Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nuôi trồng thủy sản ở Chương Mỹ Nông dân thiếu kiến thức, “đầu ra” chưa ổn định

Những năm gần đây, huyện Chương Mỹ đã tích cực chuyển đổi các vùng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Thu nhập trên một héc ta NTTS bình quân đạt 150-200 triệu đồng/héc ta (cao gấp 5 lần so với cấy lúa).

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong NTTS ở Chương Mỹ hiện nay là thực hiện việc dồn điền đổi thửa. Cùng với đó, phần lớn các hộ nông dân còn thiếu kiến thức về NTTS, chỉ tập trung nuôi các loại cá truyền thống và đầu ra cũng chưa ổn định…
 
Nông dân thiếu kiến thức

Kiến thức nuôi trồng và đầu ra cho thủy sản đang là vấn đề khó của nhiều hộ ở Chương Mỹ.

Hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ có hơn 1.000ha diện tích đất có tiềm năng NTTS, trong đó đã chuyển đổi được 600ha, tập trung ở các xã Trường Yên, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ… Về lợi ích kinh tế, những diện tích từ NTTS đem lại thu nhập bình quân cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa, mỗi héc ta NTTS thu được từ 3-6 tấn/héc ta (tương đương 150-200 triệu đồng/héc ta).

Tuy nhiên, NTTS ở Chương Mỹ còn khó khăn, Phó phòng Kinh tế huyện Hoàng Văn Thám cho biết: Từ nhiều năm nay, huyện đã tích cực chuyển đổi những diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS nhưng một số diện tích rất khó chuyển đổi, do người dân có tâm lý muốn đền bù, giải phóng mặt bằng như đất đô thị, công nghiệp, trả tiền một lần; không muốn cho thuê làm nông nghiệp. Điều này rất khó khăn cho chuyển đổi vì nông dân làm nông nghiệp không nhiều vốn, để có được một héc ta NTTS hộ nông dân phải đầu tư hàng tỷ đồng, đối với họ là điều hết sức khó khăn. Vì vậy, hiện nay việc dồn điền đổi thửa ở một số diện tích có tiềm năng NTTS trên địa bàn huyện không thể thực hiện được. Ngoài ra, người dân vẫn thiếu kỹ thuật trong NTTS, họ chỉ nuôi đơn giản, thủ công, nên hiệu quả không cao, có năm thu 6 tấn cá/héc ta, nhưng có năm chỉ đạt 3-4 tấn cá/héc ta. Hơn nữa, không chỉ thiếu kỹ thuật nuôi thả mà nông dân cũng chưa có kiến thức về thị trường, thường tập trung nuôi một loại cá truyền thống như trắm, mè, chép… trong khi đó nhu cầu thị trường cần những loại cá đặc sản lại không có, dẫn đến đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh.

Mặt khác, NTTS đòi hỏi quy hoạch bờ bao kiên cố, nhất là với địa hình vùng trũng, vào mùa mưa chỉ cần lượng mưa trên 300mm có thể gây ngập tràn bờ, cá có thể bị thất thoát hoặc mầm bệnh theo nước tràn vào. Trong khi đó vốn để thực hiện việc kiên cố hóa bờ bao là con số lớn đối với người nông dân. Nguồn nước vào, ra các ao hồ vẫn còn hạn chế, mầm bệnh trong nước chưa được kiểm soát triệt để ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá, dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, gây tổn thất cho nông dân. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm, anh Trịnh Bá Khiêm, xã Trường Yên cho biết, với diện tích 24 mẫu ruộng thầu, mỗi vụ anh thu 20 tấn cá, nhưng đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, phần nhiều phụ thuộc vào tư thương đến thu mua. Hơn nữa, con cá không như con lợn, con gà có thể vận chuyển xa được mà phải tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch, với số lượng lớn như vậy vào mỗi vụ thu hoạch thì việc tiêu thụ không phải là đơn giản.

Chuyển từ tập huấn sang đào tạo nghề

Theo ông Hoàng Văn Thám, thời gian tới các cơ quan chuyên môn như trung tâm khuyến nông, chi cục thủy sản nên đổi phương thức từ tập huấn sang đào tạo nghề với thời gian dài hơn để nông dân có thể nắm vững những kiến thức cơ bản về NTTS, tìm hiểu nhu cầu thị trường để nuôi thả các loại thủy sản đạt giá trị thu nhập cao; đồng thời tăng cường công tác thông tin về thị trường, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa người thu mua và người nuôi.

Bên cạnh việc nuôi những loại con truyền thống, người dân cần đa dạng hóa các loại thủy sản, xác định các đối tượng nuôi mới như cá rô phi, cá trắm giòn, cá điêu hồng... và nuôi theo hình thức thâm canh mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc cải tạo ao trước mùa mưa, chú ý kiểm tra chất lượng nước, vệ sinh đáy ao, quản lý môi trường, kiểm dịch giống, phòng bệnh... phải được tiến hành thường xuyên. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các hộ nông dân, huyện Chương Mỹ cần xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn bao gồm chính sách về giống, diện tích NTTS, hỗ trợ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; đồng thời tập trung nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, nuôi cá thương phẩm, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ các loại dịch bệnh thường xảy ra trên thủy sản.

Ngoài những diện tích NTTS theo quy hoạch của huyện, mới đây UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu NTTS tập trung tại 3 xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ với tổng kinh phí 150 tỷ đồng. Khi thực hiện dự án này sẽ chuyển đổi 200ha. Cùng với đó là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS tập trung tại thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, tổng diện tích 100ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 75 tỷ đồng. Những dự án trên chắc chắn sẽ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, đưa NTTS ở Chương Mỹ phát triển bền vững.

(Theo Quỳnh Dung // Hanoimoi Online)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container