Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, WWF vừa đưa loài cá tra vào sách đỏ trong “Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thuỷ sản 2010-2011” xuất bản tại một số nước châu Âu.
Cá tra nuôi trong ao thông thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: 24H.com.vn |
Trả lời báo chí về thông tin của Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa ra, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói “cá tra” là danh từ chỉ cá da trơn nói chung mà có thể có 2-3 loài hoặc nhiều loài.
Ví dụ như con “cá tra dầu” ở trên sông Mekong có tên khoa học là “Pangasianodon gigas”. Đây là con cá tra khổng lồ nên việc đưa vào danh sách đỏ là hợp lý.
Tuy nhiên, cũng gọi cá tra, nhưng con cá tra chúng ta đang nuôi có tên gọi là “Pangasius hypophthalmus”, là loại cá tra đang được nuôi đại trà, đang sinh sản bình thường thì không thể nằm trong danh sách đỏ được. Vì thế không thể để nhầm lẫn giữa cá tra thông thường và cá tra dầu. Bởi vậy, việc đưa ra tên cá tra chung chung vào sách đỏ là không hợp lý. Hội Nghề cá đề nghị phải làm rõ, chứ không nên để có sự hiểu lầm, gây thiệt cho người sản xuất và cả người tiêu dùng.
Cá tra dầu trên sông Mekong. Ảnh: AP |
Cá tra Việt Nam đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm
Tại Việt Nam từ năm 2004 đến nay, cá tra đã được nuôi trong ao và đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 CM do Hiệp hội Tiếp thị thực phẩm (FMI) Mỹ làm chủ sở hữu và điều hành.
Tiêu chuẩn hiện nay đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt cả của Mỹ và nhiều nước khác cũng như thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng ở các thị trường. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam luôn cập nhật thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế liên tục được đặt ra và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn.” Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Gobal GAP. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang được xuất khẩu đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản.
Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra Việt Nam không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng vì những lý do trên, ngay sau khi sự việc xảy ra, VASEP đã có thư gửi người đứng đầu WFF, ông Mark Powell để phản đối. VASEP đã mời đại diện WFF sang Việt Nam đi thực tế thăm các trại nuôi cá cũng như toàn bộ quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá tra. Ông Mark Powell đã đồng ý sẽ sang Việt Nam.
(Theo Nguyễn Vũ // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com