Đòn hiểm độc này đã khiến cho ông Chris December - GĐ Cty QVD, nhà sản xuất cá tra tại Việt Nam, đồng thời nhập khẩu sản phẩm này vào Mỹ - lên tiếng.
Cùng với quyết định áp đặt thuế nhập khẩu cứng rắn hơn đối với một số Cty nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào Mỹ của Bộ Thương mại nước này, Tổ chức Nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) cũng đang tung ra một chiến dịch “bôi bẩn” sản phẩm cá tra Việt Nam.
Đòn hiểm độc này đã khiến cho ông Chris December - GĐ Cty QVD, nhà sản xuất cá tra tại Việt Nam, đồng thời nhập khẩu sản phẩm này vào Mỹ - lên tiếng: “Mục đích chính CFA là tạo áp lực cạnh tranh bằng một chiến dịch sợ hãi, hoang mang và nghi ngờ”.
Thuế cao, người tiêu dùng Mỹ gánh chịu
Thuế suất nhập khẩu cá tra từ Việt Nam mới được Bộ Thương mại Mỹ áp đặt sẽ có hiệu lực từ tháng 3.2011. Dù bị Hiệp hội XK thủy sản Việt Nam (VASEP), Viện Ngư nghiệp quốc gia Mỹ (NFI) và một số nhà nhập khẩu cá tra lớn của Mỹ phản đối, nhưng tới nay, theo một số nhà phân tích độc lập, khả năng Bộ Thương mại Mỹ xem xét rút lại quyết định là rất thấp.
Vài năm trở lại đây, sản phẩm cá da trơn Mỹ không thể cạnh tranh lại cá tra Việt Nam về mùi vị, chất lượng, giá cả và các giá trị khác. Việc tăng thuế nhập khẩu chắc chắn gây ảnh hưởng đến người nông dân nuôi cá tra tại Việt Nam khi họ đang phải chịu gánh nặng giá thức ăn cho cá tăng mạnh, biên độ lợi nhuận trở nên nhỏ nhoi. Khó khăn cho người nuôi sẽ gây ra thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, trong khi nhu cầu thế giới lại tăng mạnh. Điều đó sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, nước Mỹ nhập khẩu chỉ khoảng 10% tổng lượng cá tra XK của Việt Nam. Nếu các Cty thủy sản Việt Nam nỗ lực tiếp thị tìm thị trường mới thì ít nhiều cũng có thể bù đắp phần nào sự hụt hẫng vì thuế cao từ thị trường Mỹ. Thuế cao sẽ khiến giới nhập khẩu dè dặt hơn đưa cá tra Việt Nam vào Mỹ, vì thế người tiêu dùng Mỹ chứ không ai khác sẽ phải chịu gánh nặng giá cao, đồng thời cũng kéo theo các nhà chế biến, hãng vận tải, công nhân cảng và nhiều người khác ở Mỹ sẽ mất việc.
Chiến dịch “bôi bẩn”
Theo ông Chris December, CFA lấy những hình ảnh lỗi thời, tiêu cực, ở mức xấu nhất để nói rằng hiện trạng của Việt Nam là một tình trạng hỗn loạn mất vệ sinh. “Họ đã cho rằng thủy sản nhập khẩu không an toàn và một lần nữa họ đang kêu gọi đến Bộ Nông nghiệp Mỹ, thay vì Cục Quản lý thực phẩm dược phẩm (FDA), để kiểm tra tất cả thủy sản nhập khẩu ” - ông Chris December viết trong lá thư được trích đăng tải trên bản tin thủy sản toàn cầu .
Nhằm gây lo sợ cho người tiêu dùng Mỹ về cá tra Việt Nam không an toàn, CFA thực hiện đăng quảng cáo trên báo, tạo những website nói là để giáo dục, nhưng thực chất phổ biến tin thất thiệt về chất lượng an toàn cá tra Việt Nam. Họ còn tiếp xúc với những chương trình tin tức truyền hình quốc gia và đăng các mục quảng cáo trên truyền hình hướng vào Tổng thống Obama để ban hành luật về thanh tra cá tra tại Mỹ. “Những tác động gây thiệt hại của một chiến dịch như vậy sẽ lan tràn. Vì trò chơi có mục đích cuối cùng của họ là chấm dứt tất cả nhập khẩu ” - ông Chris December nhận định. Ngược lại với chiến dịch “bôi bẩn” sản phẩm của CFA, tại hội nghị GOAL mới đây tại Malaysia, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn được đề cập đến với sự tín nhiệm và ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên ngay tại Mỹ dư luận cũng không đồng tình với CFA. Điển hình là NFI, cơ quan này đang nỗ lực để chống lại hình ảnh tiêu cực do CFA cố tình “bôi bẩn” đối với cá tra Việt Nam.
(Báo Lao động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com