Nguyên liệu nông thuỷ sản Việt Nam được thương lái mua bán sang Trung Quốc. Nhưng các sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu cả về giá lẫn chất lượng vẫn chưa tìm được cơ hội vào thị trường láng giềng này.
Vissan, đơn vị dự trữ và cung cấp lượng thịt gia súc, gia cầm lớn nhất trên thị trường thành phố hiện nay, vẫn chưa thể xuất các sản phẩm chế biến sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Nguyên liệu nông thuỷ sản Việt Nam được thương lái mua bán sang Trung Quốc. Nhưng các sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu cả về giá lẫn chất lượng vẫn chưa tìm được cơ hội vào thị trường láng giềng này.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về thực phẩm. Thế nhưng, dường như doanh nghiệp vẫn chưa tìm ra cơ hội nào.
“Mua dồn dập, ngưng đột ngột”
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc trên 300 triệu USD/năm, chủ yếu đi bằng đường tiểu ngạch. Doanh nghiệp thuỷ sản làm ăn với Trung Quốc chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ tư nhân.
Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nhu cầu thuỷ sản tại thị trường Trung Quốc ngày càng tăng, nên gần đây họ sang Việt Nam thu mua nguyên liệu khá nhiều. Tuy vậy, khó đánh giá tiềm năng cũng như cơ hội đến từ thị trường này vì nó thiếu tính ổn định và hầu như phía Trung Quốc chỉ mua nguyên liệu thô theo mùa vụ.
Thị trường Trung Quốc được đánh giá là có nhu cầu lớn về con cá tra. Nhưng ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang cho biết: phải đi vòng qua Hong Kong, sau đó hàng mới chuyển vào Trung Quốc. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Agrifish An Giang xuất khoảng 10 container cá tra sang Hong Kong và con số sẽ tiếp tục gia tăng vì… nhu cầu từ Trung Quốc đang tăng. Ông Ký lý giải: nhà nhập khẩu Trung Quốc không thích mua chính ngạch mà chỉ muốn mua tiểu ngạch. “Xuất chính ngạch sang Hong Kong sẽ an toàn hơn vì thanh toán bằng tín dụng thư (L/C). Giá cũng tương đương với thị trường châu Âu”, ông Ký nói.
Ông Trần Văn Phẩm, giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Sóc Trăng, cũng cho rằng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc chưa đủ tin cậy để phát triển số lượng lớn nên những đại gia thuỷ sản Việt Nam chưa mặn mà khai thác.
Một số doanh nghiệp khác còn cho rằng, họ rất sợ sự dễ dãi của thị trường Trung Quốc, vì nếu lệ thuộc quá nhiều mà gặp rủi ro thì khó có cơ hội thâm nhập các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao như Nhật, châu Âu, Mỹ…
“Có lúc họ mua dồn dập, mình đổ xô chở hàng ra biên giới thì họ... bất ngờ ngưng mua”, một thương nhân có buôn bán với Trung Quốc nói.
Những ngày gần đây, giá thanh long đang tăng lên đến 12.000 – 13.000 đồng/ kg do thương lái gom hàng sang Trung Quốc. Thế nhưng, cũng như các năm trước đây, mua bán theo kiểu không có hợp đồng. Nhiều người đang lo, khi nguồn hàng ra biên giới dồi dào thì bị ngưng mua, đẩy giá xuống… như từng xảy ra trước đây.
Chưa tìm được cửa
Vài tháng trở lại đây, mặc dù Trung Quốc mua khá nhiều heo của Việt Nam, nhưng hầu hết doanh nghiệp trong ngành lại khẳng định không có nhiều cơ hội để khai thác sự kiện này. Nói là sự kiện, vì từ trước đến nay, do giá thành chăn nuôi cao (Trung Quốc khoảng 25.000 đồng/kg, Việt Nam trên 34.000 đồng) nên thịt heo Việt Nam không có cửa thâm nhập thị trường này. Gần đây do một vài địa phương giáp ranh Việt Nam bị thiếu hụt thực phẩm nên họ mới sang Việt Nam mua heo.
“Xúc xích, giò, chả, thịt hộp, lạp xưởng… bán ở Trung Quốc rất rẻ”, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan nhận xét như vậy. Theo ông, ngoài việc khó cạnh tranh về giá cả thì doanh nghiệp cũng khó tìm ra bí quyết để chế biến ra sản phẩm có mùi vị hợp với thị hiếu người Trung Quốc.
Ông Phùng Khôi Phục, thành viên HĐQT tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai nói rằng, cách đây hai ngày ông tiếp xúc với một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm đến từ Trung Quốc, nhưng trả giá quá rẻ nên không thể làm được. Ông Phục cho rằng, ngành chăn nuôi Trung Quốc có quy mô rất lớn, nên giá thành chăn nuôi rất thấp. Một khi nguyên liệu đầu vào rẻ thì sản phẩm chế biến cũng có sức cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam khó có cơ hội tiếp cận khi phải sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa giá cao.
Phải chủ động nguyên liệu
Ông Phùng Khôi Phục nhìn nhận: “Một khi thiếu hụt thì thương nhân Trung Quốc sẽ sang Việt Nam thu gom heo và lúc đó thị trường nội địa sẽ lại căng thẳng”. Nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, ông Phục cho biết từ đầu năm 2011, ngoài công suất trại 50.000 con heo hiện nay, công ty sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại thêm quy mô 1.000 con heo/ngày.
Trước sức ép đến từ nhu cầu Trung Quốc, Vissan cũng chủ động đàn heo nuôi dự kiến lên 10.000 con. Ông Văn Đức Mười cho rằng việc ổn định nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn, không những ổn định sản xuất mà góp phần tạo bình ổn thị trường.
Ông Trần Văn Lĩnh, giám đốc công ty Thuận Phước, Đà Nẵng cho biết: “Trước việc Trung Quốc gom nguyên liệu, công ty tôi đã phải đầu tư 150ha liên kết với công ty Trường Sơn nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm sau sẽ mở rộng liên kết với các trại nuôi...”
(Theo Hoàng Bảy – Minh Thành/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com