Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển nghề cá: Mắc vì hạ tầng

Tàu cá khi về cập bến phải nối đuôi nhau nằm chờ nhiều ngày mới có thể vào được cảng để bốc dỡ nguyên liệu
Là một ngành kinh tế có tính chất mũi nhọn của địa phương, nhưng việc phát triển nghề cá BR - VT lại đang gặp phải những trở ngại lớn từ hạ tầng cảng cá. 

Trên địa bàn BR - VT hiện có 18 cảng cá và bến cá đang hoạt động, trong đó có 4 cảng và cụm cảng lớn gồm: cảng Bến Đầm (Côn Đảo), cảng Lộc An (Đất Đỏ), cụm cảng Phước Tỉnh (Long Điền) và cụm cảng Cát Lở (TP Vũng Tàu). Tổng chiều dài các cảng hiện hữu khoảng 740 m. Nếu tính bình quân mỗi tàu cập cảng cần 20 m, thì hệ thống cảng này chỉ đáp ứng được 53 tàu cập cảng cùng một lúc. Trong khi toàn tỉnh hiện có gần 6.000 tàu cá đang hoạt động, bình quân mỗi ngày có ít nhất 500 tàu cá ra vào hệ thống cảng của tỉnh.

Quá tải

Tình trạng trên đã dẫn đến việc tàu cá khi về cập bến phải nối đuôi nhau nằm chờ mấy ngày mới có thể vào được cảng để bốc dỡ nguyên liệu. Chẳng hạn, hệ thống cảng cá của huyện Long Điền có 4 cảng và bến cảng gồm: Phước Hiệp, Lò Vôi, Tân Phước và bến Long Hải. Tại đây lượng tàu thuyền thường xuyên neo đậu gần 3.000 chiếc. Vào dịp cuối năm, hoặc mùa mưa bão, tất cả tàu tập trung về bờ, xếp hàng trong cầu cảng dài ra biển tới 200 - 300 m. Tình trạng va đập, hư hỏng tàu trở thành chuyện “cơm bữa”.

Cảng Tân Phước được coi là cảng cá đầu mối lớn nhất trong 4 cảng nói trên, thế nhưng cầu cảng dài chưa đầy 200 m này chỉ có thể tiếp nhận 7 tàu, trong khi tại đây thường xuyên có tới hàng trăm tàu ra vào chờ sửa chữa và lấy nguyên nhiên liệu. Các chủ tàu gần như đã quen việc chờ đợi 4 - 5 ngày để đưa tàu cập cảng.

Tương tự, cảng Phước Hiệp với cầu cảng dài 60 m - chỉ neo đậu được từ 3- 4 tàu, nhưng lượng tàu cần vào cảng thường xuyên gấp tới 5 - 10 lần.

Còn bến cảng Lò Vôi, theo quy hoạch là nơi đón nhận khoảng 80 ghe tàu từ Long Hải di chuyển vào để giải phóng mặt nước, xây dựng khu du lịch Long Hải, nhưng hiện nay, ngoài gần 100 m bến tạm,  phục vụ cho ghe tàu nằm chờ lấy nguyên nhiên liệu, hạ tầng kỹ thuật trên bờ, dưới bến chưa có gì. Bến Long Hải hiện vẫn là một bãi ngang, chủ yếu cho ghe tàu đánh bắt nhỏ ven bờ vào lên cá mỗi sớm. Song đến mùa gió bấc, nơi đây lại phải tiếp nhận hàng trăm tàu lưới rút, ghe cào của các địa phương khác vào bốc dỡ cá với sản lượng qua bến khoảng 60 tấn/ngày. Những lúc như vậy, bến bãi trở nên chật chội, ghe tàu cũng phải nằm xếp lớp từ trong cầu cảng ra ngoài hàng trăm mét.

Xuống cấp

Bên cạnh tình trạng quá tải, các cảng trên địa bàn xây dựng đã trên dưới 10 năm lại không được tu sửa, cộng thêm số lượng ghe tàu vào neo đậu ngày càng đông, lượng phương tiện cơ giới vận chuyển thủy hải sản ra vào thường xuyên, khiến cho mặt bằng các cảng xuống cấp nhanh chóng, rất khó khăn cho các hoạt động dịch vụ trên bờ, nhất là phương tiện ra vào vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu. Riêng cảng cá Cát Lở, với tổng diện tích mặt bằng 6,2 hecta, đã được Công ty hải sản Biển Đông đầu tư đồng bộ cả khu vực nhà sơ chế cá, nhưng lâu ngày không tu bổ, các khu nhà sơ chế cũng trở nên cũ kỹ, nhếch nhác.

