Thông cáo của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam ngày 13/12 đồng thời cũng yêu cầu WWF gỡ bỏ thông tin liên quan đến việc áp đặt nhãn đỏ cho cá tra Việt Nam.
Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên (WWF) các nước Đức, Áo, Thụy Sỹ, Nauy, Bỉ, Đan Mạch vừa qua đã cung cấp cho phía Việt Nam bảng tiêu chí và kết quả đánh giá để dẫn tới kết luận cá tra nằm trong danh sách sản phẩm mang nhãn đỏ.
“Đánh giá của WWF là võ đoán”
Sau khi nghiên cứu bảng tiêu chí và kết quả đánh giá này, Hội nghề cá đánh giá, phương pháp luận để xây dựng Bộ 19 câu hỏi của WWF không phản ánh đúng bản chất của quan điểm nuôi thủy sản bền vững.
Theo đó, CoC của FAO công bố nuôi thủy sản bền vững là cơ sở nuôi phải đáp ứng các tiêu chí: An toàn môi trường, an toàn bệnh dịch, an toàn thực phẩm và thực hiện chính sách xã hội. Trong khi, 19 câu hỏi của WWF chỉ đề cập đến một số khía cạnh của an toàn môi trường, an toàn bệnh dịch, không có chỉ tiêu về an toàn thực phẩm và chính sách xã hội.
Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, Bộ 19 câu hỏi do WWF đưa ra không đủ thông tin, với các mức lỗi (cho điểm) không tách thành các chỉ tiêu, phương pháp xây dựng, thu thập thông tin và công bố kết quả vi phạm tiêu chí “công khai”. Trong quá trình xây dựng 19 câu hỏi, thực hiện đánh giá, công bố kết quả, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam, người nuôi cá tra Việt Nam và WWF tại Việt Nam đều không được biết.
19 câu hỏi để đánh giá sản xuất bền vững, nhưng thiếu rất nhiều so với CoC của FAO; chuyên gia đánh giá không trực tiếp đến Việt Nam mà dựa vào 1 bài báo và 1 báo cáo khoa học của Đại học Wageningen Hà Lan (năm 2009), trước khi công bố kết quả không gửi cho Việt Nam góp ý. Như vậy, kết quả đánh giá và kết luận của WWF về cá tra Việt Nam là thiếu tính “minh bạch và cơ sở khoa học”.
Hội cũng nhận định, công bố kết quả của WWF là mang tính võ đoán và áp đặt bởi từ thông tin cá biệt mà áp đặt cho toàn bộ ngành nuôi cá tra Việt (với 6000 ha năm 2010 tương ứng 1,5 triệu tấn của hơn 10 ngàn hộ nuôi) là hết sức phi lý, và chưa có tiền lệ quốc tế.
Yêu cầu WWF phải gỡ bỏ thông tin áp đặt nhãn đỏ cho cá tra Việt Nam
Hội nghề cá Việt Nam cho biết, sự việc này đã không chỉ khiến danh dự người nuôi cá tra bị bôi nhọ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng 6 nước Châu cũng như quan hệ hợp tác Việt Nam – EU.
Trong thông cáo của mình, Hội nghề cá kiến nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ Việt Nam yêu cầu WWF 6 nước châu Âu gỡ bỏ thông tin liên quan đến việc áp đặt nhãn đỏ (không nên sử dụng) cho cá tra Việt Nam đồng thời phải xin lỗi người nuôi cá tra, Chính phủ Việt Nam và người tiêu dùng châu Âu.
Hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT triển khai gấp việc hướng dẫn người nuôi áp dụng GAP, CoC của Việt Nam; đánh giá công nhận và công bố rộng rãi trên thế giới và trong nước; rà soát và loại bỏ các cụm từ yêu cầu người nuôi áp dụng SQF, SGS, Global-GAP ra khỏi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản chỉ đạo của Bộ. Vì đây không phải là văn bản Luật, người nuôi làm theo hay không là hoàn toàn tự nguyện và tốn rất nhiều tiền để nộp phí chứng nhận.
Ngày mai, 15/12, lãnh đạo chương trình Thủy hải sản toàn cầu, ông Mark Powell, sẽ có mặt ở Hà Nội để trả lời các câu hỏi về kỹ thuật liên quan đến phương pháp và quy trình đánh giá.
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com