300 - 400 triệu USD. Điều đó cho thấy, cơ hội để phát triển và mở rộng trên thị trường sữa nội địa còn rất lớn.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com