Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mâu thuẫn lúa - tôm

Mô hình sản xuất lúa - tôm ở vùng ven biển ĐBSCL hiện đang gặp vô vàn khó khăn do bị động bởi thời tiết, giống lúa không phù hợp dẫn đến năng suất thấp

Tình thế khó khăn của mô hình sản xuất lúa - tôm đã được mổ xẻ tại hội nghị phát triển sản xuất lúa - tôm vùng ven biển ĐBSCL do Bộ NN - PTNT tổ chức ngày 23 - 7, tại Kiên Giang.

Chưa có giống lúa phù hợp

Năm 2009, diện tích canh tác theo mô hình lúa - tôm (luân canh một vụ lúa - một vụ tôm) ở ĐBSCL có khoảng 140.000 ha, tăng 2.000 ha so với năm 2008. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích gia tăng chủ yếu là do việc hoàn chỉnh hệ thống canh tác của mô hình này so với những năm trước chứ không xuất phát từ việc mở rộng mô hình.

Sở NN - PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết hiện nay, năng suất bình quân lúa - tôm chưa cao, năng suất lúa chỉ đạt khoảng 3,8 tấn/ha và tôm chỉ 0,27 tấn/ha. Còn theo Sở NN - PTNT Cà Mau, năng suất lúa sản xuất theo mô hình này chỉ đạt khoảng 3,6 tấn/ha.

Ông Dư khẳng định: “Năng suất lúa - tôm thấp vì phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là khí tượng thủy văn và hệ thống thủy lợi điều tiết mặn, ngọt; cơ cấu mùa vụ và giống lúa không phù hợp. Song quan trọng nhất là hiện có rất ít giống lúa có khả năng chống chịu với độ mặn vượt hơn 1%0 trong khoảng một thời gian dài”.

Lợi nhuận từ thu hoạch tôm vẫn chưa thể giúp nông dân sản xuất theo mô hình lúa - tôm vượt qua khó khăn

Theo ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Bạc Liêu, nguồn nước sản xuất của mô hình lúa - tôm chủ yếu là nước mưa nên không thể chủ động nguồn nước.

Thực tế,mô hình này đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế bởi rất khó hài hòa, điều tiết mặn, ngọt. Những vụ đầu, gặp trời mưa lớn, nước ngập sâu, nông dân phải tốn kém nhiều cho việc bơm tát để xuống giống.

Sau đó, nền đất nuôi tôm có độ mặn tích lũy cao nên khi gặp nắng hạn, độ mặn tăng cao làm chết lúa. Ông Quang nói rằng hiện nay đang thiếu giống lúa chịu mặn cho mô hình này. “Ngoài ra, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng chưa hoàn chỉnh, chưa có quy hoạch vùng khép kín vùng sản xuất lúa - tôm nên khi gặp nắng hạn sẽ thiếu nước ngọt bổ sung” - ông Quang phân tích.

Tranh chấp lúa - tôm

Nông dân Kiên Giang cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Những năm mưa nhiều thì thuận lợi cho việc rửa mặn để trồng lúa nhưng sau đó, không đủ mặn để nuôi tôm.

Ngược lại, mưa ít, khô hạn làm ruộng có độ mặn cao, ảnh hưởng đến cả cây lúa lẫn con tôm. Ngoài ra, tình trạng tranh chấp lúa - tôm kéo dài tại nhiều nơi trong thời gian qua làm tăng nguy cơ nhiễm mặn trên diện rộng. Vì cái lợi trước mắt, khi tôm có giá, nông dân kéo dài thời gian nuôi tôm nên thời gian rửa mặn để sản xuất lúa rất ngắn. Sau đó, do độ mặn trong ruộng lúa còn cao, phải kéo dài thời gian rửa mặn, xuống giống trễ so với mùa vụ, có thể làm giảm năng suất hoặc mất trắng.

TS Phạm Trung Nghĩa, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết hiện các giống lúa chỉ có khả năng chịu mặn từ 3%0 đến 4%0. Trong khi đó, nhiều nơi sản xuất lúa - tôm, độ mặn biến động từ 5%0 đến 14%0, làm giảm năng suất thậm chí gây chết lúa, thiệt hại hoàn toàn.

Lúa hè thu vẫn... ế

Tại hội nghị giao ban sản xuất vụ hè thu năm 2010 diễn ra tại Kiên Giang ngày 23 - 7, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho biết: Tình hình xuất khẩu gạo nhìn chung thuận lợi và thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay là khả quan.

Tuy nhiên, do phẩm chất gạo hè thu kém nên giá thu mua khó có thể nâng lên. Cũng theo ông Bảy, giá lúa thu mua trung bình hiện nay là 3.600 đồng/kg đối với loại IR 50404 và 3.800 đồng/kg đối với lúa hạt dài.

Nhưng nếu nói bảo đảm cho nông dân lãi 30% thì rất khó và hiệp hội cũng chưa dám cam kết. Ông Bảy đề xuất: Giảm diện tích trồng lúa, có thể bỏ hẳn vụ xuân hè để tập trung vào vụ thu đông, dễ tiêu thụ, nhất là phải bỏ sử dụng giống lúa IR 50404.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Bùi Bá Bổng cho biết hiện nay, lượng lúa hàng hóa tồn đọng lên đến 5 triệu tấn. “Với tiến độ thu mua thế này thì thời gian tới khó có thể tiêu thụ nhanh lúa trong dân và giá lúa khó có thể kéo lên” - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng lo ngại.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất: Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hoặc khoanh dãn nợ ngân hàng để nông dân giảm áp lực bán lúa trong thời gian rớt giá.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT An Giang, cho biết chiết tính giá thành lúa hè thu tại An Giang đã lên đến 3.853 đồng/kg. Trong khi đó, tại tỉnh này, giá mua lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ khoảng 3.800 đồng/kg, còn lúa thường như IR50404 chỉ 3.200 đồng/kg.

(Bài và ảnh: QUỐC DŨNG   // Nguoilaodong Online)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container