Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ở biển Tây

Kiên Giang có gần 70% tàucó công suất nhỏ.

Vùng biển Tây của nước ta thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Với ngư trường rộng lớn và trữ lượng thủy sản được xếp vào loại bậc nhất cả nước, thế nhưng vùng biển này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản do lối khai thác sử dụng công cụ hủy diệt đang hoành hành.

Công khai vi phạm

Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) Trần Thị Hồng, cho biết: Huyện Kiên Hải hiện có hơn 1.600 tàu khai thác thủy sản, nhưng trong đó có đến hơn 80% tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ với những cách khai thác truyền thống như: lưới ghẹ, ốc mực, lú…

Hiện nay, nghề đánh nhỏ của ngư dân Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương như Hòn Nghệ, Sơn Hải đang gặp khó vì bị các phương tiện như cào bay, cào đôi, cào điện,... ở các huyện An Biên, Châu Thành, Hòn Đất (Kiên Giang) đến uy hiếp.

Từ đầu năm đến nay, trên ngư trường huyện Kiên Hải đã xảy ra 18 vụ tranh chấp, nhưng phần thua thiệt luôn thuộc về nghề đánh bắt nhỏ. Vụ xung đột gần đây nhất là giữa tàu KG 4414 TS và KG 91330 TS. Tàu KG 4414 TS hành nghề ốc mực, đang hoạt động cách hòn Củ Tron (Lại Sơn, Kiên Hải) khoảng 3 hải lý thì va chạm với phương tiện cào đôi KG 91330 TS. Hậu quả tàu KG 4414 TS bị chìm tại chỗ, hư hỏng nặng, thiệt hại khoảng 77 triệu đồng. Sau khi xảy ra va chạm, tàu KG 91330 TS không tham gia cứu vớt hai ngư phủ tàu KG 4414 TS bị rơi xuống biển, mà bỏ chạy vào bờ. Một trường hợp khác, trong lúc đang câu mực, chiếc thuyền nhỏ của ông Nguyễn Văn Lân, ngụ ấp Thiên Tuế, xã đảo Lại Sơn bất ngờ bị tàu cào đôi tông vào làm thuyền bị hư hỏng nặng. Không những thế, ông Lân còn bị ngư phủ trên tàu cào đôi dùng vật cứng ném vào đầu gây thương tích rồi bỏ chạy...

Mặc dù sở hữu một ngư trường tương đối rộng lớn và số lượng tàu đánh bắt tương đối nhiều nhưng sản lượng khai thác những năm qua của huyện đảo Kiên Hải đạt không cao, nhất là sản phẩm có giá trị kinh tế. Bà Trần Thị Hồng nhận định, tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và tình trạng khai thác sử dụng công cụ hủy diệt đang ở mức báo động.

Không chỉ vi phạm những quy định cấm, họ còn ngang nhiên khai thác bừa vào khu vực thả lưới, thả câu, buông chài của những phương tiện nhỏ. “Họ hoạt động giữa ban ngày, không hề lén lút. Đứng trên đảo nhìn ra cũng có thể thấy được”. Nhưng rõ nhất là khi biển động, các tàu này vào đậu kín tại hòn Ngang và hòn Củ Tron (Kiên Hải).

Được biết, trước đây huyện Kiên Hải có đội tàu liên ngành tuần tra bảo vệ ngư trường nên tình trạng trang chấp ngư trường, cào bờ, cào bay, cào điện… xảy ra không đáng kể. Nhưng từ khi đội tàu này giao về cho Sở NN và PTNT quản lý, tình trạng này ngày một gia tăng.

Khai thác hủy diệt môi trường là tự hủy hoại tương lai.

Nguồn lợi dần cạn kiệt

Ngư trường của Kiên Giang nằm trong vùng biển Tây, với 200 km bờ biển và hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, nên khai thác thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với ngành nghề này đã tạo việc làm, ổn định thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn gia đình. Sản phẩn làm ra không chỉ cung cấp dồi dào cho thị trường trong nườc mà còn đóng góp tích cực cho xuất khẩu.

Một cán bộ Sở NN và PTNT Kiên Giang dẫn chứng: “Nếu như 20 năm trước một phương tiện với công suất 20CV làm nghề cào tôm với chi phí tiêu hao 20 lít dầu có thể khai thác được 100kg tôm. Nhưng hiện nay, cũng loại phương tiện này, cũng với số nhiên liệu đó nhưng chỉ khai thác được khoảng 5kg tôm cùng loại”. Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá (Kiên Giang) than: “Chi phí cho mỗi chuyến biển đã tăng rất nhiều so với trước đây. Trong khi đó ngư trường gần dường như không còn cá, tàu phải ra rất xa, thời gian và chí phí tăng lên nhưng lợi nhuận lại giảm”.

