Mặc dù đã có cam kết “sửa sai” ngày 15/12 của ông Mark Powell, đại diện Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), nhưng con cá tra Việt Nam vẫn chưa vượt được rào cản lần này.
Tại cuộc thảo luận giữa phía Việt Nam và phía WWF chiều 16/12 để bàn thảo những nội dung hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành cá tra Việt Nam, trong khi Việt Nam muốn trả lại hình ảnh cá tra và hai bên cùng phối hợp để đạt được lợi ích chung thì WWF muốn Việt Nam sử dụng bộ tiêu chí ASC họ đưa ra. Trả lời báo chí sau buổi thảo luận với WWF, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng thủy sản, cho hay: Theo thông tin từ WWF, vì chưa nhận được tin của phía WWF tại 6 nước châu Âu, nên chưa có câu trả lời chính xác việc WWF đã gỡ bỏ cá tra VN trong ngày 16/12 hay chưa.
Theo ông Tuấn, kết quả làm việc chiều 16/12 chưa đi đến được biên bản cuối cùng, hai bên mới tạm dừng lại ở biên bản ghi nhớ. “Còn một số điểm Việt Nam đưa ra, ông Mark hứa sẽ trả lời sau vì ông này không đủ thẩm quyền quyết định. WWF lại muốn Việt Nam ghi ngay vào biên bản việc đồng ý áp dụng tiêu chuẩn ASC nhưng chúng tôi chưa đồng ý, vì chưa hiểu rõ tiêu chuẩn ASC do phía WWF đưa ra như thế nào. Chúng tôi chỉ đồng ý tại biên bản ghi nhớ, là hai bên cam kết cùng hỗ trợ nền nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn toàn cầu về khía cạnh an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường”, ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep, quyết tâm trong 4 - 5 năm nữa, toàn bộ ngành sản xuất cá tra Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn Global GAP. Đây là bộ tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất cho đến nay. Việt Nam đã áp dụng từ đầu năm 2010, và hàng chục doanh nghiệp được chứng nhận. “Trong khi chúng tôi đang phấn đấu để đạt được bộ tiêu chuẩn cao nhất này, thì “nảy sinh” việc WWF đưa ra bộ tiêu chuẩn do họ xây dựng, có tên là ASC và “khuyến cáo” nên sử dụng bộ tiêu chí này. Mà để được cấp chứng nhận ASC, hộ nuôi ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí về nuôi trồng bền vững, còn phải trả một khoản phí nhất định. Và nếu thực hiện ngay thì lộ trình thực hiện cũng phải kéo dài hơn đối với Global Gap và coi như những đầu tư cho tiểu chuẩn Global Gap trước đến nay bỏ đi”, ông Dũng cho biết.
Khi được hỏi về nguyên nhân của việc đưa cá tra Việt Nam (cung cấp tới 95% nguồn cá tra thương phẩm toàn cầu) vào danh sách khuyến cáo tiêu dùng màu đỏ, có phải do sự cạnh tranh của hai bộ tiêu chuẩn ASC của WWF và Gobal GAP, ông Mark Powell nói rằng không phải. Tuy nhiên, vấn đề thu phí khi hộ nuôi được cấp chứng chỉ ASC, ông Powell cho hay: WWF cam kết sẽ dùng tất cả các mối quan hệ của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, phục vụ quá trình cấp chứng nhận ASC cho các hộ nuôi Việt Nam?
Vấn đề này sẽ tiếp tục thảo luận giữa hai bên trong hôm nay.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com