Trên bờ là vậy, luồng lạch dưới nước cũng đã và đang là trở ngại rất lớn cho hoạt động của tàu thuyền. Hầu hết luồng lạch vào các cảng chưa được nạo vét duy tu đúng mức, cộng với những tác động khách quan như: sự thay đổi dòng chảy, tác động của sóng, gió đưa cát vào bờ gây nên bồi lắng, làm cho luồng lạch cạn dần.

Trong khi đó, tại các cảng cá, bến cá, các dịch vụ nghề cá còn manh mún, thiếu thốn. Phần lớn các cảng đều thiếu nguồn nước ngọt, nước đá, thậm chí có những cảng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại, các chủ tàu phải mua từ xe bồn hoặc mua nước đóng chai từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Ngoài ra, hệ thống phương tiện bốc dỡ hàng hóa ở hầu hết các cảng cá đều thô sơ. Trong 18 cảng cá của toàn tỉnh hầu như chưa có hệ thống kho lạnh, nên việc bảo quản và quản lý nguyên liệu chưa đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kìm hãm phát triển

Có thể nói, tình trạng tàu thuyền phải xếp hàng chờ đợi, bất kể sóng gió, xô đẩy, va đập làm hư hỏng phương tiện với chi phí mỗi lần sửa chữa trên dưới 10 triệu đồng. Cạnh đó, nguyên liệu đánh bắt về không được bốc dỡ kịp thời cũng giảm chất lượng thương phẩm, tụt hạng. Ông Cao Xuân Tiều - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn BR - VT cho biết: “Tính ra, tỷ lệ nguyên liệu của lực lượng tàu xa bờ đánh bắt về thông thường có thể phục vụ cho chế biến xuất khẩu 40% nhưng nếu phải nằm chờ bốc nguyên liệu tại cảng thì có khi chất lượng nguyên liệu giảm chỉ còn khoảng 30% đủ tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến XK. Hiệu quả mỗi chuyến biển giảm không nhỏ”. Chính vì vậy, sản phẩm nhập cảng rất lớn nhưng tỷ lệ nguyên liệu đạt yêu cầu chế biến xuất khẩu lại rất thấp.

Hơn thế, việc vào cảng bốc dỡ nguyên nhiên liệu một phần phụ thuộc vào con nước, mà thời gian nước lên lại rất ngắn, nên tốc độ giải phóng nguyên liệu cho các tàu rất chậm. Nhiều chủ tàu chờ lâu sốt ruột, phải thuê ghe nhỏ trung chuyển nguyên liệu vào bờ và chuyển nhiên liệu, nước đá từ bờ trở ra tàu, chi phí cho mỗi chuyến biển tăng lên đến 10-15%. Với cảng Tân Phước, do diện tích mặt nước nhỏ hẹp, cầu cảng lại nằm ở vị trí gần cửa, nước chảy rất xiết nên việc trung chuyển hải sản vào bờ bằng ghe nhỏ còn rất khó khăn. Các chủ tàu đang phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ từ những bất cập này. Còn nghề cá, một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì không thể bứt phá để phát triển được.
 
Theo ông Lê Văn Kháng - Giám đốc công ty CP thủy sản xuất nhập khẩu Côn Đảo, chủ tịch Hội nghề cá tỉnh, hiện nay, bình quân mỗi năm, sản lượng đánh bắt của tỉnh đạt tới 250.000 tấn, nhu cầu của riêng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng tương đương 250.000 tấn. Thế nhưng nguồn nguyên liệu đủ chất lượng phục vụ cho chế biến chỉ khoảng 100.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp đã phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về phục vụ cho hoạt động của nhà máy, có đơn vị lượng nguyên liệu nhập tới 40%.

(Theo Trung Đức // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Chế biến thủy sản cần sớm có quy hoạch toàn quốc
  • Quanh con số xuất siêu nông sản hơn 5 tỷ USD
  • Giá trị thương mại Long An 10 tháng tăng 26% cùng kỳ
  • Cá tra, basa xuất khẩu đều phải sử dụng tên basa
  • Top tăng, giảm tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến
  • Khó xử!
  • Giá sàn cá xuất khẩu - tính dễ, làm mới khó
  • Thủy sản Việt Nam: Cần chiến lược truyền thông hiệu quả đến người tiêu dùng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container