Không cho rằng, cạn kiệt đến mức báo động, nhưng kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Kiên Giang cũng thừa nhận, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Tây dần cạn kiệt, nhất là những sản phẩm lớn, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nguyên nhân do lượng tàu khai thác ở Kiên Giang tăng nhanh - hiện hơn 11.700 chiếc, Cà Mau khoảng 5 nghìn chiếc, công với hơn hàng chục nghìn tàu từ nơi khác đến vùng biển này hoạt động tạo nên một mật độ dày đặc. Trong số này có hơn 70% tàu khai thác gần bờ, nhiều tàu khai thác sử dụng công cụ hủy diệt môi trường, nguồn lợi như cào có gắn xung điện, cào bờ, sử dung lưới mắt nhỏ hơn quy định, nạn xiệp mé cũng tái hoạt động trở lại và do biến đổi khí hậu, nước biển nóng hơn, nắng hạn… Tuy nhiên đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng khai thác sử dụng dụng cụ hủy diệt và sử dụng nghề khai thác cấm. Vì tình trạng này chẳng những không giảm mà tăng cao trong thời gian gần đây. Trong sáu tháng đầu năm 2010, Thanh tra Sở NN và PTNT Kiên Giang đã tổ chức tuần tra 35 cuộc trên biển, phát hiện đến 713 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản, phạt gần 3,2 tỷ đồng và tịch thu nhiều dụng cụ hành nghề trái phép. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng thừa nhận, “số vụ bắt được và số tiền phạt vẫn còn quá ít so với thực tế. Nhưng do lực lượng còn mỏng, phương tiện còn thiếu, nên chưa thể duy trì hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên”.

Cần một giải pháp căn cơ

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gia qua công tác tuyên truyền đã đến với ngư dân. Hầu hết ngư dân đều hiểu biết về chính sách pháp luật, những quy định trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên do lợi nhuận đem lại từ vi phạm lớn hơn gấp nhiều lần mức xử phạt nên nhiều chủ tàu lờ đi những quy định và sẵn sàng nhận mức phạt nếu bị phát hiện. Cũng có nhiều phương tiện vi phạm suốt quá trình khai thác, đánh bắt nhưng chưa hề bị xử phạt, bị tịch thu ngư cụ… dẫn đến sự thiếu công bằng, khiến nhiều chủ phương tiện thay đổi cách nghĩ “dại gì tuân thủ để thiệt”.

Nghị định số 31 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã có hiệu lực từ giữa tháng năm năm nay, trong đó quy định mức xử phạt nặng hơn và kèm theo những hình phạt bổ sung. Theo Nghị định, mức phạt vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản lên đến 10 triệu đồng, vi phạm quy định bảo vệ các loài thủy sản có thể bị phạt tới 40 triệu đồng, vi phạm quy định về khai thác thủy sản có thể bị phạt tới 20 triệu đồng kèm theo các hình phạt bổ sung như: bị tịch thu trang bị, phương tiện, kể cả tàu cá. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng cho rằng, nghị định mới thể hiện sự cứng rắn hơn trong công tác xử lý vi phạm. “Xử dụng chất độc, chất nổ trong khai thác, tái sử dụng kích điện hoặc sử dụng điện trực tiếp từ máy phát điện trên tàu để khai thác có thể bị tịch thu tàu cá”.

Để bảo vệ ngư trường và nguồn lợi thủy sản, tỉnh Kiên Giang vừa họp củng cố ban chỉ đạo công tác này, đồng thời đề ra hàng loạt các giải pháp như: Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền; tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm; nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong giáo dục ngư dân và trong kiểm tra, xử lý vi phạm…Điều đáng mừng, tỉnh Kiên Giang vừa phân bổ kinh phí để đóng mới một tàu kiểm ngư có công suất lớn có thể hoạt động xa bờ và hoạt động tốt trong thời tiết gió cấp 6-7. Đồng thời một số tàu nhỏ cũng đang lên kế hoạch đóng mới để cho lực lượng thanh tra làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên về lâu dài, các tỉnh ven biển nói chung và Kiên Giang nói riêng cần tính đến phương án thay đổi ngành nghề cho những lao động đang sở hữu những phương tiện nhỏ hành nghề khai thác ven bờ. Giải pháp này mặc dù tốn kém nhưng rất căn cơ.

(Bài và ảnh: VIỆT TIẾN // Nhandan Online)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Thủy sản năm 2010 “vượt khó”
  • Loay hoay chuyện lúa - tôm
  • Mâu thuẫn lúa - tôm
  • Nuôi trồng thủy sản ở Chương Mỹ Nông dân thiếu kiến thức, “đầu ra” chưa ổn định
  • Vào vụ nhưng vẫn thiếu tôm xuất khẩu
  • Không nên phân biệt hàng thủy sản xuất khẩu với tiêu thụ nội địa
  • Trà Vinh trúng vụ tôm, lo cảnh “xếp hàng” tiêu thụ
  • Hướng đi cho sản phẩm cá tra, ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container