Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản khẳng định xuất khẩu cá tra đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở hầu hết các thị trường với sản lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt khoảng 300.000 tấn, với giá trị đạt 650 triệu USD, tăng 8,23% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ cá tra đang gặp một số khó khăn nhất định như giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm đang ở mức thấp và thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định.

Xuất khẩu tăng trưởng


Theo các chuyên gia ngành thủy sản, trong những tháng đầu năm 2010, nghề nuôi cá tra chuyển biến tích cực theo hướng phát triển về chiều sâu, hầu hết người nuôi và doanh nghiệp chế biến đã nhận thức đầy đủ và xem chất lượng sản phẩm là vấn đề then chốt.

Do vậy, ngoài việc duy trì mối liên kết với người nuôi, nhiều doanh nghiệp chế biến tiếp tục đầu tư mở rộng vùng nuôi để tự cung tự cấp một phần lớn nguyên liệu.

Thống kê báo cáo của các địa phương đến tháng 6/2010, diện tích hiện thả nuôi của cả nước là 3.600ha (đạt 60% kế hoạch năm), trong đó, địa phương thả nuôi nhiều nhất là Đồng Tháp với gần 1.300ha, An Giang hơn 1.000ha. Với sản lượng cá đã thu hoạch cùng diện tích hiện đang nuôi thả, dự báo tổng sản lượng cá tra của năm 2010 sẽ đạt mức 1,3-1,5 triệu tấn, cao hơn 300.000-400.000 tấn so với năm 2009.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam vào các thị trường đều tăng trưởng mạnh, nổi bật có thị trường Nga đạt 19 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 52,8 triệu USD, tăng 14,6%; thị trường EU đạt 203,8 triệu USD, tăng 8,9 %; các thị trường khác như Arập Xêút, Ôxtrâylia, Mêhicô, Trung Quốc cũng tăng trưởng khá từ 15 đến 30%.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, để đạt được những kết quả trên trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã kịp thời hỗ trợ Hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt Nam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến các nhà nhập khẩu, khách hàng quốc tế, thông qua các hội chợ ở vùng vịnh (Dubai- Arập), Boston (Mỹ), châu Âu (Bỉ) và Alimentaria (Mexico).

Tuy nhiên, một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ cá tra đó là mối liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết ngang giữa người nuôi với người nuôi, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Hầu hết các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình thị trường và thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu chung của cá tra Việt Nam. Một số doanh nghiệp tranh giành thị trường bằng cách tự hạ giá, tăng tỷ lệ mạ băng làm ảnh hưởng đến chất lượng, niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu cá tra Việt Nam.

Cần có các giải pháp đồng bộ


Để nghề nuôi cá tra, basa phát triển bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương, trước mắt, các địa phương cần rà soát cụ thể hóa quy hoạch phát triển nuôi cá tra ở cấp tỉnh, huyện, xã; trên cơ sở đó lập các dự án ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá tra để đầu tư trong năm 2011.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành quy định về điều kiện nuôi cá tra và một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỷ thuật có liên quan, hướng dẫn đánh số vùng nuôi.

Ngay trong tháng 8, Tổng cục Thủy sản đã thành lập tổ công tác tới các địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ điều kiện nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường vùng nuôi, khuyến khích người nuôi áp dụng bộ tiêu chuẩn tiến tiến như GAP, CoC, SQF... trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo điều kiện nuôi trồng thủy sản bền vững, nhanh chóng thực hiện đánh số vùng nuôi làm cơ sở truy suất nguồn gốc, tạo điều kiện tốt cho sản phẩm nuôi có thể vào được các thị trường khó tính.

Tổng cục Thủy sản kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành có liên quan phối hợp chấn chỉnh thị trường thức ăn chăn nuôi và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nuôi và đưa thức ăn vào danh mục nhóm bình ổn giá.

Tổng cục đồng thời, kiến nghị Nhà nước hỗ trợ một lần bằng 30% kinh phí để mua, thay thế đàn cá bố mẹ hiện có bằng đàn cá tra bố mẹ có chất lượng cao cho các trại-cơ sở sản xuất giống cá tra trong vùng; mức tối đa không quá 30 triệu đồng/trại, cơ sở.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, hằng năm nhà nước hỗ trợ người nuôi một lần bằng 20% tiền mua giống đã được cơ quan chức năng công nhận đảm bảo chất lượng; nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/ha. Đối với các dự án đầu tư xây dựng kho lạnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt được nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại trong 5 năm đầu.

Quỹ bình ổn giá cá tra nguyên liệu cũng vừa được thành lập trên cơ sở được trích từ nguồn phụ thu cá tra xuất khẩu, với mức thu bằng tiền Việt Nam đồng tương ứng 1cent USD/kg cá tra xuất khẩu và một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ từ thuế xuất khẩu cá tra với mức 5cent USD/kg cá./.
 
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Dân Châu Á thích thủy sản chế biến Việt Nam
  • Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ở biển Tây
  • Thủy sản năm 2010 “vượt khó”
  • Loay hoay chuyện lúa - tôm
  • Mâu thuẫn lúa - tôm
  • Nuôi trồng thủy sản ở Chương Mỹ Nông dân thiếu kiến thức, “đầu ra” chưa ổn định
  • Vào vụ nhưng vẫn thiếu tôm xuất khẩu
  • Không nên phân biệt hàng thủy sản xuất khẩu với tiêu thụ nội địa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container