Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Loay hoay chuyện lúa - tôm

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình lúa - tôm ở Kiên Giang. Ảnh: Đức Khánh.

Tại hội nghị Phát triển sản xuất lúa - tôm vùng ven biển ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Kiên Giang vào cuối tuần qua, đa số đại biểu đều thừa nhận sản xuất một vụ lúa xen một vụ tôm đúng là một mô hình phát triển bền vững. Chỉ có điều, cách làm như hiện nay chưa đem lại hiệu quả mong muốn và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hình thức khác nhau...

Theo số liệu thống kê, diện tích canh tác theo mô hình lúa - tôm năm 2009 ở ĐBSCL vào khoảng 140.000 héc ta, tăng 2.000 héc ta so với năm 2008. Các nhà chuyên môn cho rằng, những yếu tố về đất đai, thời tiết, tình hình xâm nhập mặn của vùng này rất thích ứng với cơ cấu sản xuất theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm.

Đây cũng là một hệ thống canh tác mới phù hợp điều kiện khu vực ven biển và mang tính bền vững. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng phát triển hệ thống canh tác tôm - lúa ở vùng ĐBSCL còn rất lớn, quy mô sản xuất có thể đạt đến 200.000 héc ta.

Tuy nhiên, diện tích canh tác theo mô hình này hiện nay vẫn chưa ổn định, việc sản xuất còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên. Những tác động về môi trường sản xuất cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình canh tác, năng suất, sản lượng và thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến sự ổn định của các vụ tiếp theo.

Chẳng hạn tại Kiên Giang, nông dân các vùng ven biển như An Minh, Vĩnh Thuận, An Biên... gặp rất nhiều khó khăn khi sản xuất một vụ lúa xen một vụ tôm. Anh Nguyễn Văn Lâm, một trong những hộ sản xuất theo mô hình lúa - tôm, cho biết: “Năm nào mưa nhiều thì thuận lợi cho việc rửa mặn trồng lúa nhưng ngặt nỗi lại gây sốc cho tôm nuôi. Ngược lại, mưa ít khiến đất ruộng có độ mặn cao và xì phèn cũng gây bất lợi cho sinh trưởng của con tôm và cả cây lúa”.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năng suất bình quân của mô hình lúa - tôm hiện nay chưa cao: lúa chỉ đạt khoảng 3,8 tấn/héc ta và tôm chỉ 0,27 tấn/héc ta. Còn tại Cà Mau, năng suất lúa sản xuất theo mô hình này chỉ đạt khoảng 3,6 tấn/héc ta.

Ông Dư cho rằng: “Năng suất canh tác theo mô hình lúa - tôm còn thấp vì phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là thời tiết và hệ thống thủy lợi để điều tiết mặn, ngọt. Mặt khác, cơ cấu mùa vụ và giống lúa không phù hợp cũng khiến năng suất không cao”.

Bên cạnh đó, do chưa triển khai đồng bộ và quy hoạch rõ ràng, tình trạng tranh chấp lúa - tôm kéo dài tại nhiều địa phương trong thời gian qua càng làm tăng nguy cơ nhiễm mặn trên diện rộng.

Còn nhớ mấy tháng trước, việc tranh chấp mặn - ngọt giữa người nuôi tôm và trồng lúa diễn ra hết sức gay gắt ở Bạc Liêu, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp. Lúc đó, người dân nuôi tôm sú ở các xã Tân Phong, Tân Thạnh, Phong Tân thuộc huyện Giá Rai, do thiếu nước mặn phải “cầu cứu” lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẩn trương điều tiết nước mặn vào để cứu hàng trăm héc ta tôm.

Nhưng cùng thời điểm trên thì nước mặn lại xâm nhập sâu vào vùng ngọt ổn định chuyên sản xuất lúa thuộc các huyện Phước Long, Hồng Dân, đe dọa khoảng 24.000 héc ta lúa đông xuân.

Ngay sau đó, địa phương phải bố trí lịch điều tiết nước, cứ hai ngày điều tiết nước mặn để nuôi tôm thì tám ngày kế tiếp phải xổ nước mặn ra để đưa nước ngọt từ thượng nguồn về phục vụ sản xuất lúa. Tuy nhiên, với lịch điều tiết nước như vậy, nhiều diện tích tôm lại bị thiếu nước trầm trọng, do đó nông dân nuôi tôm tiếp tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng điều tiết nước mặn vào cứu hàng trăm héc ta tôm nuôi đang “hấp hối”. Tôm không ổn mà lúa cũng chưa xong!

Đó là chưa kể tình trạng chuyển đổi đất lúa và nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch theo kiểu “da beo” cũng xảy ra ở nhiều nơi, làm nảy sinh mâu thuẫn và thiệt hại cho cả người nuôi tôm lẫn người trồng lúa.

Theo ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu: “Thực tế sản xuất mô hình lúa - tôm còn nhiều hạn chế bởi rất khó điều tiết, hài hòa mặn - ngọt. Giống lúa sản xuất trên đất nuôi tôm chủ yếu là lúa mùa, lúa ngắn ngày chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, chưa có quy hoạch khép kín vùng sản xuất lúa - tôm nên khi thời tiết bất thường, nắng hạn sẽ thiếu nước ngọt bổ sung”.

Còn theo ông Dư, để mô hình sản xuất lúa - tôm phát triển bền vững, cần quan tâm về quy hoạch, định hướng phát triển, hoàn chỉnh kỹ thuật canh tác cho từng vùng, từng tỉnh; nghiên cứu và cung ứng các giống lúa có thể chống chịu được mặn ở đầu hoặc cuối vụ; tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ cho từng cánh đồng; xây dựng vùng nguyên liệu lúa, tôm theo hướng GAP để gia tăng giá trị...

(Theo Đức Khánh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container